Với tấm lòng nhân ái, anh Vũ Quốc Tuấn ở xã Minh Phú (Đoan Hùng, Phú Thọ) đã vinh dự là đại biểu dự đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 8.
Sinh ra trong gia đình thuần nông, gia đình nghèo khó, bố đau ốm liên miên, Tuấn sớm trở thành trụ cột gia đình. Tốt nghiệp phổ thông, thi đỗ vào ĐH Sân khấu điện ảnh, nhưng mới học được một tháng thì anh được tin bố ốm nặng. Khăn gói về quê, Tuấn không ngờ đó là lần từ giã luôn giảng đường đại học.
Bố anh mất ít lâu sau trận ốm, tiền vay mượn để chữa trị cho cha, mẹ anh không biết xoay xở thế nào, các em lại còn nhỏ dại. Tuấn đành bỏ học đi làm thuê kiếm tiền giúp mẹ và các em. Khắp miền Bắc này hiếm nơi nào Tuấn chưa đi vì thế người đàn ông này rất đồng cảm với những người nghèo khó.
Năm 2008, khi đang làm bảo vệ ở Bệnh viện Nhi, chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh thương tâm, trong đó anh day dứt mãi với số phận cháu Tạ Thị Thu Hà (Gia Lâm, Hà Nội). Đã 6 năm, cứ một tuần ba lần, chị Thanh (mẹ cháu) lại đạp xe đèo con lên viện chạy thận nhân tạo. Nhìn cô bé trạc tuổi con mình đau đớn chống chọi với bệnh tật, nhìn người mẹ khóc hết nước mắt bên giường bệnh của con, anh không thể cầm lòng.
Một ý định nảy ra trong đầu anh “cho cô bé một quả thận của mình”. Nhưng trước khi cho, anh đã bắt xe ôm tìm đến nhà Hà tìm hiểu gia cảnh. Anh càng nhói lòng khi gia đình Hà cũng túng bấn, nghèo khó như nhà anh trước đây. Bố Hà là thương binh, sức khỏe yếu, lại hỏng một mắt, một mình chị Thanh phải buôn thúng bán bưng gánh vác gia đình. Việc chạy thận cho Hà chị Thanh cũng phải gom góp, vay mượn thêm mới đủ.
|
Anh Tuấn tại đại hội thi đua yêu nước, tổ chức ở Trung tâm hội nghị quốc gia. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Sau chuyến đi ấy, anh Tuấn đã gặp bác sĩ ở Bệnh viện Nhi để bày tỏ nguyện vọng. Tất cả đều bất ngờ trước quyết định của anh bởi trước đó chưa có ai tự nguyện hiến thận cho người dưng. Họ để anh suy nghĩ nhưng anh Tuấn quả quyết “tôi đã suy nghĩ kỹ và chấp nhận tất cả, kể cả hậu quả xấu nhất”.
Nhưng việc hiến thận không hề đơn giản. Anh Tuấn phải trải qua quá trình xét nghiệm và theo dõi vô cùng phức tạp để kiểm tra chỉ số tương thích của hai cơ thể. Hơn 60 lần xét nghiệm là bấy nhiêu lần anh phải đau đớn, mệt mỏi, có những lúc tưởng chừng như muốn bỏ cuộc.
Đó là khi anh phải chụp động mạch thận, nằm bất động 8 giờ đồng hồ, từng mũi kim luồn lách trong cơ thể nhức buốt, là khi bác sĩ cầm cây kim to chọc vào tủy sống đau nhói. Thế nhưng, hình ảnh cháu gái mới 18 xuân xanh, tương lai còn rộng mở lại ám ảnh anh. Tuấn tự động viên mình cố gắng bởi “nếu không có quả thận này, Hà sẽ chết”.
Từ ngày 19-3-2008 (lần đầu tiên xét nghiệm máu) đến khi lên bàn mổ ngày 20-10 là từng ấy thời gian anh Tuấn chỉ quẩn quanh với việc xét nghiệm. Không thể làm việc kiếm tiềm, vợ đang đi xuất khẩu lao động ở Malaysia, công việc bấp hành do khủng hoảng kinh tế, anh Tuấn phải vay mượn để chu cấp cho hai con ăn học. Dù vậy, anh vẫn âm thầm chịu đựng một mình mà không nói lời nào cho gia đình.
Tỉnh dậy sau 8 giờ hôn mê sau ca mổ, lời đầu tiên anh Tuấn hỏi là “cháu Hà thế nào rồi bác sĩ” mà không phải là câu hỏi về bản thân. Câu trả lời “ca mổ thành công” khiến anh Tuấn mừng đến rơi nước mắt.
Suốt một tháng nằm viện chờ hồi phục sức khỏe, anh vui mừng vì đã cứu sống một sinh mạng, nhưng cũng buồn bởi lúc đau đớn nhất anh lại không có người thân ở bên. Gia đình Hà đã chăm sóc, ngỏ ý muốn bồi dưỡng, nhưng anh Tuấn gạt đi với lời dặn “anh chị để tiền chăm sóc cho cháu”.
Anh Tuấn kể, khi đang làm các bước xét nghiệm để cho thận thì có một gia đình ở Hải Phòng nghe tin tìm đến xin anh cho con họ, họ sẽ bồi dưỡng 50.000 USD. Tuy nhiên, anh đã khéo léo trả lời rằng thận anh dành để cho đứa cháu, “anh chị nhiều tiền thì có thể mua được ở nhiều nơi, nhưng với cháu gái tôi không cho nó sẽ chết”.
Sau ca mổ, sức khỏe của anh Tuấn yếu dần. Những việc nặng trước đây với anh đơn giản thì giờ là cả một vấn đề. Anh còn phải đối mặt với món nợ lớn vay mượn khi làm thủ tục cho thận cũng như món nợ cũ vay cho vợ đi xuất khẩu lao động. Trong lúc đang không biết bấu víu vào đâu thì anh được giám đốc Công ty cơ khí 17, Bộ Quốc phòng, đại tá Chu Thế Thịnh mời về làm việc.
“Nếu như không được đại tá thương thì cuộc sống của gia đình tôi, các con tôi không biết thế nào. Giờ tôi được làm hành chính ở công ty, công việc nhẹ nhàng và thu nhập đủ nuôi các con, tôi mang ơn đại tá lắm”, anh Tuấn ngậm ngùi.
Việc cứu sống cháu Hà không phải là việc cao cả đầu tiên mà anh Tuấn làm. Trước đó, với bản tính thương người, đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn, anh đã giúp đỡ không biết bao nhiêu người qua cơn hoạn nạn.
Năm 2007, khi đi chơi ở Tuyên Quang, đang ngồi nghỉ chân, nhìn thấy hai con trâu chở mía đang hung hãn lao vào nhau, một đứa trẻ chừng 12-13 tuổi đang đứng giữa đoạn đường. Không đắn đo, anh nhảy vào ôm cháu bé chạy ra. Cháu bình an còn anh thì bị trâu húc gãy mấy xương sườn phải vào viện băng bó.
Khi về nhà anh không nói với ai trong gia đình mà một mình chịu đau. Vết thương mãi không khỏi nên anh phải xuống Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ để khám. Trong lúc chờ đến lượt mình, chứng kiến một gia đình ôm nhau kêu khóc thảm thiết. Anh hỏi thăm thì được biết con gái họ đang được cấp cứu nhưng thiếu máu. Không ngần ngại, anh Tuấn đã gặp bác sĩ xin được hiến máu. Nhóm máu anh là O nên có thể cho bất cứ nhóm máu nào.
“Chưa đi hiến máu lần nào nhưng tôi chẳng sợ. Tôi nói với bác sĩ cứ lấy đủ lượng máu mà cháu đang thiếu. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ rằng, mình không cho cháu gái ấy sẽ chết mất”, anh Tuấn kể lại.
Sau khi cho 500 ml máu, anh chỉ kịp ký tên rồi lặng lẽ ra về, không cần biết gia đình ấy ở đâu, giàu hay nghèo. “Thế mà chỉ bằng thông tin tôi viết quê ở Đoan Hùng mà gia đình ấy đã tìm đến tận nhà cảm ơn. Họ cũng hoàn cảnh và dù tôi nhất mực nói không cần trả ơn, nhưng họ đã xin cho tôi được làm bảo vệ ở Bệnh viện Nhi sau này”, anh Tuấn cho hay.
Những lần đi làm thuê ở các khu công trình, đã hai lần đang làm việc thì anh thấy bà bầu đau bụng đẻ. Anh vội vàng đưa họ vào bệnh viện và làm thủ tục nhập viện. Làm trông xe ở Viện Nhi, anh cũng thường xuyên giúp đỡ những người bệnh ở xa về. Anh giúp họ làm thủ tục nhập viện, tìm nhà trọ cho họ để tránh gặp phải cò mồi. Khi làm xe ôm, anh cũng thường xuyên chở miễn phí cho những người khó khăn.
“Mỗi lần gặp người cần giúp đỡ tôi chỉ nghĩ rằng nếu mình không làm thì họ sẽ chết mất. Bản thân mình cũng là người bất hạnh, vất vả nên tôi thấu hiểu hoàn cảnh của họ. Làm được gì thì tôi sẽ làm, nếu còn thận nữa, tôi nhất định sẽ tiếp tục cho”, người đàn ông 38 tuổi cho hay.
Theo Vnexpress
Vui lòng nhập nội dung bình luận.