Tự chủ bệnh viện không nên "quá mức"

Diệu Linh Thứ ba, ngày 15/11/2022 06:07 AM (GMT+7)
Tự chủ bệnh viện là cần thiết, là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, GS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội cho rằng không nên tự chủ quá mức vì sẽ có nguy cơ tư nhân hóa BV công.
Bình luận 0

Khó tự chủ bệnh viện toàn diện vì vướng mắc thể chế

Tại buổi tọa đàm "Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn?" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức, TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, tự chủ toàn diện khó thực hiện bởi có quá nhiều vướng mắc về thể chế.

TS Quang phân tích, về tự chủ hoạt động chuyên môn. BV K, BV Bạch Mai được tự chủ toàn diện, theo nghị quyết là được mở rộng thêm các khoa phòng, tăng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhưng lại vướng Luật Khám bệnh chữa bệnh.

Tự chủ bệnh viện không nên "quá mức" - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia y tế, BV tuyến cuối cần có sự đầu tư của Nhà nước (Hướng dẫn khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh CTV)

Muốn làm điều này thì phải điều chỉnh giấy phép hoạt động quy mô giường bệnh là bao nhiêu, thêm được khoa phòng nào và khoa phòng ấy tương ứng với cơ sở vật chất, nhân lực, các quy trình, danh mục, giá dịch vụ khám chữa bệnh… Do đó, điều này vướng không làm được.

Còn về tự chủ tổ chức cán bộ, chúng ta cho rằng đã có Nghị định 120 quy định về thành lập, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các bệnh viện. Đối với các bệnh viện sự nghiệp công lập tự chủ về chi thường xuyên và tự chủ về đầu tư, toàn bộ cái đó có Hội đồng quản lý (HĐQL).

Quy định có nói rõ về thành phần HĐQL nhưng lại không nói mối quan hệ giữa HĐQL với  Giám đốc BV, với Ban Đảng ủy của BV, với Ban kiểm soát…

"Không hề có quy định rõ ai là đầu mối để quan hệ với cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Y tế... BV tự chủ toàn diện thì ai là người chịu trách nhiệm hoàn toàn mặt hoạt động, kể cả các đầu tư, mua sắm, tài sản, nhân lực…. Các vi phạm pháp luật ai là người chịu trách nhiệm, ông Chủ tịch HĐQT hay ông Giám đốc BV? Chúng ta chưa có.

Chúng ta nói cúng ta đã có Nghị định 120, Nghị định 115 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Chúng ta cũng có Nghị định 106 liên quan đến vị trí việc làm nhưng lại không ăn nhập gì với BV tự chủ và đặc biệt là BV tự chủ toàn diện", ông Quang nhấn mạnh.

Ông Quang nhấn mạnh: "Tự chủ bệnh viện là chủ trương đúng đắn nhưng để tự chủ, đặc biệt là tự chủ toàn diện, thì chúng ta cần có hành lang pháp lý đầy đủ". 

Tự chủ bệnh viện quá mức sẽ có nguy cơ tư nhân hóa BV công

GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cũng nhất trí chủ trương tự chủ bệnh viện là cần thiết.

Tự chủ bệnh viện không nên "quá mức" - Ảnh 2.

Bệnh nhân bệnh nặng tìm đến BV tuyến cuối thì cần phải được chăm sóc đảm bảo an sinh xã hội (ĐIều trị bệnh nhân tại Bệnh viện K Trung ương. Ảnh BVCC)

Tuy nhiên, theo GS Trí, cần cân nhắc tự chủ ở mức nào. Các cơ sở y tế chỉ nên tự chủ ở mức 2 và 3 (chi thường xuyên, chi một phần), không nên ở mức 1 (tự chủ toàn diện). Vì nếu tự chủ quá mức có thể sẽ có nguy cơ tư nhân hóa bệnh viện công.

TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, nếu chúng ta không tính toán mà đã xây dựng và giao chuyển tự chủ cho các BV khi người ta chưa đủ điều kiện thì "lợi bất cập hại", "gậy ông đập lưng ông".

Ông Lợi chỉ ra 3 vấn đề khiến các BV chưa tự chủ toàn diện được: Đó là thể chế chưa đáp ứng yêu cầu để người ta tự chủ toàn diện; Tổ chức thực hiện có vấn đề; Cơ chế giá chưa cho phép.

"Qua kinh nghiệm giám sát nhiều năm đối với ngành y tế, tôi thấy chưa có một cơ sở y tế nào, kể cả tuyến trên, tuyến cuối và tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, chưa BV nào có đủ điều kiện để tự chủ toàn diện...

Nếu chúng ta không cẩn thận mà cứ giao tự chủ toàn diện như như vậy, giao mà không có đầu tư, không có chuyển giao khoa học công nghệ và không có phúc lợi xã hội thì bệnh viện Nhà nước để làm gì", TS Lợi cho biết.

Ông khẳng định, có hai hạng bệnh viện là BV tuyến cuối cùng và BV tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, dứt khoát Nhà nước phải đầu tư.

Theo ông Lợi, BV tuyến cuối Nhà nước cần đầu tư để hiện đại hóa công nghệ, chữa các bệnh nan y. Hơn nữa, các BV này có nhiệm vụ hết sức quan trọng là chuyển giao công nghệ kỹ thuật hiện đại cho tuyến 2 và tuyến cơ sở. Đồng thời phải bảo đảm an sinh xã hội khi người dân bệnh nặng tìm đến BV tuyến cuối.

Tự chủ bệnh viện phải đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe

"Tự chủ bệnh viện thật ra là một nhu cầu tất yếu trong quá trình vận động và phát triển của xã hội cũng như trong quá trình vận động và phát triển của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành y tế nói riêng, đặc biệt là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Nhưng tự chủ bệnh viện thì phải bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe, tức là tiền túi của người dân phải bỏ ra ít đi và ngân sách của Nhà nước phải tập trung nhiều hơn.

Thứ hai là chất lượng khám bệnh, chữa bệnh phải được nâng cao và khả năng tiếp cận của người bệnh đối với các dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn, với chất lượng cao hơn và giá cả dịch vụ vừa phải.

Thứ ba, tự chủ bệnh viện nhưng vẫn phải bảo đảm đây là đơn vị sự nghiệp công lập, tức là thực hiện chính sách an sinh về mặt xã hội. Đây chính là bộ mặt của chế độ ta, tức là người dân phải được bảo đảm về chính sách an sinh xã hội".

TS Nguyễn Huy Quang

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem