Chiều 14/11, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn?".
Muốn tự chủ toàn diện nhưng "lực bất tòng tâm"
Tại cuộc tọa đàm, ông Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương khẳng định, cơ chế tự chủ toàn diện có điểm mạnh là cơ hội giải phóng khỏi cơ chế hoạt động cũ, có điều kiện thu hút nhân sự và chủ động đầu tư phát triển y tế, ngoài ra lãnh đạo bệnh viện "nhiều tiền và nhiều quyền hơn".
Là một trong 2 BV thí điểm tự chủ toàn diện trong thời gian qua, ông Quảng cho rằng, ông vạch sơ sơ thì cũng có đến 18 khó khăn mà hiện tại BV phải đối mặt.
Cụ thể như không có vốn để đầu tư; giá viện phí chưa được tính đúng tính đủ; bệnh nhân phải chi trả tiền túi cao; BV chịu áp lực phải nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh; thiếu thốn máy móc...
Theo ông Quảng, thời gian qua, các máy xã hội hóa của BV K vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, dịch Covid-19 cũng gây khó khăn không ít. Nguồn thu của BV K thời gian qua vẫn có nhưng giảm 2/3, chỉ còn 1/3. BV muốn tự chủ cũng không có vốn để đầu tư.
"Hiện nay, tự chủ toàn phần, BV K rất khó khăn vì máy móc không có. Hiện BV K đã xây xong K1, tuy nhiên mới chỉ hoàn thiện phần thô, còn đầu tư "nội thất" bên trong, trang thiết bị máy móc cần hơn 1000 tỷ nữa, khó có tiền để đầu tư.
Máy móc điều trị ung thư vô cùng đắt đỏ và BV K đang thiếu máy móc điều trị rất nặng nề.
Tôi cụ thể về máy xạ trị, trước đây BV K có 9 máy xạ trị nhưng đã hỏng hóc 4 cái, hiện chỉ có 5 cái đang hoạt động. Máy xạ trị phải chạy 24/24 giờ để đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân. Bệnh nhân, bác sĩ đều phải thức cả đêm để xạ trị, vô cùng khó khăn.
Hiện chúng tôi cần 10 cái nữa mới tạm đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân hiện nay. Theo tính toán, nếu tự chủ toàn diện, mỗi năm tiết kiệm được 200 tỷ đồng, dành mua 1 máy xạ trị cần 130 tỷ/cái. Nếu cố đầu tư 1 cái/năm thì cũng cần 10 năm nữa mới đáp ứng nhu cầu máy xạ trị của bệnh nhân.
Như thế tôi e rằng mua được máy mới thì máy cũ cũng hỏng vì máy chạy 24/24 giờ, không máy nào chịu nổi.
Ngoài ra, máy MRI cũng chạy đến 1 giờ sáng mới hết bệnh nhân, máy CT ngày nào cũng chạy từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, vô cùng khó khăn.
Hiện nay, BV K vẫn đáp ứng được nhu cầu điều trị, vẫn cố được nhưng cũng không biết cố được đến bao giờ. Cái gì cũng có giới hạn và máy móc chạy với tần suất như hiện nay thì khó mà duy trì được lâu dài", ông Quảng chia sẻ.
Ông Quảng cho rằng, hiện BV K cần chuyển sang tự chủ chi thường xuyên và Nhà nước đầu tư máy móc là hợp lý nhất. Sau 3-5 năm, BV có được nội lực, có tích cóp thì chuyển sang tự chủ toàn diện mới được.
Tự chủ toàn diện "động đâu vướng đó"
Còn ông Đào Xuân cơ, Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, thí điểm tự chủ toàn diện, BV Bạch Mai đang gặp khó khăn cả 4 vấn đề chính của tự chủ toàn diện: tổ chức bộ máy và nhân sự; về đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản; về tài chính, tiền lương và giá dịch vụ y tế; về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Từ quý 2/2022 khi dịch Covid-19 được kiểm soát số lượng bệnh nhân tăng đột biến dẫn tới tình trạng không đủ máy móc, thiết bị phục vụ khám chữa bệnh.
"Mỗi ngày tiếp đón từ 6.000 – 10.000 bệnh nhân nên bệnh viện phải bố trí lại ca kíp để đảm bảo không từ chối bất cứ người bệnh nào. Bệnh viện mở cửa đón tiếp bệnh nhân từ 5 giờ và như vậy nhân viện phải đi từ đêm để kịp giờ làm", PGS Cơ chia sẻ.
Với số lượng bệnh nhân tăng đột biến trong khi nhiều máy móc thiết bị, đặc biệt là máy phục vụ cho hệ thống chẩn đoán điều trị ung bướu và y học hạt nhân như máy Pet CT, cộng hưởng từ, xạ phẫu; máy hiện đại phục vụ phẫu thuật như thiết bị vi phẫu, robot... phải lưu kho hai năm nay vì được xem là tang vật của vụ án của người tiền nhiệm.
Thêm vào đó, theo ông Cơ có tới 11 trong số 27 đề án thực hiện liên doanh, liên kết tại Bạch Mai sau khi thanh tra Chính phủ kiểm tra đã phát hiện có vi phạm nên một loạt máy móc trong phải ngừng hoạt động. Điều này đã dẫn tới việc thiếu thiết bị phục vụ người bệnh.
Ông Cơ phân tích, khó nhất bây giờ là nguồn tài chính chênh lệch thu chi để duy trì hoạt động của BV Bạch Mai là rất thấp do BV mặc dù thí điểm tự chủ toàn diện nhưng toàn bộ giá dịch vụ kỹ thuật y tế BV thu hầu hết đúng bằng giá bảo hiểm y tế.
Mặc dù được tự chủ toàn diện nhưng BV chưa bao giờ được tự chủ về giá, hoàn toàn thực hiện theo quy định pháp quy bởi BV xác định mình là bệnh viện công lập, tuyến cuối với nhiệm vụ quan trọng là tiếp nhận người bệnh tuyến cuối từ tất cả các tỉnh phía bắc chuyển về, các BV ở Hà Nội chuyển đến.
Trên 90% bệnh nhân là người hưởng BHYT, trong số này có nhiều người nghèo, người có công, người vùng sâu vùng xa. Cho nên, BV không thu thêm bất cứ nguồn thu nào, giá thu đúng bằng giá bảo hiểm y tế, thực hiện nghiêm túc văn bản pháp quy hiện tại của Chính phủ, Bộ Y tế.
"Chênh lệch thu chi không có, bởi giá BHYT chúng ta xây dựng cũng khá lâu rồi, chỉ thu 1 phần viện phí, tức là chỉ thu 4/7 yếu tố cấu thành viện phí.
BV mặc dù đông bệnh nhân nhưng tất cả các khoản phải chi tất, từ chi cho con người, chi đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, duy trì bảo dưỡng. Thu không đủ để chi.
Bệnh viện không ngại làm, không phải không dám làm tự chủ toàn diện mà khó nhất là chưa có văn bản pháp quy rõ ràng nên rất dễ sai phạm. Đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện", ông Cơ khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.