Từ chùm ca nhiễm ở Bệnh viện Việt Đức, cần làm gì để bảo vệ "thành trì cuối cùng" chống dịch Covid-19?

Gia Khiêm Chủ nhật, ngày 03/10/2021 11:41 AM (GMT+7)
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đưa ra một số giải pháp trong công tác phòng chống dịch tại bệnh viện sau khi Bệnh viện Việt Đức ghi nhận 25 ca dương tính.
Bình luận 0

Việc xuất hiện chùm ca bệnh tại Bệnh viện Việt Đức là "điều được dự báo trước"

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội ngày 3/10 thông tin, đã ghi nhận 25 ca bệnh tại Hà Nội liên quan đến chùm lây nhiễm tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hoàn Kiếm). Ngoài ra, có 6 ca dương tính liên quan đến bệnh viện này được ghi nhận tại 4 tỉnh: Nam Định (3 ca), Hưng Yên (1 ca), Hà Tĩnh (1 ca) và Hải Dương (1 ca).

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, việc xuất hiện chùm ca bệnh ngoài cộng đồng cũng như tại Bệnh viện Việt Đức là điều được dự báo trước.

"Trong trường hợp chúng ta chung sống với dịch thì sẽ xuất hiện những ổ dịch. Việc dịch xuất hiện ở bệnh viện xác suất sẽ cao hơn bởi nơi đây người ốm, đau ra vào nhiều. Cùng với đó, người bệnh trở về địa phương chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19 có thể làm lây nhiễm ra những ổ dịch mới. Tuy nhiên, theo dự báo dịch không bùng phát mạnh như TP.HCM hoặc như các tỉnh phía Nam bởi tỉ lệ tiêm vaccine đã tương đối, tốc độ lan truyền không thể nhanh được", ông Nga thông tin.

Từ chùm ca nhiễm ở Bệnh viện Việt Đức, cần làm gì để bảo vệ "thành trì cuối cùng" trong phòng chống Covid-19? - Ảnh 2.

Xe cấp cứu 115 tiến vào Bệnh viện Việt Đức chiều 30/9. Ảnh: Gia Khiêm

PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, vẫn còn có kẽ hở trong việc giám sát tại bệnh viện – nơi được xem là "thành trì cuối cùng" trong phòng chống dịch Covid-19. Không riêng gì Bệnh viện Việt Đức mà trước đây tại Hà Nội ghi nhận chùm ca nhiễm ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K Tân Triều.

"Khi đó chính sách của chúng ra là 'zero covid' (không ca nhiễm) cố gắng bóc tách F0. Hiện tại chúng ta chuyển sang trạng thái sống chung với dịch thì có thể xuất hiện ca bệnh nên phải tăng cường chống dịch", ông Nga nói.

Xây dựng khu vực "bệnh viện xanh"

Ông Nga đề xuất một số phương án, đó là, người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn có thể lây nhiễm nên phải thực hiện 5K. Đối với bệnh viện, người bệnh điều trị lâu dài phải kiểm tra thường xuyên bằng xét nghiệm. Ông đưa ra ví dụ, nhiều khi ở Hà Tĩnh xét nghiệm âm tính nhưng đi dọc đường đến bệnh viện có thể dương tính.

Từ chùm ca nhiễm ở Bệnh viện Việt Đức, cần làm gì để bảo vệ "thành trì cuối cùng" trong phòng chống Covid-19? - Ảnh 3.

Lực lượng bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức trước khoa Cấp cứu chiều ngày 30/9. Ảnh: Gia Khiêm

Đối với những người lây nhiễm phải thông báo rộng rãi trên phương tiện đại chúng. Những ai đã tiếp xúc với F0 , F1 cố gắng theo dõi cách ly tại nhà, không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì đi cách ly tập trung.

"Tốt nhất theo tôi nên cách ly tại nhà để san sẻ vất vả cho ngành y tế. Bệnh viện kiểm soát người nằm viện, không cho người nhà vào viện. Nếu cần tổ chức người chăm sóc thì có thể để điều dưỡng, hộ lý, người phục vụ bệnh nhân chuyên nghiệp đã tiêm vaccine 2 mũi cho phục vụ. Gia đình thay vì cho người nhà vào viện thì trả tiền cho dịch vụ đó", ông Nga chia sẻ.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh, Bệnh viện Việt Đức là đầu ngành tuyến cuối, nếu đóng cửa thì hàng chục, hàng trăm người mất cơ hội điều trị và có thể chết.

"Người nhiễm Covid-19 chưa làm sao mà chính những người ốm nặng chưa điều trị gấp đã có thể bị tử vong. Không chỉ riêng Việt Đức mà một số bệnh viện khác cũng phải đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch. Phải vừa phòng chống và cứu chữa cho người bệnh.

Chúng ta chia ra khu vực "bệnh viện xanh". Đây là khu vực giám sát thật chặt để thực hiện những ca mổ cấp cứu nguy cấp. Bệnh viện Việt Đức hiện có cơ sở 2 ở Hà Nam. Có thể chuyển bệnh nhân xuống đây điều trị để giảm tại. Tại Hà Nội tiến hành sắp xếp lại, đảm bảo an toàn", ông Nga nói thêm.

Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn hỏa tốc gửi các bệnh viện trung ương, bộ, ngành đóng trên địa bàn Hà Nội; các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập; 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã về việc rà soát người liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị khẩn cấp thực hiện rà soát các trường hợp đã đến, ở, về từ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức từ ngày 19/9/2021, bao gồm làm việc, học tập, cung cấp dịch vụ, khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh.

Các đơn vị lập danh sách những người có liên quan và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch: Cách ly tạm thời, khai thác dịch tễ, lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán để phát hiện ca bệnh kịp thời; các đơn vị áp dụng nghiêm các biện pháp để bảo đảm an toàn bệnh viện...

Đồng thời, các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc xét nghiệm sàng lọc, đánh giá nguy cơ đối với cán bộ, nhân viên y tế, người lao động, bệnh nhân, người chăm sóc... theo hướng dẫn của Bộ Y tế về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem