Từ dịp lễ Vu Lan ngẫm chuyện đừng để khi cha mẹ mất mới tìm cách báo hiếu!

Gia Khiêm Thứ tư, ngày 30/08/2023 06:00 AM (GMT+7)
Mỗi mùa Vu lan về, nhiều người ân hận vì không kịp báo hiếu cha mẹ, để rồi khi cha mẹ mất đi cảm thấy hối lỗi, tiếc nuối, thậm chí tự cô lập bản thân...
Bình luận 0

"Đừng để khi cha mẹ mất rồi mới tìm cách báo hiếu"

Lễ Vu Lan tổ chức vào rằm tháng 7 âm lịch hằng năm là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Đây là dịp nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ, từ đó làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn.

Hiếu thảo là đạo lý đẹp của người con đối với cha mẹ. Đạo hiếu nhắc nhở chúng ta phải quan tâm, phải chăm sóc, hiếu kính với cha mẹ - người đã yêu thương, sinh dưỡng mình.

Từ đại lễ Vu Lan ngẫm đến chuyện đừng để khi cha mẹ mất rồi mới tìm cách báo hiếu! - Ảnh 1.

Một người mất mẹ bật khóc trong ngày đại lễ Vu Lan báo hiếu khi thực hiện nghi lễ Bông hồng cài áo. Ảnh: Gia Khiêm

Trao đổi với PV Dân Việt, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội chia sẻ, ông cha ta luôn răn dạy không phúc nào lớn hơn phúc hiếu kính, không tội nào nặng bằng tội bất kính với mẹ cha. 

"Phật pháp cũng răn cha mẹ trong nhà chính là Phật ở đời. Nếu cha mẹ ở nhà mà không phụng dưỡng thì đến chùa có ích gì đâu. Đạo thờ ông bà tổ tiên của người Việt đã gặp gỡ Phật giáo ở điểm này và người Việt đã lấy ngày Rằm Tháng 7 là dịp để mong cầu Đức Phật gia trì để tổ tiên được siêu thoát, cha mẹ, ông bà được bình an. Vì vậy mới có câu cúng cả năm không bằng rằm tháng 7", Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm chia sẻ.

Từ đại lễ Vu Lan ngẫm đến chuyện đừng để khi cha mẹ mất rồi mới tìm cách báo hiếu! - Ảnh 2.

Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, trong dịp Đại lễ Vu lan, mọi người nên làm những điều thánh thiện nhất. Con cái phải nhìn lại xem mình đã hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ thế nào. Ảnh: Gia Khiêm

Bên cạnh đó, theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, trong lễ Vu Lan, mọi người cần nhớ tới 4 ơn cao cả khác. Đó là ơn tam bảo tế độ, ơn quốc gia che chở mình, ơn thầy cô dạy bảo và ơn tất cả mọi người trong xã hội.

"Trong dịp Đại lễ Vu lan, mọi người nên làm những điều thánh thiện nhất. Con cái phải nhìn lại xem mình đã hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ thế nào. Ngược lại, mẹ cha cũng phải xem đã làm hết thiên chức của mình chưa. Bên cạnh đó, mọi người cũng phải san sẻ tình yêu thương tới mọi người.

Nếu không thể đến chùa đón lễ, mỗi gia đình có thể tự chuẩn bị mâm cúng tại nhà. Mâm cúng không cần phải mâm cao cỗ đầy mới là thành kính. Các cụ có câu 'bát nước cho trong, đĩa hoa cho thơm, nén hương cho ngát'. Đặc biệt, trong Phật Giáo không dạy đốt vàng mã cúng cho tổ tiên", Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói.

Từ đại lễ Vu Lan ngẫm đến chuyện đừng để khi cha mẹ mất rồi mới tìm cách báo hiếu! - Ảnh 3.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC

Chia sẻ với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, chúng ta thấy rằng cha mẹ với con cái như nước mắt chảy xuôi. Cha mẹ lo cho con cái từ lúc chưa biết gì, mắc nhiều lỗi sai nhưng rất bao dung, tha thứ, dạy dỗ cho con nên người. 

"Nhiều người đã ân hận vì không kịp báo hiếu với cha mẹ khi còn sống để rồi khi cha mẹ mất đi mới thấy muộn màng. Đừng để khi cha mẹ mất rồi mới tìm cách báo hiếu. Việc báo hiếu phải xem lại quan điểm bởi sự hy vọng của người cha, người mẹ, mong muốn của một người đến cuối cùng chẳng phải là tiền, địa vị mà quan trọng là hạnh phúc. 

Hạnh phúc ở đây đơn giản là chúng ta có những cảm xúc tích cực nhiều hơn trong cuộc sống hàng ngày. Cách thức báo hiếu với cha mẹ đến tận cùng là làm cho cha mẹ hạnh phúc hàng ngày. Mình có hành vi ứng xử như thế nào đó để làm cho cha mẹ có nhiều hơn niềm vui hàng ngày", ông Nam chia sẻ.

Phận làm con làm gì để báo hiếu cha mẹ, ông bà?

Ông Nam cho rằng, để tạo niềm vui với ông bà, cha mẹ rất đơn giản, kể cả việc báo hiếu khi còn sống hàng ngày để cho cha mẹ được tự lập, tự do, tự quyết, làm theo ý mình thì đó cũng là mang lại niềm vui. 

"Không hẳn phải là những món quà to tát, xa xỉ, đôi khi chỉ là những lời hỏi thăm, chia sẻ hay những món quà nhỏ nhưng thể hiện sự quan tâm của con cháu cũng mang đến niềm vui và hạnh phúc tới đấng sinh thành.

Từ đại lễ Vu Lan ngẫm đến chuyện đừng để khi cha mẹ mất rồi mới tìm cách báo hiếu! - Ảnh 4.

Đại lễ Vu Lan là dịp nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ, từ đó làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn. Ảnh: Gia Khiêm

Khi chúng ta còn nhỏ không biết mọi thứ, không khéo léo, vụng về, chậm chạp… bố mẹ tha thứ cho mình hết. Giờ cha mẹ già rồi chẳng khác gì trẻ con. Nếu cha mẹ trở nên chậm chạp hơn thì mình chờ một chút, nghe không rõ thì mình nhắc lại một chút, làm sai gì đó thì cười xoà giống như ngày xưa bố mẹ cũng cười với chúng ta. Mình chấp nhận điều đó thì đó là cách báo hiếu hàng ngày", ông Nam cho hay.

Có nhiều người ân hận vì chưa kịp báo hiếu thì cha mẹ đã khuất, ông Nam cho rằng, điều chúng ta cần làm là đối xử tử tế với bản thân mình. Đừng để cho mình rơi vào nghiện ngập hay hành vi phản lại giá trị mà ngày trước bố mẹ mong muốn.

"Chúng ta phải tự hiểu mình mang một nửa bộ gen của bố mẹ. Đừng để cho chúng ta phải mắc vào những vòng lao lý… Chúng ta vẫn tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ. Khi tổ chức sự kiện nào đó mà trong không gian ấy mọi người nhắc nhở lại người ông, người bà đã thành công như thế nào khi họ còn sống. Đó cũng là cách báo hiếu cho những người đã khuất và cũng là cách truyền đạo hiếu cho những thế hệ sau để noi gương ông bà, tổ tiên. Đây là sự báo hiếu chứ không nhất thiết chúng ta phải tự dằn vặt, trách cứ bản thân. Thậm chí có những người nhiều lúc tự cô lập bản thân hay có một số hành động này kia để coi như sự hối lỗi trả ơn cha mẹ. Chẳng bao giờ cha mẹ muốn con cái mình như thế cả. Cho nên báo hiếu cha mẹ qua đời thì hãy báo hiếu bằng cách điều chỉnh hành vi ứng xử của mình, đừng để cho chúng ta trở thành con người mà bố mẹ không mong muốn", ông Nam nhấn mạnh.

Về việc có nhiều người hối lỗi vì những mâu thuẫn với cha mẹ lúc sinh thời, ông Nam cho rằng, việc ở gần nhau nếu không có sự bao dung, nhìn sự việc theo nhiều chiều thì chúng ta rất dễ trở nên mâu thuẫn về quan điểm. Sau mâu thuẫn về quan hệ làm cho mối quan hệ giữa các thế hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên xa cách. 

"Việc muốn kéo gần khoảng cách phải từ hai phía chứ không phải đơn thuần từ phía người con. Với cha mẹ nhiều khi chúng ta phải nhún nhường nhưng trên thực tế để hàn gắn mối quan hệ này bao giờ cũng từ hai phía. Bất cứ sự việc nào xảy ra kể cả khi mình đã tin quan điểm của mình đúng 100% vẫn phải nhìn nhận người khác vẫn có quan điểm hợp lý. 

Cách thức để chúng ta hàn gắn được tình cảm gia đình luôn luôn phải nhìn sự việc theo 4 góc nhìn. Cụ thể: đó là góc nhìn của mình, của bố mẹ, sự thật đúng sai và góc nhìn của dư luận, đạo đức giữa con cái và cha mẹ. Bốn góc nhìn này đáng lẽ nếu giống nhau sẽ không có chuyện gì xảy ra nhưng trên thực tế, cuộc sống của chúng ta thì góc nhìn của người con, cha mẹ, sự thật, dư luận xã hội về mặt đạo đức có thể khác nhau" ông Nam nói.

Vì vậy, ông Nam chia sẻ thêm, để hoá giải mâu thuẫn cả hai bên phải biết bình tĩnh, đặt mình vào vị trí của họ để cảm nhận tại sao trên phương diện người kia lại có quan điểm như thế.

"Trước bất kỳ mâu thuẫn nào đặc biệt trong gia đình, tình thân thì hãy ghi nhớ rằng bất cứ một sự việc nào xảy ra mình thấy mình đúng, chính xác cũng phải đặt ra tình huống người khác cũng có lý của họ. Cho nên hãy cố gắng hạ cái tôi của mình xuống, bước sang phía người đối diện để thấu cảm góc nhìn của họ", ông Nam nêu quan điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem