Vu lan buồn của một người con từng khước từ cha

Thùy Anh Thứ ba, ngày 29/08/2023 13:31 PM (GMT+7)
Mùa Vu lan là dịp để tưởng nhớ công ơn của cha mẹ. Nhưng nhiều người đã không còn cơ hội báo hiếu khi bố mẹ đã lìa xa, họ luôn mang trong mình nỗi buồn, nỗi ân hận vì chưa làm được gì nhiều cho bố mẹ.
Bình luận 0

"Ước gì mùa Vu Lan có thể được thấy hình dáng cha"

Tuổi thơ của anh Đặng Xuân Thanh, 40 tuổi (Hà Nội) chỉ gắn với mẹ mà ít khi được gặp cha. Là người con không được thừa nhận, nên từ bé anh đã luôn chối bỏ bố. Anh chia sẻ: "Lúc nhỏ chúng bạn hay trêu tôi là đứa con hoang không có bố. Tôi đã rất giận mẹ, thậm chí còn giận và hận cả bố tôi. Tôi đã không nhìn mặt ông cho tới lúc ông ốm nặng, qua đời".

Ngày anh Thanh cưới vợ, bố anh không tới vì ốm nặng nhưng ông đã gửi cho anh một lá thư cầu xin anh tha thứ cùng với một tấm ảnh ông chụp với anh từ thuở còn bé, màu ảnh trắng đen mờ nhoẹt.

"Tôi đã không mở bức thư ấy cho tới khi ông qua đời. Sau này khi mở bức thư nhìn tấm ảnh ông bế ôm tôi trong lòng tôi thật sự hối hận, tim nhói đau, không thể ngăn được nước mắt chảy. Mẹ tôi kể ngày tôi bé, dù không tới thăm thường xuyên nhưng ông vẫn gửi đồ chơi và món ăn tôi thích. Tôi đã ước gì mình có thể tha thứ cho ông sớm hơn", anh Thanh kể.

vu lan báo hiếu

Tâm sự của một người con trong mùa lễ Vu Lan khi mà mẹ đã mất. Ảnh: Cắt trên MXH

Nỗi đau ấy đeo đuổi theo anh Thanh nhiều năm trời, mỗi mùa Vu Lan đến anh chỉ biết chắp tay cầu nguyện cho ông và hứa với lòng phải tận hiếu với người mẹ còn sống bên cạnh.

Còn chị Lê Thị Vi (TP. Hồ Chí Minh) thì chia sẻ, mỗi mùa lễ Vu lan về là lòng lại nhớ thương bố. Bố chị mắc bệnh hiểm nghèo đã mất cách đây 3 năm vậy nhưng những bóng hình của ông vẫn còn in đậm trong tâm trí chị.

Chị Vi kể lại, lúc bố chị ốm đúng vào đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở TP Hồ Chí Minh. Chồng đi công tác, một tay chị vừa chăm sóc các con vừa chăm sóc bố mẹ. Thế rồi, bố cô đột nhiên ốm nặng nhưng cô vẫn không quan tâm ông được nhiều vì còn bận công việc với các con. Lúc phải đi cấp cứu cô mới hay ông bị bệnh hiểm nghèo, lại mắc Covid-19 và bác sĩ kết luận ông chẳng còn sống được bao lâu.

"Tôi hối hận vì lúc ông ốm tôi đã không biết sớm. Nhìn cảnh bố đau đớn, vật vã lòng tôi đã rất đau xót. Giá như tôi quan tâm hơn, giá như khi biết ông ốm, tôi đã cho ông về quê ở Thanh Hóa thì ông đã không bị Covid-19 và mất sớm.

Ngày bố tôi còn sống, tôi đã từng muốn mua tặng bố mẹ một cặp vé đi du lịch nước ngoài nhưng tôi chưa từng thực hiện được. Ước gì thời gian có thể quay trở lại để tận hiếu được với bố mẹ dù chỉ một lần nữa thôi", chị Vi tâm sự.

lễ vu lan báo hiếu

Phật tử tham gia lễ tụng kinh được cài hoa dịp lễ Vu Lan. Ảnh: Gia Khiêm

Còn chị Kim Chi (Hà Nam) thì chia sẻ trên Group "Viết cho nhẹ lòng": "Mình đã mất mẹ 12 năm rồi. Ngày mẹ còn sống mình đã từng làm nhiều việc khiến mẹ buồn. Có những thứ mất đi rồi mới thật sự hối tiếc và bây giờ lời xin lỗi muốn nói ra cũng không còn kịp nữa".

Kim Chi cũng cảm thấy ân hận vì lúc mẹ còn sống cô đã không kịp bày tỏ nói lời yêu thương. Dường như giữa cô và mẹ đã từng có rất nhiều khoảng cách. Tới giờ khi làm mẹ, cô mới hiểu được tất cả những điều bà từng làm cũng chỉ vì muốn tốt cho cô. Hối hận đã muộn, mùa lễ Vu Lan năm nay chị dành cho lên chùa cầu siêu và thời gian còn lại về quê chăm sóc gần gũi bố. 

Báo hiếu không phải là chỉ cung cấp về vật chất, tinh thần mà còn là sống tốt 

Theo Phật giáo, ngày lễ Vu Lan là một trong hai lễ lớn nhất của đạo phật, nhằm báo hiếu công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Ngày Vu Lan không chỉ là ngày lễ của các Phật tử mà đã trở thành một lễ hội văn hóa tinh thần chung của xã hội, mang đến thông điệp về lòng biết ơn và đền ơn như một biểu hiện và cư xử văn hóa đáng được con người lưu tâm, thực hiện.

Chia sẻ với phật tử Thượng tọa Thích Nhật Từ - Trưởng ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh từng cho biết: Đại lễ Vu Lan là dịp để kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp nghĩa của Đức Phật, khuyến khích con người tri ân, đền ơn bốn nguồn ân đức, đó là tri ân và đền ơn cha mẹ sinh thành; thầy cô giáo những người dạy dỗ, truyền đạt tri thức cho con người; tri ân các bậc tiền bối đã dựng xây đất nước, các Anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh mang lại độc lập, chủ quyền thiêng liêng cho toàn đất nước và cuối cùng là tri ân chính đồng loại con người.

Với Thượng tọa Thích Nhật Từ, thì sự báo hiếu không đơn thuần là sự chăm sóc vật chất, tinh thần, mà nó còn là sự "sống tốt đời, đẹp đạo", biết sống thiện lành, sống có ý nghĩa của người con. Chỉ cần làm được như vậy cũng là cách những người con báo hiếu với cha mẹ.

Thượng tọa cho rằng trong thời đại ngày nay, tinh thần đạo hiếu cần được đề cao, biểu dương mạnh mẽ hơn để truyền thống đó luôn được bồi đắp, ngày càng trở thành sức mạnh văn hóa của dân tộc hôm nay và mãi mãi về sau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem