Tự hào Nông dân Việt Nam và câu chuyện làm nông có cần "đi học"?

Nghĩa Lê – Vũ Ly Thứ ba, ngày 15/10/2024 16:28 PM (GMT+7)
Làm nông xưa là chuyện của tay chân, của những sớm hôm gắn bó với đồng ruộng. Nhưng thời đại mới, làm nông không chỉ cần sức lực, mà còn cần kiến thức. Để vững bước cùng nông nghiệp bền vững, người nông dân giờ đây phải học hỏi thêm, từ cách quản lý doanh nghiệp đến ứng dụng công nghệ hiện đại.
Bình luận 0

Ngày 14/10, tại Trung tâm Hội nghị Hùng Vương, diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX năm 2024 với chủ đề “Lắng nghe nông dân nói” đã diễn ra sôi nổi.

Tự hào Nông dân Việt Nam: Câu chuyện làm nông có cần "đi học" thực hư ra sao?- Ảnh 1.

Không khí diễn đàn rất sôi nổi, nhưng cũng rất gần gũi đối với những người nông dân tham dự, không có rào càn giữa các cấp bậc. Ảnh: P.V

Nhờ vào những cuộc đối thoại chân tình giữa đại diện của người nông dân trên cả nước và lãnh đạo cấp cao, diễn đàn không chỉ là nơi trao đổi ý kiến mà còn là nhịp cầu nối liền giữa thực tiễn đồng ruộng và chiến lược quốc gia. 

Tại đây, các nông dân xuất sắc và các đại diện hợp tác xã tiêu biểu đã không ngại chia sẻ về những khó khăn, trăn trở mà họ đối mặt hàng ngày – từ bài toán về nguồn vốn, đầu ra sản phẩm, vướng mắc đất đai, thách thức của biến đổi khí hậu, đến những rào cản trong việc áp dụng công nghệ mới.

Trong bầu không khí gần gũi và cởi mở, Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đã lắng nghe và cùng nhau thảo luận, đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ những "nút thắt" cho người nông dân. Đây không chỉ là cơ hội để bà con bày tỏ nguyện vọng mà còn là bước tiến mới, giúp nông dân cả nước thêm tin tưởng và kiên cường trên con đường làm nông nghiệp bền vững.

Đi một ngày đàng, học một sàng khôn....

Câu nói xưa nay vẫn vẹn nguyên giá trị, nhất là với người nông dân hôm nay. Đã qua rồi cái thời làm nông chỉ là chuyện của tay chân, của những sớm hôm tần tảo trên cánh đồng. Giờ đây, khi đất nước chuyển mình, người nông dân cũng không ngừng học hỏi, để không chỉ theo kịp mà còn làm chủ thời cuộc.

Mỗi ngày, họ không chỉ học cách chăm cây, nuôi cá mà còn học cách quản lý, cách ứng dụng công nghệ, cách đưa sản phẩm mình làm ra đến tay người tiêu dùng xa gần. Để làm nông, người nông dân hôm nay không chỉ cần đôi bàn tay cần mẫn, mà còn cần trí óc nhanh nhạy, tinh thần sẵn sàng đón nhận cái mới. Chính sự học hỏi đó đã mở ra biết bao cơ hội, giúp người nông dân có thể vững bước cùng nền nông nghiệp bền vững, hiện đại và gắn kết với thế giới.

Qua lời chia sẻ với phóng viên Dân việt, ông Nguyễn Đức Mệnh, một nông dân xuất sắc đến từ Hải Dương, sinh năm 1953, cho biết: "Dù tôi đã ở ngưỡng "cây sắp tàn, lá sắp rụng" nhưng chưa một ngày nào tôi ngừng học hỏi, ngừng nỗ lực tìm tòi, tìm hiểu về những kiến thức làm nông".

Tự hào Nông dân Việt Nam: Câu chuyện làm nông có cần "đi học" thực hư ra sao?- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Mệnh (SN 1953) hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương ở thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Ảnh: Nguyễn Chương

Ông Mệnh chia sẻ rằng được tham gia chuỗi Chương trình do TƯ Hội Nông dân Việt Nam tổ chức, nhất là Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX năm 2024 với chủ đề: "Lắng nghe nông dân nói" là một cơ hội quý báu giúp ông học hỏi thêm nhiều điều mới. Ông đã gặp gỡ và kết nối với những nông dân xuất sắc từ khắp mọi miền, mỗi người một kinh nghiệm, một câu chuyện, nhưng đều chung khát vọng làm giàu từ nông nghiệp bền vững.

Không chỉ được học hỏi từ các chuyên gia và lãnh đạo, ông Mệnh còn tìm thấy sự đồng cảm và động viên từ những nông dân khác. Ông nói: “Nghe người ta kể về những nỗ lực vượt qua khó khăn, tôi thấy lòng mình như trẻ lại, thêm động lực để tiếp tục. Dù tuổi đã bóng xế, nhưng tôi không muốn dừng lại. Tôi mong rằng những gì mình học được hôm nay sẽ giúp ích cho mùa màng và cho cả thế hệ sau".

“Ở tuổi này, tôi vẫn thấy mình còn nhiều điều cần phải học. Tại diễn đàn, tôi được nghe chia sẻ về những mô hình canh tác mới, cách ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp, và cả những cách để đưa sản phẩm ra thị trường xa hơn. Những kiến thức ấy giúp tôi mở mang tầm nhìn và tự tin hơn khi áp dụng vào doanh nghiệp của mình", ông Mệnh nở nụ cười giản dị khi chia sẻ cùng phóng viên báo Dân Viêt.

Cùng suy nghĩ với ông Mệnh, một nông dân xuất sắc Việt Nam khác đến từ Hà Tĩnh, ông Lê Vạn Hải chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt: "Xuất thân từ nông dân nên quả thực tôi hiểu rất rõ những gian truân của nghề. Làm nông không chỉ là chuyện cày sâu cuốc bẫm mà còn phải biết cách thích nghi và tìm hướng đi mới".

Từ những ngày đầu, ông Hải đã sớm nhận ra rằng việc trồng cấy và chăn nuôi cần phải đi đôi với việc phát triển thêm các sản phẩm chế biến để tạo ra giá trị gia tăng. Ông Hải kể: “Chỉ làm ra sản phẩm thôi thì chưa đủ, mình còn phải làm sao để đưa nó đến tay người tiêu dùng với chất lượng tốt nhất. Đó là lý do tôi quyết định đầu tư vào chế biến, để nông sản mình làm ra có thể đi xa hơn, ổn định hơn”.

Tự hào Nông dân Việt Nam: Câu chuyện làm nông có cần "đi học" thực hư ra sao?- Ảnh 3.

Ông Lê Vạn Hải, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Gia Phúc (Hà Tĩnh), rất vinh hạnh và tự hào khi được tham dự chuỗi Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam, từ đó được mở mang, kết nối và học hỏi rất nhiều. Ảnh: Nghĩa Lê

Những kiến thức về quản lý, chế biến, chăm sóc cây trồng, vật nuôi đã được ông tích lũy qua bao năm tháng, nhưng ông vẫn luôn khát khao học hỏi những điều mới. "Diễn đàn lần này giúp tôi mở mang nhiều điều, từ các vấn đề đất đai, tín dụng, hay cách ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi cho đến kỹ thuật chế biến hiện đại. Được gặp gỡ những người nông dân khắp nơi cũng giúp tôi thấy được tiềm năng to lớn từ việc kết nối và chia sẻ kinh nghiệm", ông Hải phấn khởi khi chia sẻ với báo Dân Việt.

Cũng như ông Mạnh và ông Hải, chị Nguyễn Thị Biên, một nông dân xuất sắc đến từ Thanh Hoá, không chỉ gắn bó với nông nghiệp mà còn mang trong mình niềm đam mê sáng tạo và không ngừng học hỏi. Chị Biên chia sẻ: “Là phụ nữ làm nông, tôi phải gánh vác không chỉ việc đồng áng mà còn cả gia đình. Nhưng điều đó không ngăn được tôi tìm tòi và học hỏi những cái mới về nông nghiệp".

Tự hào Nông dân Việt Nam: Câu chuyện làm nông có cần "đi học" thực hư ra sao?- Ảnh 4.

Chị Nguyễn Thị Biên (51 tuổi) đến từ Thanh Hoá là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 có doanh thu lớn nhất trong số 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm nay, cảm thấy được học hỏi rất nhiều qua cuộc trao đổi từ Bộ trưởng Bộ NNPTNN và Chủ tịch HNDVN Lương Quốc Đoàn đối với người nông dân. Ảnh: Vũ Ly

Và được tham dự chuỗi chương trình, tôi không chỉ vui mừng vì được gặp gỡ, giao lưu với các đại biểu khác, chị Biên còn đặc biệt ấn tượng với phần chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan và Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn. "Các câu hỏi và trả lời của Bộ trưởng, Chủ tịch Hội thực sự rõ ràng, rành mạch và chân thành. Tôi cảm nhận được sự quan tâm, lắng nghe từ lãnh đạo cấp cao. Họ không chỉ nói về những chính sách vĩ mô mà còn đi sâu vào từng vấn đề cụ thể của người nông dân, giúp cho nông dân được học hỏi rất nhiều", chị nhận định.

Tâm tư gửi tới chính quyền...

Tại diễn đàn, những người nông dân đã không ngần ngại bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng với chính quyền và các cơ quan chức năng. Họ mong mỏi có thêm những chính sách thiết thực, hỗ trợ trực tiếp vào các vấn đề mà người nông dân đang gặp phải. Từ việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, đến những chương trình đào tạo kỹ thuật canh tác hiện đại, họ hy vọng sẽ có thêm cơ hội để vững vàng hơn trong hành trình gắn bó với ruộng đồng.

Chị Nguyễn Thanh Tuyền là một HTX tiêu biểu năm 2024 ở Sóc Sơn, bày tỏ những trăn trở chung của bao người nông dân và doanh nghiệp về vấn đề vốn và đầu ra. Chị Tuyền nói: "Vốn là nhu cầu thiết yếu, doanh nghiệp nào cũng cần và như Bộ trưởng đã nhấn mạnh, quy mô sản xuất cần phải mở rộng hơn nữa để đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu".

Tự hào Nông dân Việt Nam: Câu chuyện làm nông có cần "đi học" thực hư ra sao?- Ảnh 5.

Chị Nguyễn Thanh Tuyền, Giám đốc HTX Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Sóc Sơn chia sẻ về nỗi lo quy hoạch đất đai của chính quyền khi chưa có những chính sách đảm bảo an toàn bền vững cho người nông dân trong quá trình nuôi trồng sản xuất. Ảnh: Nghĩa Lê

Cụ thể, chị mong muốn có những quy định cụ thể đảm bảo đất sản xuất cho người nông dân. Chị Tuyền nói: "Ví dụ như HTX của tôi, khi có công ty đặt hàng, họ yêu cầu số lượng lớn và liên tục. Nếu quy hoạch thay đổi bất ngờ và chúng tôi mất đất sản xuất, nguy cơ phá sản là rất cao vì không thể đáp ứng nhu cầu và phải đền hợp đồng cho đối tác".

Bên cạnh chị Tuyền, là ông Vũ Văn Chiến một nông dân xuất sắc Việt Nam đến từ Bắc Ninh cũng bày tỏ mong muốn rằng các sự kiện như thế này cần được tổ chức thường xuyên hơn, để tạo điều kiện cho bà con nông dân có thể trình bày tâm tư, nguyện vọng và cùng nhau tìm ra giải pháp phát triển bền vững.

Tự hào Nông dân Việt Nam: Câu chuyện làm nông có cần "đi học" thực hư ra sao?- Ảnh 6.

Ông Vũ Văn Chiến, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Chiến Thắng, đến từ thôn Kiều Lương, xã Đức Long, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh mong muốn có nhiều diễn đàn như này được diễn ra hơn trên phạm vi khắp cả nước để các nông dân trên mọi miền tổ quốc đều có thể tham gia học hỏi, kết nối. Ảnh: Nghĩa Lê

"Tôi mong rằng tiếng nói của người nông dân sẽ được lắng nghe không chỉ trong các sự kiện lớn, mà còn xuyên suốt trong các chính sách phát triển nông nghiệp. Có như vậy, chúng tôi mới có thể yên tâm sản xuất và phát triển", ông Chiến nói với ánh mắt đầy hy vọng.

Phóng viên báo Dân Việt nghe tâm tư của một nhóm nông dân đang trò chuyện: “Chúng tôi luôn sẵn lòng học hỏi và đổi mới, nhưng cũng cần được hỗ trợ để vượt qua những khó khăn trước mắt. Những chính sách đồng hành cùng nông dân sẽ không chỉ giúp chúng tôi có thêm niềm tin, mà còn tạo điều kiện để nông sản Việt Nam vươn xa hơn, bền vững hơn". 



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem