Từ Hồ sơ Panama: Đời phức tạp hơn nhiều...

TS. Nguyễn Quang A (viết riêng cho Dân Việt) Thứ năm, ngày 12/05/2016 06:00 AM (GMT+7)
Đời phức tạp hơn nhiều và không có hệ thống pháp luật nào hoàn hảo, không có kẽ hở. Đôi khi những người lách luật tận dụng các kẽ hở đó để làm lợi cho mình một cách hợp pháp...
Bình luận 0

img

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Nguyễn Duy Hưng và bà Đàm Bích Thủy (từ trái qua phải) đều khẳng định việc có tên trong Hồ sơ Panama do liên quan đến các hoạt động đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp đã hoặc đang quản lý.

Hồ sơ Panama tiết lộ 11,5 triệu tài liệu của một hãng luật Panama về các khách hàng của nó, về các công ty hải ngoại (off-shore) và các cá nhân mà hãng này phục vụ. Đây là một quả bom thông tin về các thiên đường thuế (tax haven) gây chấn động dư luận thế giới và Việt Nam từ 3.4.2016.

Các nước hay vùng lãnh thổ có hệ thống thuế với thuế suất bằng không hay rất thấp, có quy định bảo vệ thông tin cá nhân nghiêm ngặt và ít minh bạch về các giao dịch kinh doanh thường được gọi là các thiên đường thuế (như các lãnh thổ British Virginia Islands, Bermuda, Clayman Islands thuộc Anh; bang Delaware ở Mỹ; Hồng Kông và Macao thuộc Trung Quốc; Singapore; Thụy Sĩ, Luxemburg,…) và chúng thu hút các công ty và người nước ngoài đăng ký tại đó vì mục đích tận dụng các quy định thuận lợi về thuế của các thiên đường thuế.

Dư luận Việt Nam lại nóng lên vài ngày qua khi công chúng có thể tiếp cận đến thông tin chi tiết hơn về 189 cá nhân ở Việt Nam và 19 công ty hải ngoại liên quan đếnViệt Nam có tên trong Hồ sơ Panama.

Việc đăng ký kinh doanh tại các thiên đường thuế để tận dụng lợi thế về thuế (hay các lợi thế khác) về pháp lý là hợp pháp và không có gì sai trái. Việc lợi dụng để trốn thuế là phạm tội, việc lách thuế theo đúng quy định của luật là hoạt động hợp pháp (đáng trách là các quy định có lỗ hổng để họ lách chứ không phải bản thân hay công ty lách thuế) tuy có thể bị lên án về đạo đức.

Có quá nhiều cách để “tận dụng” lợi thế thuế của các  thiên đường thuế, chỉ nêu một thí dụ.

Công ty A nhập khẩu 1 triệu USD hàng hóa về bán ở Việt Nam được 3,2 triệu USD doanh thu (giả sử không có các loại thuế khác trừ thuế thu nhập doanh nghiệp và chi phí của công ty là 0,2 triệu USD cho thương vụ này cho dễ hiểu), thì lợi nhuận của công ty là 2 triệu USD. Nó phải đóng thuế thu nhập, thí dụ 25%, là 0,5 triệu USD và còn mất phí, thuế khác khi chuyển lợi nhận sau thuế về hội sở (ở nước X chẳng hạn).

Để lách thuế, công ty A (hay công ty mẹ của A) có thể lập một công ty B tại một thiên đường thuế: công ty B làm hồ sơ nhập khẩu (1 triệu USD) và bán cho công ty A với hóa đơn 3,1 triệu USD, tại Việt Nam công ty A bán được 3,2 triệu như trước và như thế bị lỗ 100 ngàn USD và không phải đóng xu thuế nào ở Việt Nam (trong khi nó ẵm trọn 2 triệu USD lợi nhuận ở thiên đường thuế và vẫn còn dư 100 ngàn để cho công ty A vay bù lỗ). Hoạt động kiểu này khá phổ biến nếu quy định về thuế không chặt chẽ hay cán bộ thuế tham nhũng vì mọi hóa đơn chứng từ đều hợp lệ! Hoạt động như thế vẫn đúng pháp luật tuy rất đáng lên án.

Những người giàu cũng có thể sử dụng thiên đường thuế để tận dụng quy định thuận lợi ở đó để làm nhiều việc khác, thí dụ để lưu giữ của cải (tài sản hữu hình hoặc thường là tài sản tài chính, quyền sở hữu các công ty chẳng hạn) nhằm “tối ưu hóa” chi phí thuế hay chi phí giao dịch của mình (khi chuyển cho người khác hay cho con cháu dưới dạng thừa kế).

Cần phân biệt các cá nhân là chủ doanh nghiệp (thí dụ ông Nguyễn Duy Hưng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo) và các cá nhân chỉ là người làm cho công ty nước ngoài (như bà Đàm Bích Thủy làm cho công ty Australia) có tên trong Hồ sơ Panama.

Các công ty và cá nhân có tên trong hồ sơ Panama, như nói ở trên, có thể hoạt động hoàn toàn hợp pháp và như thế chưa có lý do gì để dị nghị họ.

Tuy nhiên, hồ sơ Panama đã buộc nhiều chính phủ ra các quy định pháp luật mới để hạn chế các công ty và công dân của nước mình sử dụng các thiên đường thuế. Tôi nghĩ Việt Nam cũng nên làm vậy.

Vấn đề về cái đúng và cái sai cũng tùy thuộc vào điểm tham chiếu. Một việc có thể đúng theo luật pháp nước này nhưng lại sai theo luật nước khác (chính vì thế mới cần hài hòa hóa về pháp luật). Một việc có thể hoàn toàn đúng về pháp lý nhưng lại rất đáng lên án về mặt đạo đức. Hợp pháp mà trái đạo lý có nghĩa là hệ thống luật pháp có vấn đề và phải sửa chính luật sao cho cái đúng về pháp lý càng gần với cái đúng đạo đức hơn; trong trường hợp đó sẽ có ít kẽ hở hơn cho việc lách luật.

Song đời phức tạp hơn nhiều và không có hệ thống pháp luật nào hoàn hảo, không có kẽ hở. Đôi khi những người lách luật tận dụng các kẽ hở đó để làm lợi cho mình một cách hợp pháp và đồng thời vạch ra kẽ hở, thậm chí kiến nghị cách lấp các kẽ hở đó, tức là nhằm hoàn thiện chính sách (như tỷ phú nổi tiếng Soros trong lĩnh vực tài chính) và họ tự coi mình là những người làm sạch thị trường (như chim ăn thịt ở thảo nguyên dọn các xác chết hay ăn thịt các con thú yếu sắp chết để làm sạch thảo nguyên, như kền kền chẳng hạn) và xét từ khía cạnh đó họ không phải không có lý.

Nhìn một cách tích cực, hồ sơ Panama có thể giúp phát hiện cái dở, hoàn thiện và hài hòa hóa luật pháp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem