Tư nhân đầu tư làm nước sạch

Thứ sáu, ngày 05/10/2012 13:28 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tự bỏ tiền ra làm vốn đối ứng để xây dựng và điều hành hẳn một nhà máy nước sạch lớn, ông Nguyễn Hữu Quảng - Giám đốc Công ty TNHH Hồng Quảng (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) là một trong những người mở đường cho việc xã hội hóa nước sạch...
Bình luận 0

Tự bỏ tiền xây công trình nước

Đưa chúng tôi đi thăm công trình nước sạch đang cấp nước cho hàng nghìn hộ dân ở phường Phong Hải (TX.Quảng Yên, Quảng Ninh), ông Nguyễn Hữu Quảng cho hay, năm 2005, ông chính thức đầu tư làm nước sạch bằng việc xây dựng một công trình cấp nước công suất 740m3/ngày tại xã Phong Hải thuộc huyện Yên Hưng lúc đó (nay là phường Phong Hải, TX. Quảng Yên), một địa bàn quanh năm thiếu nước sạch.

img
Hệ thống lọc nước thẩm thấu ngược do ông Nguyễn Hữu Quảng đầu tư.

Được sự ủng hộ của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường (NSVSMTNT) tỉnh Quảng Ninh và chính quyền địa phương, đặc biệt là sự đồng thuận của người dân, công trình cấp nước sinh hoạt do ông đầu tư bằng vốn đối ứng, đã được nhanh chóng khởi công, xây dựng với tổng nguồn kinh phí đầu tư ban đầu gần 3,3 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách hỗ trợ chỉ có 1,1 tỷ đồng). Sau gần 1 năm xây dựng, tháng 12.2006, công trình cấp nước sinh hoạt gồm trạm bơm, hồ thu nước, bể lọc và hàng nghìn mét ống dẫn đã hoàn thành.

Ông Nguyễn Hữu Quảng cho biết: Nguồn nước cấp cho công trình được lấy từ nước mặt của hồ chứa nước Yên Lập, cách đó hơn 20km. Nước về được đưa lên những bể lắng, lọc, xử lý hóa chất…, rồi được bơm vào hệ thống đường ống nhánh để dẫn về các khu dân cư và "kéo" tới từng hộ dân. Nhờ áp dụng công nghệ lọc thẩm thấu ngược - công nghệ lọc nước tiên tiến nhất hiện nay, nên nguồn nước của nhà máy rất đảm bảo.

"Quy trình lọc nước của tôi đảm bảo nước chưa qua gian lọc tĩnh đã trong veo. Lấy nước xét nghiệm tại bất cứ điểm cung cấp nào cũng đảm bảo các tiêu chí về nước hợp vệ sinh. Là tư nhân mà bắt tay vào làm nước sạch, nếu không đặt tiêu chí an toàn vệ sinh lên hàng đầu thì coi như đã tự giết mình" - ông Quảng khẳng định.

Từ công trình nước sạch đầu tiên, ông Quảng đã mạnh dạn mở rộng đầu tư công trình sang thôn Cống Mưởng (xã Phong Hải) và thôn Trung Bản (xã Liên Hoa - xã duy nhất trên đảo Hà Nam (thuộc huyện Yên Hưng), với mức số vốn 2,6 tỷ đồng. Hiện đã có 2.100 hộ dân đấu nối vào đường ống của công trình nước sạch của ông Quảng.

Mở đường xã hội hóa nước sạch

"Tôi đã có văn bản xin chủ trương đầu tư, quản lý 7 trạm cấp nước tại 7 xã trên đảo Hà Nam và đã được UBND huyện đồng ý về nguyên tắc. Tuy nhiên, hơn 2 năm nay vẫn chưa thể triển khai được vì các đơn vị cấp nước sạch cũ không chịu bàn giao" - ông Quảng nói. Không đầu hàng trước những khó khăn, ông Quảng vẫn đang tiếp tục chuẩn bị đầu tư 2 dự án mới vào đầu năm 2013 với tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng tại xã Tiền Phong với công suất 1.000m3/ngày đêm, dự kiến hoàn thành vào năm 2014.

Theo khảo sát, hiện tại giá nước sạch ông Quảng bán cho người dân là 5.000 đồng/m3, là mức giá hợp lý, được người dân đồng tình và đủ bù đắp chi phí cho doanh nghiệp; còn tỷ lệ thất thoát nước chưa bao giờ vượt qua con số 10%.

Theo đánh giá , với cách quản lý linh hoạt, bộ máy gọn nhẹ, có lợi nhuận và khấu hao theo từng năm, đây là mô hình tư nhân quản lý nước sạch tiêu biểu, đáng để học hỏi. "Tôi chỉ cần được vay ưu đãi, được ủng hộ về chủ trương, được giao quản lý 7 trạm cấp nước trên đảo Hà Nam, tôi sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp, quản lý hiệu quả các trạm cấp nước này để người dân bớt đi một nỗi lo trong cuộc sống" - ông Quảng tâm sự.

Theo Trung tâm NSVSMTNT Quảng Ninh, việc tư nhân như ông Quảng đầu tư kinh doanh nước sạch hiệu quả, đã mở ra triển vọng xã hội hóa công tác này ở tỉnh Quảng Ninh. "Nếu giải quyết được các vướng mắc, công tác phát triển nước sạch sẽ mạnh mẽ trong những năm tới" - một lãnh đạo của Trung tâm này cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem