15 ứng viên do T.Ư giới thiệu bị rớt
Kết quả công bố cho thấy, tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII là 500, trong đó ĐB ngoài Đảng có 42, nữ có 122, dưới 40 tuổi có 62 người, đều ít hơn so với cơ cấu dự kiến và ít hơn khóa trước. Số ĐB tái cử (167) cao hơn so với khóa trước 7 người. Có 229 ĐB trình độ trên đại học (45,8%), đại học 262 người (52,4%), dưới đại học 9 người.
|
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại buổi họp báo công bố kết quả bầu cử. |
Điểm đặc biệt trong kết quả công bố là có 4/15 người tự ứng cử trúng cử, tăng 3 so với khóa XII. Tuy nhiên, trong 182 ứng viên thuộc diện T.Ư giới thiệu có 15 người trượt ĐBQH khóa XIII, trong đó có 7 đại biểu chuyên trách khóa XII.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đều nằm trong danh sách trúng cử với số phiếu cao.
Các ứng viên thuộc khối Đảng và Nhà nước trúng cử với số phiếu cao có ông Trương Tấn Sang - Thường trực Ban bí thư; ông Tô Huy Rứa - Trưởng ban Tổ chức T.Ư; ông Ngô Văn Dụ - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư; ông Đinh Thế Huynh - Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư...
Ba Phó chủ tịch Quốc hội tiếp tục trúng cử là các ông Uông Chu Lưu, Huỳnh Ngọc Sơn và bà Tòng Thị Phóng. Trong danh sách trúng cử có mặt 12 bộ trưởng đương nhiệm, gồm Bộ trưởng Công an; Bộ trưởng Quốc phòng; Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch; Bộ trưởng Tư pháp; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Bộ trưởng Công Thương; Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo; Bộ trưởng Tài chính; Bộ trưởng NNPTNT; Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội.
Trách nhiệm chính trị cao
Theo Hội đồng bầu cử, số cử tri tham gia bỏ phiếu đạt 99,51%. Trong đó, cao nhất là 4 tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn đạt 99,9%; tỉnh có tỷ lệ đi bầu thấp nhất là Bắc Ninh là 94,22%.
Kết quả bầu HĐND được công bố cho thấy: Cấp tỉnh bầu được hơn 3.800 người, thiếu 8 người so với chỉ tiêu, cấp huyện bầu được hơn 21.000 người, thiếu 47 người, cấp xã bầu được gần 288.000 người, thiếu gần 3.000 người. Như vậy, cấp tỉnh không đơn vị nào phải bầu lại, bầu thêm. Cấp huyện có 1 khu vực bỏ phiếu tại Hà Nội phải bầu lại, 14 đơn vị bầu cử ở 6 tỉnh phải bầu thêm. Cấp xã có 9 khu vực bỏ phiếu ở 4 tỉnh phải bầu lại và 483 đơn vị bầu cử ở 22 tỉnh phải bầu thêm.
Tổng Thư ký Hội đồng bầu cử Phạm Minh Tuyên đánh giá: Việc tham gia đông đảo với 62 triệu cử tri thể hiện trách nhiệm, ý thức chính trị, lòng yêu nước của cử tri, nhân dân. Thắng lợi cuộc bầu cử cũng có vai trò quan trọng của Đảng, các cơ quan Chính phủ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp. Về việc một số ứng viên do T.Ư giới thiệu không trúng cử, ông Tuyên nói: “Đây là vấn đề bình thường vì danh sách người ứng cử có số dư đến 327 người”.
Về khiếu nại và giải quyết khiếu nại ông Tuyên cho biết sau 10 ngày Hội đồng bầu cử công bố kết quả, nếu có khiếu nại phải có giải quyết trong 30 ngày. Hiện Hội đồng bầu cử T.Ư chưa nhận được khiếu nại gì.
Về trường hợp khiếu nại khai báo không đúng bằng cấp của bà Châu Thị Thu Nga (người tự ứng cử trúng cử ở Hà Nội) từ trước bầu cử, ông Tuyên cho biết Tiểu ban giải quyết khiếu nại tố cáo vẫn đang trong quá trình xem xét. Nếu không đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì QH sẽ biểu quyết không công nhận tư cách đại biểu.
“Kể cả đại biểu khi đã được công nhận mà trong quá trình hoạt động không xứng đáng với chức danh này, có vi phạm pháp luật, làm việc không nghiêm túc thì QH vẫn còn quyền bãi miễn tư cách với người đó chứ không có nghĩa vào rồi thì không có ra” – ông Tuyên nói.
Sỹ Lực
Vui lòng nhập nội dung bình luận.