Khoảng 8 - 29% trẻ vị thành niên mắc bệnh về sức khỏe tâm thần, rất ít được hỗ trợ điều trị

Mỹ Quỳnh Thứ năm, ngày 15/12/2022 18:09 PM (GMT+7)
Tự sát là nguyên nhân thứ 2 gây ra tình trạng tử vong cho trẻ em từ 10 - 14 tuổi, thanh thiếu niên từ 10 - 19 tuổi, thanh niên 20 - 24 tuổi. Đáng nói, tình trạng tự sát ở thanh niên 15 - 24 tuổi đã tăng hơn 40% trong thập kỷ qua.
Bình luận 0

Ngày 15/12, tại tọa đàm "Nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe tinh thần học sinh" do Phòng GDĐT quận 3 (TP.HCM) tổ chức, các chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lý trong trường học.

Tư vấn tâm lý trực tiếp, trực tuyến cho 45.000 học sinh

TS Phạm Đăng Khoa – Trưởng phòng GDĐT quận 3 chia sẻ, ngành giáo dục của quận đang nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc, với 3 tiêu chí: yêu thương, an toàn và tôn trọng.

Tư vấn tâm lý học đường: Thực trạng tự sát, trầm cảm đang trẻ hóa và có dấu hiện gia tăng - Ảnh 1.

TS Phạm Đăng Khoa – Trưởng phòng GDĐT quận 3 chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Để đạt được mục tiêu này, ngành cần tạo ra môi trường làm việc thoải mái, giáo viên và học sinh có đời sống tinh thần tích cực, giải tỏa được áp lực căng thẳng trong học tập và sinh hoạt. Quận 3 đặt ra mục tiêu là mỗi trường học xây dựng một phòng tư vấn tâm lý học đường để hỗ trợ cho học sinh khi gặp các vấn đề về tâm lý hoặc chia sẻ những khó khăn trong học tập.

Dù vậy, điều kiện cơ sở vật chất hiện vẫn còn nhiều hạn chế, bước đầu quận chỉ mới xây dựng và triển khai phòng tư vấn tâm lý theo từng cụm trường gồm: Phòng tư vấn tâm lý Trường THCS Hai Bà Trưng, Trường THCS Bạch Đằng và Trường THCS Colette. Quận sẽ tư vấn tâm lý trực tiếp và trực tuyến cho 45.000 học sinh thông qua địa chỉ Tâm lý học đường - Quận 3 (tamlyhocduong.org). Các chuyên gia tư vấn tâm lý sẽ hỗ trợ bất cứ khi nào, với cam kết bảo mật mà thông tin học sinh cung cấp.

img
img

Phòng tư vấn tâm lý học đường tại Trường THCS Hai Bà Trưng (quận 3, TP.HCM). Ảnh: NTCC

Tại tọa đàm, thầy Vũ Bá Luận, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Sơn Hà (quận 3) chia sẻ, trước đây công tác giáo dục ở trường học tập trung quan tâm sức khỏe dinh dưỡng cho học sinh. Tuy nhiên hiện nay, trong bối cảnh xã hội nhiều thay đổi, trường học cần quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần của người học, mở rộng đối tượng quan tâm cả cha mẹ học sinh vì đây là nhóm đối tượng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành và phát triển tâm lý, tính cách của học sinh.

Độ tuổi người tự sát, trầm cảm ngày càng trẻ hóa

Tại tọa đàm, ông Giang Thiên Vũ - nghiên cứu sinh chuyên ngành tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM chia sẻ, năm 2004, tự sát là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong cho trẻ em từ 10 - 14 tuổi, thanh thiếu niên từ 10 - 19 tuổi, thanh niên 20 - 24 tuổi. Từ năm 2014 đến nay, tự sát đã là nguyên nhân thứ 2 gây ra tình trạng tử vong nêu trên, chỉ sau tai nạn giao thông. Đáng nói, tình trạng tự sát ở thanh niên 15 - 24 tuổi đã tăng hơn 40% trong thập kỷ qua.

Tư vấn tâm lý học đường: Thực trạng tự sát, trầm cảm đang trẻ hóa và có dấu hiện gia tăng - Ảnh 3.

Ông Giang Thiên Vũ - nghiên cứu sinh chuyên ngành tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Vấn đề tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên cũng đang ngày càng gia tăng ở mức báo động. Theo số liệu thống kê, thực trạng tự sát ở Việt Nam ngày càng trẻ hóa và có dấu hiệu gia tăng.

Bên cạnh đó, tình trạng trầm cảm cũng rất đáng báo động. Việc thường xuyên gặp áp lực học hành thi cử cũng như sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ là 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ hóa bệnh trầm cảm ở Việt Nam hiện nay. Ông Vũ cho biết, theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8% - 29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Tuy nhiên chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết.

Khi thực hiện khảo sát kết quả sàng lọc trầm cảm đối với 709 học sinh bậc THCS trên địa bàn TP.HCM, ông Vũ nhận được kết quả, có đến 226 học sinh có biểu hiện trầm cảm mức độ từ nhẹ đến rất nặng, 350 học sinh có biểu hiện lo âu.

Tư vấn tâm lý học đường: Thực trạng tự sát, trầm cảm đang trẻ hóa và có dấu hiện gia tăng - Ảnh 5.

Phòng GDĐT quận 3, TP.HCM đang nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc với 3 tiêu chí "yêu thương", "an toàn" và "tôn trọng". Ảnh: FBT

Để giảm thiểu tình trạng này, ông Giang Thiên Vũ cho rằng, trường học cần phát triển kỹ năng tư duy tích cực cho học sinh để phòng ngừa trầm cảm và tự tử, kết hợp với việc giáo dục các giá trị sống hướng đến thay đổi về nhận thức cho học sinh.

TS Nguyễn Hữu Long, giảng viên Trường Đại học Mở nhận định, điều kiện lý tưởng trong một trường học cần có để tư vấn sức khỏe tinh thần cho học sinh gồm: bác sĩ phụ trách về chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý và hỗ trợ công tác xã hội. Tuy nhiên trên thực tế, hiện nay trường học chỉ có nhân viên y tế, các vị trí như nhân viên tư vấn tâm lý và công tác xã hội chưa có người phụ trách. Do đó, nhân viên y tế trường học cùng lúc phải đảm nhận cả 3 vai trò là chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý và hỗ trợ công tác xã hội.

TS. Nguyễn Hữu Long cho rằng, nhân viên tư vấn cần là người được học sinh yêu thích, là những người có ngoại hình và có thể bắt trend (theo xu hướng giới trẻ) để học sinh có cảm tình, giúp các em đủ tin tưởng tìm đến khi gặp khó khăn. Ngoài nhân viên tư vấn tâm lý, đội ngũ các thầy cô giáo chủ nhiệm là những mắt xích cần thiết để kịp thời đồng hành, phát hiện những bất thường về tâm sinh lý của học sinh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem