Khi bức xúc không được giải tỏa
Cách đây khoảng hơn một tháng, việc em Th. và em T. cùng chết một cách thương tâm khiến người dân xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, Nghệ An bàn tán xôn xao. Được biết Th. và T. cùng học ở trường THPT Đặng Thai Mai. Thời gian gần đây giữa hai em nảy sinh tình cảm yêu đương, phía gia đình e ngại điều này sẽ suy giảm khả năng học tập nên đã khuyên ngăn. Theo nhiều người, cái chết của các em là hậu quả của những suy nghĩ dại dột, bồng bột được xuất phát từ mối quan hệ tình cảm mà các em cho là bị cấm đoán này.
Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà đang trò chuyện với học sinh khối 6 Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Quý Hiên.
Trước đó vài tuần, cũng trong tháng 12, tại một nhà trọ ở đường Hoàng Văn Thụ, phường 4, TP Đà Lạt - Lâm Đồng, người dân cũng phát hiện hai nữ sinh chết trong tư thế treo cổ. Công an TP Đà Lạt đã xác định đây là một vụ tự tử. Một em là K.L, quê ở huyện Đức Trọng. Em còn lại là M.P, quê ở huyện Di Linh. Cả hai em cùng là học sinh giỏi, cùng học tại Trường THPT chuyên Thăng Long của tỉnh Lâm Đồng. Những thông tin từ cơ quan chức năng cho thấy, nhiều khả năng các em cùng nhau tự tử liên quan tới vấn đề tình cảm.
“Bộ GD&ĐT cần phải xem Tư vấn tâm lý học đường là một phòng chức năng của nhà trường như là phòng y tế, phòng thể chất, phòng thực hành thí nghiệm – thư viện. Kèm theo đó là quy định về nguồn lực và chế độ chính sách”.
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội
Hai câu chuyện trên chỉ là hai ví dụ gần đây nhất về những hệ lụy xấu có nguyên nhân từ những khủng hoảng tâm lý của lứa tuổi học đường. Theo các cán bộ quản lý giáo dục và chuyên gia tâm lý, sự phát triển kinh tế - xã hội ngày càng đa dạng và phức tạp tác động trực tiếp đến đời sống tâm lý lứa tuổi học sinh sinh viên với nhiều biểu hiện đáng lo ngại. “Nếu không được tư vấn, định hướng, giải tỏa kịp thời thì rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Các vụ học sinh tự tử do gặp các vấn đề khúc mắc trong tình cảm gần đây là những bài học về tính kịp thời trong tư vấn tâm lý. Tôi tin rằng nếu các em sớm được giãi bày với cán bộ tư vấn tâm lý, có lẽ các em sẽ không dại dột đến vậy”, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT chia sẻ.
Cũng theo ông Linh, thực tế mỗi khi gặp sự cố tâm lý không biết cách giải quyết các em thường vào các diễn đàn trên mạng, chia sẻ với bạn bè thân thiết chứ không thổ lộ với gia đình hoặc thầy cô giáo, nên việc các thầy cô nắm bắt được tâm lý của các em rất khó khăn. Hiện một số trường tuy đã có hoạt động tư vấn tâm lý nhưng vẫn chưa thu hút được đông đảo các em tham gia. Trong khi đó cán bộ tư vấn tâm lý chỉ là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo cơ bản, chưa được tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ và cũng chưa có chỉ tiêu biên chế trong các nhà trường.
Được biết, hiện nay một số tỉnh/thành đã triển khai ở mức thí điểm mô hình phòng tâm lý giáo dục trong các trường học. Ở Hà Nội chẳng hạn, với sự giúp đỡ của tổ chức Plan, hiện đã có khoảng 20 trường có phòng tâm lý giáo dục. Ngoài ra, có một số trường đơn lẻ tự xây dựng phòng tư vấn tâm lý cho mình. TP Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu cả nước trong hoạt động này khi mà từ năm 2008, UBND TP đã cho phép có định biên giáo viên tư vấn tâm lý trong các trường học.
Cần có thiết chế bắt buộc
Ông Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết ở địa phương mình cũng đã từng xảy ra những trường hợp học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử chỉ do bị giáo viên phê bình. Rất nhiều học sinh gặp vướng mắc trong các vấn đề tâm lý, tình cảm… nhưng nhiều hiệu trưởng chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của việc dạy người bên cạnh dạy chữ nên đã để xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc. “Hằng năm, trong quá trình đi kiểm tra thi tốt nghiệp THPT, chúng tôi vẫn gặp các tình huống học sinh phải nghỉ thi vì phải ở nhà… sinh con!”, ông Trà nói.
Các chuyên gia đều cho rằng tư vấn tâm lý học sinh quan trọng không kém gì việc tổ chức các hoạt động giáo dục mà hiện nay các trường đang phải thực hiện. Tuy nhiên, việc này chủ yếu đang do các cán bộ tư vấn Đoàn hoặc giáo viên chủ nhiệm đảm nhiệm, trong khi thực tế như PGS-TS Nguyễn Dục Quang, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhận xét: “Hầu hết giáo viên chủ nhiệm phải dựa trên kinh nghiệm bản thân và tầm hiểu biết của mình, do không có sự “chuyên nghiệp” nên có thể sẽ dẫn tới nhiều sai sót”.
Còn PGS-TS Nguyễn Đức Sơn, Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nói: “Tôi hết sức khâm phục các thầy cô đang làm tư vấn chỉ qua một khoá đào tạo ngắn hạn. Nhưng đó là do tình thế buộc phải làm thế. Còn tư vấn tâm lý phải là một nghề, muốn làm phải có chuyên môn”. Theo PGS Sơn, trước đây Khoa Tâm lý Giáo dục của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ đào tạo giáo viên - giảng viên dạy môn tâm lý học cho các trường đào tạo. Nhưng từ năm 2004 tới nay, khoa đã phối hợp với Trường ĐH Saint John của Mỹ mở ngành đào tạo Tâm lý học với định hướng tư vấn tâm lý học đường. Tuy ngành này mới và phải đóng học phí nhưng số sinh viên đăng ký theo học còn đông hơn ngành Tâm lý Giáo dục (được miễn học phí).
Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh sinh viên cũng công nhận hiện công tác tư vấn tâm lý trong các nhà trường còn nhiều bất cập do thiếu chính sách đồng bộ, thiếu nguồn lực, hoặc do cán bộ quản lý giáo dục - giáo viên nhận thức chưa đúng mức về tầm quan trọng của vấn đề này trong hoạt động giáo dục. Hiện, Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị để đầu năm học tới sẽ ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường, tiến tới xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục, đào tạo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.