Từ việc sinh viên tử vong vì cúm gia cầm A/H5N1: Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã chỉ ra hàng loạt nguy cơ

Gia Khiêm Thứ ba, ngày 26/03/2024 20:31 PM (GMT+7)
Mới đây, một nam sinh viên đã tử vong do cúm gia cầm A/H5N1 tại tỉnh Khánh Hòa từng đi bẫy chim hoang dã. Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, bà Hoàng Bích Thuỷ, Trưởng đại diện Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã cũng đã lên tiếng cảnh báo.
Bình luận 0

Bệnh nhân sống trong khu vực không có gia cầm ốm chết, nhưng theo điều tra dịch tễ trước và sau Tết có đi bẫy chim hoang dã. Sau nhiều năm không ghi nhận ca bệnh, kể từ năm 2022 trở lại đây, cúm A(H5N1) bất ngờ được phát hiện trở lại trên người ở nước ta.

Nhiều câu hỏi đặt ra tại sao người lại mắc cúm gia cầm H5N1 và bệnh dễ tử vong? Trước vấn đề này, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với bà Hoàng Bích Thuỷ, Trưởng đại diện Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã (WCS).

Từ việc sinh viên tử vong vì cúm gia cầm A/H5N1: Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã chỉ ra hàng loạt nguy cơ- Ảnh 1.

Bà Hoàng Bích Thuỷ, Trưởng đại diện Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã. Ảnh: Gia Khiêm

Tại sao người lại mắc cúm gia cầm H5N1 và bệnh dễ tử vong?

Liên quan đến trường hợp tử vong do cúm A/H5N1 vừa qua, qua điều tra, trước đó bệnh nhân có đi bẫy chim hoang dã. Xin bà cho biết, cơ chế lây cúm A từ vật nuôi sang người như thế nào? Đặc biệt là những loài hoang dã?

Một số chủng virus Cúm A có khả năng gây bệnh trên người, động vật được biết đến phổ biến như H5N1, H1N1, H3N2, H5N6, H7N9... Trong đó, cúm A/H5N1 được biết đến là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm gây bệnh trên chim, gia cầm và một số loài động vật khác và có thể lây nhiễm cho con người, gây bệnh diễn biến nặng, tiến triển nhanh, không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường và có tỷ lệ tử vong cao.

Con người có thể lây bệnh thông qua tiếp xúc trực tiếp với động vật bị nhiễm bệnh hoặc do chạm tay vào các bề mặt dính dịch nhầy, nước bọt hoặc phân động vật bị nhiễm bệnh rồi chạm lên mắt, mũi, miệng, hoặc hít phải giọt bắn, bụi trong không khí.

Từ việc sinh viên tử vong vì cúm gia cầm A/H5N1: Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã chỉ ra hàng loạt nguy cơ- Ảnh 2.

Những tấm lưới cước "tàng hình" bẫy chim hoang dã tại cánh đồng lúa thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình thời điểm tháng 8/2023. Ảnh: Vũ Thượng

Làm sao nhận biết được chim hoang hay động vật hoang đó mắc cúm A?

Một số kết quả rà soát chỉ ra rằng đã phát hiện virus cúm gia cầm trên hơn 100 loài chim hoang dã, trong đó, có một số loài được cho là vật chủ tự nhiên của virus cúm gia cầm như vịt trời, ngỗng, thiên nga, mòng biển... Tuy nhiên, theo kết quả ghi nhận thì hầu hết các loài chim hoang dã nhiễm virus cúm gia cầm đều không có biểu hiện triệu chứng, trong khi gia cầm khi nhiễm virus có thể có các biểu hiện đặc trưng như kém ăn, sưng mí mắt, tím ở vùng mào, yếm, cẳng chân, khó thở, loạng choạng, ngã, triệu chứng hô hấp (chảy mũi, ho, hắt hơi...), vẹo cổ hoặc chết.

Trong quá trình nếu đã bắt và nhận biết loài chim, động vật đó bị cúm A, người dân cần xử lý như thế nào để bảo vệ chính mình và môi trường xung quanh?

Theo khuyến cáo của cơ quan y tế, thú y, đối với gia cầm nuôi, khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Do các loài chim hoang dã khi nhiễm virus cúm A thường không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Chính vì vậy, cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ lây bệnh là chúng ta cần hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã nói chung, đặc biệt là chim. Trong trường hợp khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở đặc biệt nếu có liên quan, tiếp xúc với gia cầm hoặc chim thì phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Từ việc sinh viên tử vong vì cúm gia cầm A/H5N1: Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã chỉ ra hàng loạt nguy cơ- Ảnh 3.

Ám ảnh chim trời bị “hành quyết” lơ lửng giữa cánh lúa đồng thôn Ngọc Lâm (xã Yên Lâm, huyện Yên Mô,tỉnh Ninh Bình thời điểm tháng 8/2023. Ảnh: Vũ Thượng

Tại Việt Nam, hoạt động buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã, săn bắn và nuôi động vật hoang dã đã tác động đến sức khoẻ của con người như thế nào, thưa bà?

Theo Tổ chức Y tế thế giới, 60%-80 các bệnh truyền nhiềm mới nổi ở trên người là có nguồn gốc từ động vật và khoảng 70% trong số đó là có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Trong khi đó, Việt Nam được biết đến là một điểm nóng trong chuỗi buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã. Chuỗi cung ứng động vật hoang dã cho dù là hợp pháp và bất hợp pháp đều tiềm ẩn những nguy cơ lây truyền dịch bệnh giữa người và động vật.

Cụ thể, như việc săn bắt, buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt động vật hoang dã trong điều kiện chuồng nuôi chật hẹp, không đảm bảo vệ sinh, nuôi nhốt nhiều loài cùng với nhau bao gồm cả động vật ốm/bệnh và động vật khỏe mạnh, thực hành vệ sinh và an toàn sinh học kém như không sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong quá trình tiếp xúc, chăm sóc động vật, không đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn vệ sinh trong quá trình chế biến ... Việc này sẽ tạo ra điều kiện cho động vật hoang dã đến gần với con người, tạo môi trường lý tưởng cho các mầm bệnh phát tán và lây lan từ động vật hoang dã sang người và ngược lại, tiềm ẩn nguy cơ gây bùng phát thành dịch bệnh và đại dịch.

Từ việc sinh viên tử vong vì cúm gia cầm A/H5N1: Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã chỉ ra hàng loạt nguy cơ- Ảnh 4.

Những cá thể chim hoang dã được giải cứu. Ảnh: Hạt Kiểm lâm Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình

WCS Việt Nam đã có kế hoạch, giải pháp gì để giám sát dịch bệnh trên động vật hoang dã, từ đó ngừa việc lây truyền từ động vật sang người?

Thông qua việc phối hợp với các đối tác các cấp từ trung ương đến địa phương để thực hiện các hoạt động tại Việt Nam, WCS Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng, nâng cao năng lực cho các cơ quan, đơn vị liên quan trong cả ngành thú y và y tế trong việc thực hiện giám sát dịch bệnh trên động vật hoang dã, bao gồm cả hoạt động tại thực địa và chẩn đoán trong phòng thí nghiệm để tìm kiếm, phát hiện các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây truyền giữa người và động vật. Đặc biệt, WCS đã hỗ trợ xây dựng, tăng cường phối hợp liên ngành thú y, y tế và kiểm lâm ở cấp địa phương trong triển khai hoạt động giám sát dịch bệnh trên động vật hoang dã. 

Cùng với đó là các hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện, góp ý cho các văn pháp luật, quy định liên quan đến quản lý, bảo tồn động vật hoang dã và phòng chống dịch bệnh lây truyền giữa người và động vật. Từ đó, giúp các cá nhân, đơn vị liên quan được trang bị một số kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng, chống dịch bệnh đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm mới/tái nổi trên động vật hoang dã, có nguy cơ lây truyền cho con người.

Từ năm 2010 tới nay, WCS Việt Nam đã phối hợp với các đối tác trong nước thực hiện các nghiên cứu về những mầm bệnh trên các loài động vật hoang dã có nguy cơ cao về lây truyền dịch bệnh giữa người và động vật (linh trưởng, dơi, động vật gặm nhấm, động vật ăn thịt…) và các rủi ro lây truyền giữa người và động vật tại Việt Nam. Kết quả của các nghiên cứu phát hiện trên cả động vật và người 46 virus có khả năng lây truyền giữa người và động vật.

Trong đó, ngoài 20 virus đã biết, có 26 virus mới, chưa từng được phát hiện trước đây bao gồm 5 chủng virus thuộc họ corona (gồm các virus đã gây ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm như SARS, Covid-19, Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS)…), 2 chủng virus thuộc họ Herpes (gồm các virus đã gây ra các bệnh như thủy đậu, zona), 5 chủng virus thuộc họ Paramyxo (gồm các virus đã gây ra các bệnh như sởi, quai bị và gần đây bệnh do virus Nipah cũng là 1 chủng virus thuộc họ Paramyxo-) và 14 chủng virus Rhabdo (gồm các virus gây bệnh dại…).

Điều đó cho thấy các hành vi, hoạt động liên quan đến săn bắt, vận chuyển, mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe con người khi có thể phải đối mặt với nhiều dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi.

WCS Việt Nam cũng đã thực hiện nghiên cứu thứ cấp về các mầm bệnh lây truyền giữa người và động vật trong chuỗi cung ứng động vật hoang dã. Theo đó, có 157 trên tổng số 232 mầm bệnh tổng hợp được có khả năng lây truyền giữa người và động vật, trong đó có 116 mầm bệnh phát hiện trên động vật hoang dã, 54 mầm bệnh phát hiện trên động vật nuôi.

Đặc biệt, trong năm 2021-2022, WCS Việt Nam phối hợp với Cục Thú y và các cơ quan liên quan tại địa phương triển khai giám sát cúm A trên chim hoang dã. Kết quả đã phát hiện chủng virus H5N1 trên loài cò ốc.

Tiêu thụ động vật hoang dã nếu làm lây lan bệnh dịch sang người bị xử lý như thế nào?

Theo bà, ngoài cúm thì việc nuôi chim hoang dã tiềm ẩn nguy cơ bệnh gì nữa?

Ngoài cúm gia cầm, chim hoang dã còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình lây nhiễm của một số bệnh khác như bệnh sốt Tây Sông Nin, các bệnh do vi khuẩn đường ruột như E.Coli, Samonella, bệnh ký sinh trùng… mặc dù không phải trong mọi trường hợp bệnh đều lây trực tiếp từ động vật hoang dã sang người.

Theo bà, việc nuôi, bắt, tiêu thụ động vật hoang dã nếu làm lây lan bệnh dịch sang người thì có bị xử lý như thế nào không?

Trước hết phải khẳng định, nếu có hành vi làm lây lan dịch bệnh sang người thì sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật. Việc nuôi, bắt, tiêu thụ động vật hoang dã nếu làm lây lan bệnh dịch sang người thì sẽ bị xử lý đối với hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người được quy định tại Điều 240 BLHS.

Theo đó, người vi phạm có thể bị xử phạt từ 50 – 200 triệu đồng hoặc phạt tù tới 12 năm và có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung khác. Có thể nói các chế tài xử phạt này đều có quy định tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi. Tuy nhiên, việc xác định loài động vật hoang dã, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người theo quy định của Điều 240 phải do tổ chức, cá nhân giám định tư pháp có thẩm quyền xác định và không dễ dàng thực hiện trong thực tế. Số lượng vụ án, bị can bị khởi tố về tội phạm này trong những năm qua không nhiều.

Từ trước tới nay, đã có vụ việc nào xử lý điển hình trên thế giới do nuôi, bắt, tiêu thụ động vật hoang dã chưa?

Theo số liệu thống kê của Ban thư ký CITES, trong giai đoạn 2016 – 2020, các quốc gia thành viên CITES ghi nhận khoảng hơn 90.000 vụ bắt giữ liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật đối với các loài động vật hoang dã nằm trong danh mục CITES. Tùy theo luật pháp quốc gia, cam kết chính trị và nỗ lực thực thi pháp luật, tình hình xử lý vi phạm ở các quốc gia sẽ khác nhau. 

Riêng đối với các hành vi như nuôi, bắt, thiêu thụ trái phép động vật hoang dã, có thể kể đến một số vụ việc đã được xử lý tại các quốc gia láng giềng, ví dụ như ở Singapore năm 2017, một đối tượng là Lau Kin Wei Clement đã bị phạt 4.700 USD vì nuôi giữ ĐVHD bất hợp pháp, bao gồm 2 cá thể rắn hổ lục Wagler, 1 cá thể rắn cây thiên đường, 1 cá thể rắn leo cây, 01 cá thể rùa cá sấu và 1 cá thể bọ cạp đen khổng lồ. Vì không nộp phạt nên người đàn ông này đã bị phạt tù 23 ngày…

Thực tế, nếu so sánh với hoạt động thực thi pháp luật của Việt Nam, các mức phạt áp dụng ở nhiều quốc gia khác cho các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã đều thấp hơn rất nhiều.

Ở nước ta, tiêu biểu vào năm 2023, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên phạt 11 năm tù với đối tượng Nguyễn Duy A và phạt tiền bổ sung 20 triệu đồng về hành vi nuôi nhốt trái phép 14 cá thể rái cá vuốt bé, 36 cá thể chim và 1 cá thể mèo rừng.

Cũng trong năm 2023, Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) đã tuyên phạt mức án 10 năm tù với đối tượng Huỳnh Thị Kim C và 3 năm tù với đối tượng Nguyễn Thị Y vì hành vi nuôi, nhốt và buôn bán trái phép nhiều cá thể rùa quý hiếm. Đây đều là những bản án mang tính răn đe nghiêm khắc với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã.

WCS đang kiến nghị và đề xuất việc xây dựng quy định nhằm phòng ngừa rủi ro dịch bệnh đối với sức khỏe liên quan tới việc nuôi, bắt, tiêu thụ động vật hoang dã tại Việt Nam như thế nào?

Trong thời gian tới, WCS Việt Nam kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các quy định về kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh lây truyền nhằm tăng cường tính khả thi trong công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng bệnh và tránh làm lây lan dịch bệnh.

Một số giải pháp cấp bách cần thực hiện ngay trong thời gian tới, bao gồm:

- Bổ sung quy định về kiểm soát dịch bệnh lây truyền giữa động vật hoang dã và người trong dự thảo Luật Phòng bệnh đang được xây dựng;

- Xây dựng, cập nhật Danh mục các loài động vật hoang dã có nguy cơ lây nhiễm bệnh truyền nhiễm cho người;

- Bổ sung các quy định vào Luật An toàn thực phẩm bảo đảm chặt chẽ hơn trong khâu kiểm soát thực phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã  nghiêm cấm hành vi tiêu thụ, sử dụng động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm làm thực phẩm trong Luật An toàn thực phẩm

- Bổ sung các quy định pháp luật theo hướng xử lý nghiêm đối với các hành vi sử dụng, tiêu thụ động vật hoang dã hoặc sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã, đặc biệt là động vật hoang dã nguy, cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.

- Bổ sung động vật hoang dã vào Danh mục đối tượng phải kiểm soát giết mổ và thường xuyên cập nhật bảo đảm tình hình thực tiễn. Đồng thời ban hành các quy định/tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh thú y trong hoạt động giết mổ đối với đối tượng là động vật hoang dã.

- Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, cơ quan chức năng để nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu lây truyền dịch bệnh giữa người và động vật theo phương pháp tiếp cận một sức khỏe (One Health).

Qua ca bệnh vừa rồi, chuyên gia đánh giá thế nào về nguy cơ lây lan các bệnh từ động vật sang người, như chủng cúm A(H5N1) có phải dễ lây sang người hay không? Trong khi chủng cúm A(H5N1) từ trước tới nay mới chủ yếu cảnh báo trên gia cầm?

Việc tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với động vật bị nhiễm bệnh đều là nguy cơ lây nhiễm sang người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các ca bệnh ở người có nguyên nhân do virus cúm gia cầm và các virus cúm có nguồn gốc từ động vật khác đã được báo cáo, dù còn chưa đầy đủ.

Cúm A/H5N1 có khả năng lây truyền trực tiếp từ chim, gia cầm sang người thông qua tiếp xúc với chim và gia cầm sống hoặc chết đã bị nhiễm bệnh hoặc từ môi trường. Đặc biệt, sau khi lây truyền sang người, virus còn có khả năng tái tổ hợp hình thành vi rút mới với gen vi rút cúm người và làm cho dịch dễ lan truyền từ người sang người, có nguy cơ gây nên đại dịch ở người.

Vì vậy, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm Cúm A/H5N1, chúng ta cần tuân thủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế:

- Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

- Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.

- Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Nếu đến các quốc gia hoặc khu vực lưu hành dịch cúm gia cầm, hạn chế tối đa việc đến các cơ sở nuôi gia cầm, tiếp xúc với động vật tại các chợ gia cầm sống, đi vào khu vực giết mổ gia cầm và tiếp xúc với các bề mặt phơi nhiễm với phân, chất dịch, chất tiết từ gia cầm. Theo dõi triệu chứng và đến các cơ sở y tế nếu có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm cúm gia cầm.

Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của bà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem