Tử vong vì nấm độc

Dương Nương Thứ bảy, ngày 13/06/2015 07:00 AM (GMT+7)
Chỉ trong vòng 10 ngày (từ ngày 17-27.5), trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã liên tiếp xảy ra 4 vụ ngộ độc nấm với 13 người mắc, trong số đó đã có 3 người tử vong, 4 người vẫn đang điều trị tại bệnh viện... 
Bình luận 0

Những cái chết thương tâm

Vụ ngộ độc nấm đầu tiên xảy ra vào ngày 17.5.2015, tại thôn Long Hy, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông. Sáng hôm đó bà Y Brun lên rẫy gặp một cụm nấm màu trắng liền hái đem về nhà nấu ăn vào bữa ăn chiều cho 3 người gồm bà và chị Y Poan cùng cháu Y Búi (con chị Y Poan). Trong bữa ăn, bà Y Brun chỉ uống một ít nước canh nấm, còn chị Y Poan và cháu Y Búi ăn cả nấm và nước canh. Sáng hôm sau bà Y Brun và chị Y Poan lên rẫy, cháu Y Búi đi học, mọi người vẫn bình thường. Đột nhiên đến khoảng 10 giờ sáng ngày 18.5 chị Y Poan và cháu Y Búi bị đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy. Bà Y Brun bị đau bụng nhẹ sau 2 giờ thì tự khỏi. Đến 17 giờ cùng ngày chị Y Poan và cháu Y Búi vẫn đau bụng nên 2 mẹ con đến Trạm Y tế xã Măng Ry, sau đó được chuyển lên Trung tâm Y tế huyện Tu Mơ Rông rồi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum lúc 11 giờ ngày 22.5 trong tình trạng hôn mê. Tại đây các bác sĩ đã hội chẩn và kết luận 2 bệnh nhân bị suy đa phủ tạng do ngộ độc nấm, tiên lượng rất nặng. Sau đó cả hai mẹ con đã tử vong.

img
Cháu Y Xuân Mai được các bác sĩ tận tình cứu chữa trước khi mất tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: D.N

Tại thời điểm này, ở thôn Lung Leng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy cũng xảy ra một vụ ngộ độc nấm: Chiều ngày 24.5 ông A Minh đi lên rẫy hái được một ít nấm màu vàng nâu khoảng 100g về nấu ăn bữa chiều cho 5 người trong gia đình. Đến sáng ngày hôm sau thì cả 5 người lần lượt bị đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Ông A Minh và con trai A Mưk bệnh biểu hiện nhẹ nên ở nhà tự mua thuốc uống, còn bà Y Kin (vợ ông A Minh), cháu Y Xuân Mai và Y Mỹ đau bụng ngày càng tăng nên gia đình đưa đến Trạm Y tế xã Sa Bình, sau đó chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy lúc 21 giờ 50 ngày 25.5. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân Y Mỹ đã thuyên giảm, còn hai bà cháu Y Kin và Y Xuân Mai được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh chiều ngày 28.5. Mặc dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng bé Y Xuân Mai đã tử vong sau đó...

Nhận biết nấm độc

Tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung, cứ mỗi mùa mưa đến (mùa nấm mọc) lại xảy ra các ca ngộ độc nấm. Theo các chuyên gia, có những loại nấm độc nhìn rất giống nấm thường, mọc lẫn với nấm ăn được khiến người đi hái nấm rất dễ bị nhầm. Thông thường các loại nấm độc bao giờ trông cũng nhiều màu sắc hơn, có đốm nổi lên, trên mũ nấm có những hạt nổi hay vằn màu đỏ hoặc màu tạp, có rãnh, vết nứt, có vòng quanh thân. Khi ngắt sẽ có nhựa chảy ra. Nấm độc khi hái thường có mùi cay, mùi hắc hoặc mùi đắng xộc lên; trong khi đó, nấm ăn được thường thơm hoặc không mùi…

Theo Bác sĩ Hoàng Chí Trung- Cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Kon Tum: Có 2 phương pháp thử đơn giản xem có phải nấm độc hay không là dùng phần trắng của hành lá chà xát trên mũ nấm. Nếu thân hành biến thành màu xanh nâu chứng tỏ có độc; nếu hành không chuyển màu chứng tỏ không có độc. Hoặc cho một lượng nhỏ sữa bò tươi bên trên mũ nấm, nếu thấy hiện tượng sữa vón cục là có khả năng nấm này có độc...

Theo tư vấn của ngành y tế Kon Tum, trước khi xào nấu nấm, bà con nên luộc sôi trước sẽ làm giảm bớt độc tính của nấm. Khi ăn nấm không nên uống rượu. Sau khi ăn nấm, nếu đau bụng, buồn nôn, choáng váng… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa kịp thời… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem