Từ vụ bắt bà chủ Công ty xăng dầu ở TP.HCM: Sản xuất, buôn bán xăng giả bị phạt bao nhiêu năm tù?

Quang Trung Chủ nhật, ngày 28/11/2021 09:13 AM (GMT+7)
Luật sư có những phân tích xung quanh vụ việc công an vừa bắt thêm một chủ doanh nghiệp do liên đường dây sản xuất, buôn bán 200 triệu lít xăng giả.
Bình luận 0

Sản xuất, buôn bán xăng giả bị phạt cao nhất 15 năm tù

Thông tin mới nhất, bà Lê Thị Anh Thư, 53 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Biên Khoa vừa bị bắt do liên quan đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả.

Cụ thể ngày 27/11, hàng chục cảnh sát có vũ trang thuộc Công an tỉnh Đồng Nai, Bộ Công an và Công an TP HCM bao vây cây xăng Biên Khoa trên đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp. Bà Lê Thị Anh Thư bị bắt về hành vi Buôn lậu.

Từ vụ bắt bà chủ Công ty xăng dầu ở TP HCM: Sản xuất, buôn bán xăng giả bị phạt thế nào?  - Ảnh 1.

Cảnh sát đọc lệnh bắt tạm giam bà Lê Thị Anh Thư (thứ 2, bên phải) tại nhà riêng, trưa 27/11. Ảnh: Thái Hà

Hiện, Công an Đồng Nai đã khởi tố hơn 70 người về các tội Buôn lậu; Sản xuất buôn bán hàng giả; Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ; Đưa và Nhận hối lộ... đồng thời phối hợp với Cục Điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng để điều tra 13 bị can thuộc thẩm quyền của cơ quan này.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đây là kết quả điều tra mở rộng vụ án buôn lậu, sản xuất 200 triệu lít xăng giả có liên quan đến rất nhiều bị can đã bị khởi tố trước đó.

Bà Thư bị khởi tố về tội Buôn lậu theo quy định tại Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015. Nếu số lượng hàng giả trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 1tỷ đồng trở lên, bà Thư sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Theo Tiến sĩ Cường, hiện nay bà chủ công ty xăng dầu ở này mới chỉ bị khởi tố về một tội danh là tội buôn lậu. Trong quá trình điều tra, nếu có căn cứ cho thấy bị can còn thực hiện hành vi phạm tội khác liên quan đến mua bán hóa đơn, rửa tiền... sẽ tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

"Ví dụ trong quá trình điều tra, có căn cứ cho thấy bà Thư có hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả, bà này sẽ bị khởi tố về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự 2015. Tội danh này có khung hình phạt cao nhất là 15 năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản" – ông Cường nói.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi buôn lậu diễn ra từ khi nào, số lượng hàng lậu, trị giá bao nhiêu tiền, bị can đã thu lợi bất chính số tiền là bao nhiêu làm căn cứ xác định tội danh và khung khoản hình phạt.

Theo quy định, hành vi buôn lậu được xác định là buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án, chưa xóa án tích mà còn vi phạm hoặc hàng hóa là di vật, cổ vật.

Đối với cá nhân phạm tội buôn lậu hình phạt có thể đến 20 năm tù nếu vật phạm pháp chị giá từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 1 tỷ đồng trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Pháp nhân thương mại buôn bán xăng giả cũng bị xử lý

Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, hành vi buôn lậu còn có thể bị xử lý đối với pháp nhân thương mại.

Bởi vậy trong vụ án này, trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy, ngoài bà Thư thực hiện hành vi phạm tội thì pháp nhân thương mại là công ty xăng dầu này cũng thực hiện hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cũng sẽ xử lý hình sự đối với doanh nghiệp này theo Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015.

Chế tài đối với pháp nhân thương mại có thể bị phạt tiền đến 15 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Tiến sĩ Cường cho rằng, đây là đường dây buôn lậu, sản xuất xăng giả số lượng đặc biệt lớn, tác động tiêu cực đến hoạt động quản lý kinh tế, đến thị trường xăng dầu, thể hiện sự coi thường pháp luật.

Số tiền thu lợi bất chính đặc biệt lớn liên quan đến rất nhiều bị can. Trong số các bị can đã bị khởi tố có những người có chức vụ quyền hạn, thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật nhưng đã bị các đội tượng mua chuộc, làm tha hóa, biến chất.

Bởi vậy đây là một vụ án lớn, là quyết tâm của cơ quan tố tụng trong việc đấu tranh phòng và chống tội phạm về kinh tế góp phần lập lại trật tự, kỷ cương, an ninh an toàn cho xã hội.

"Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ hành vi có liên quan của các đối tượng khác. Hành vi của đối tượng nào thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ tiếp tục khởi tố bị can, phong tỏa tài sản và xử lý theo quy định của pháp luật" – Tiến sĩ Cường nêu quan điểm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem