Từ vụ con trai bà Tân Vlog bị phạt: Nhiều hành vi méo mó, dị dạng về văn hóa trên YouTube

Minh Thi Chủ nhật, ngày 13/09/2020 08:35 AM (GMT+7)
Câu view bằng mọi giá để tăng thu nhập, tăng lượt người xem, lỡ có bị tuýt còi thì mức phạt không là bao – đây là chiêu trò để các Youtuber, Vlogger thu được nguồn lợi "khủng", bất chấp nội dung phản cảm, lệch chuẩn và bị lên án.
Bình luận 0

Trào lưu phi văn hóa

Với clip kỳ quặc nấu cháo gà nguyên lông đăng trên YouTube, con trai bà Tân Vlog nhận mức phạt 7,5 triệu đồng. Clip này mang lại sự ghê sợ cho người xem, nhưng chưa hết, đây cũng chỉ là một trong những chuỗi "thử thách" mà các YouTuber, Vlogger thường tận dụng để thu hút sự hiếu kỳ của người xem.

Từ vụ con trai bà Tân Vlog bị phạt: Nhiều hành vi méo mó, dị dạng về văn hóa trên YouTube - Ảnh 1.

Hưng Vlog bị phạt 7,5 triệu đồng vì hành vi quay clip phản cảm.

Chuyện nấu cháo gà, vịt, bồ câu nguyên lông đã từng được nhiều kênh YouTube thực hiện trước đó. Nhưng khi một kênh khá đông người theo dõi như Hưng Vlog tái dựng, trò câu view rẻ tiền này mới được chú ý nhiều hơn. 

Trước đó, các Vlogger như Hữu Bộ, Tiến Black, Quang Linh Vlogs, Trường Quân TQ97 Gaming, Khám phá Tây Nguyên quê tôi, Vĩnh Vớ Vẩn, Long Du Bai, Võ Ngọc Duy Troll... cũng từng quay clip kiểu trên, khiến người xem phải sợ chết khiếp hoặc nôn ọe, cùng lúc tung những lời lẽ dung tục. Thậm chí còn có nơi hấp gà nguyên lông với… sầu riêng, tiếp đó là cảnh chửi bậy và đánh nhau ì xèo, thô tục.

Từ vụ con trai bà Tân Vlog bị phạt: Nhiều hành vi méo mó, dị dạng về văn hóa trên YouTube - Ảnh 2.

Anh em Tam Mao làm thịt chim, cá sống.

Bên cạnh đó còn có những clip gây sốc như ăn sống cá ở dưới ao vừa bắt lên, rồi ăn nội tạng động vật ngay khi vừa giết mổ xong, hay ăn thịt dê sống nguyên con, ăn món pịa bò sống mới mổ ra còn nóng… Những clip đó lại được người xem trẻ hưởng ứng, chia sẻ, tương tác rất nhanh, thu về cả hàng triệu lượt xem, cùng khoản tiền khá lớn nên ai ai cũng bắt chước nhau mà làm.

Bên cạnh đó còn có các kiểu thách đố kinh hoàng như thử thách 24 giờ làm động vật, thả 100 con dao xuống sân, thử thách tắm với mắm tôm, thử thách ăn gạch, thử làm chó 24h, tắm với 50kg bỏng ngô, thử thách ngủ ngoài đường, 24h sống nghèo khổ, tự làm mù mắt bằng đèn học...

Ngoài ra, đáng ngại hơn, còn những trò câu like nhố nhăng như đổ chậu trứng lên đầu mẹ để ăn mừng, làm 'nhà khổng lồ' từ 5.000 ống hút, từng bị dân mạng "ném đá" vì phi giáo dục.

Lợi nhuận làm mờ mắt

Theo trang Social Blade chuyên phân tích các kênh YouTube, thu nhập hằng ngày của kênh Bà Tân Vlog dao động từ vài trăm đến vài chục ngàn USD. Thế nên ngay cả Vlog con trai bà Tân cũng kiếm được bộn tiền từ trò nhố nhăng, mà đỉnh điểm là mức phạt 7,5 triệu đồng chỉ như trò đùa.

Từ vụ con trai bà Tân Vlog bị phạt: Nhiều hành vi méo mó, dị dạng về văn hóa trên YouTube - Ảnh 3.

"Thử thách 24h làm chó" gây ngạc nhiên cho cộng đồng mạng.

Còn trung bình, một kênh YouTube ở VN có thể nhận được từ  600 - 3.000 đồng cho 1 lượt xem quảng cáo, nhưng ở thị trường Âu - Mỹ, con số này có thể 6 - 10 USD.

Một chủ nhân một kênh YouTube gần 200.000 lượt đăng ký, thu nhập hằng tháng của người này dao động từ 2.000 - 8.000 USD tùy theo lượt xem quảng cáo của khán giả.

Chỉ cần tính sơ đã biết lý do vì sao người ta đổ xô đi làm clip phản cảm, chỉ để thu lợi lớn khó tưởng tượng được.

Từ vụ con trai bà Tân Vlog bị phạt: Nhiều hành vi méo mó, dị dạng về văn hóa trên YouTube - Ảnh 4.

Làm nhà bằng ống hút gây chú ý mà nhận "gạch" xây nhà.

Những clip "bẩn" nuôi sống chủ nhân các kênh YouTube, không những thế, khuyến khích và dung dưỡng cho lối sống không lành mạnh trong giới trẻ. Từ trào lưu câu like ở đám ma nghệ sĩ khiến cộng đồng mạng phẫn nộ, đến sự tung hoành của các YouTuber giang hồ, bạo lực kiểu Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Huấn Hoa Hồng… gây ảnh hưởng không nhỏ đến lứa tuổi mới lớn, đổ xô mọi thành quả giáo dục chỉ trong một thời gian rất ngắn.

Một khán giả nhìn nhận: "Tôi không hiểu sao giới trẻ giờ rảnh đến nỗi đi xem những video không có ý nghĩa hoặc bài học gì, chỉ là hài nhảm, hoặc thỏa mãn trí tò mò...

Rồi họ giúp cho những người kiểu như thế kiếm tiền, mà lại là số tiền lớn, có khi hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, trong khi những nội dung ấy không đóng góp chút gì cho sự phát triển của tri thức nói riêng và đời sống xã hội nói chung. Còn những người làm ăn chân chính, có suy nghĩ chín chắn, làm những video về kiến thức hoặc kỹ năng thì lại bị thờ ơ, không ai quan tâm".

Bạo lực và hành vi lệch chuẩn

Đã có một thời, phụ huynh tá hỏa khi con xem "hoạt hình người lớn", những Spiderman, công chúa Elsa hở hang, yêu đương nhố nhăng, phản cảm, hay phát hiện trào lưu "những bà mẹ phản cảm, lộ hàng" trên YouTube.

Từ vụ con trai bà Tân Vlog bị phạt: Nhiều hành vi méo mó, dị dạng về văn hóa trên YouTube - Ảnh 5.

Câu like thiếu văn hóa ở đám tang nghệ sĩ.

Mặc dù YouTuber giang hồ càn quấy, chuyên đòi nợ thuê như Khá "Bảnh" đã bị bắt, nhưng mối lo còn đó, khi trào lưu phỏng vấn dạo với những lời lẽ và hành vi tục tĩu cũng được dung dưỡng, trở thành "mốt" thịnh hành trong một bộ phận giới trẻ.

Nhiều người đặt dấu hỏi: Tại sao những kênh nội dung phản cảm thế này không được xoá sớm, mà phát triển đến gần 300.000 lượt người theo dõi, hàng triệu view. Và quan trọng hơn, một số kênh lại nhận được dấu huy hiệu xác minh (v) từ YouTube. 

Chính vì thế, quản lý clip bẩn trước hết phải từ YouTube, từ không gian mạng. Phải chăng những kênh phát hành kiểu trên còn được du di hoặc chưa bị sờ gáy, nên nội dung bị thả nổi, không ai quản lý?

Cũng có ý kiến đóng góp, cho rằng, "những chuyện này sẽ luôn lặp lại nếu xã hội còn những người xem video nhảm, bởi có cung thì sẽ có cầu. Muốn chấm dứt các video nhảm thì chúng ta nên bảo nhau thay đổi tư duy, rảnh rỗi thì tìm những gì bổ ích mà xem".

Bên cạnh đó, ngoài việc xử phạt, nếu những người làm luật không vào cuộc, chấn chỉnh YouTube và Facebook thì những video câu view, câu like phản cảm, đi trái với thuần phong, giá trị đạo đức vẫn tiếp diễn. Nhiều người nhấn mạnh, nên cắt bỏ hoặc xóa hẳn những clip phản cảm trên YouTube, Vlog... 

Tuy có nhiều bình luận, lượt xem, lượt thích nhưng cần không trả tiền cho những video không phù hợp với phong tục tập quán, đạo đức, thậm chí phải khóa, gỡ xuống, tránh nhiều trường hợp khác tương tự vì muốn kiếm tiền. Rõ ràng không phải không thể quản lý được, mà cái chính là làm nghiêm đến mức nào thôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem