Từ vụ đình chỉ học sinh công kích BTS: Kỷ luật thế nào cho “chuẩn”?

Khải Huyền Thứ hai, ngày 11/11/2019 19:00 PM (GMT+7)
Những ngày qua, câu chuyện kỷ luật học sinh thế nào để sửa phạt được học sinh mà không gây tác dụng ngược, giúp học sinh nên người lại được nhiều thầy cô, phụ huynh và các chuyên gia giáo dục mổ xẻ.
Bình luận 0

Câu chuyện bắt đầu từ việc một học sinh Trường THCS Ngô Quyền (quận Tân Bình, TP.HCM) sử dụng mạng xã hội để công kích nhóm nhạc Hàn Quốc BTS và những người hâm mộ của nhóm nhạc này. Học sinh này sau đó bị nhà trường xử lý kỷ luật đình chỉ học 4 ngày, xếp hạnh kiểm từ trung bình đến yếu học kỳ 1, lao động công ích và đọc kiểm điểm trước trường.

Việc kỷ luật học sinh sẽ “không thành vấn đề” cho đến khi nhà trường quay lại clip học sinh này đọc bảng kiểm điểm trước toàn trường, sau đó, post lên mạng xã hội. Vụ việc sau đó gây xôn xao dư luận, nhiều nhà giáo dục lên tiếng.

Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền sau đó cũng cho rằng, ông cảm thấy day dứt, hối hận vì không lường trước được hậu quả của việc kỷ luật học sinh theo cách nêu trên.

img

Thầy cô không chỉ cung cấp kiến thức mà còn là người giúp học sinh hình thành nhân cách. Ảnh: Ngọc Dương

Trước đó, nhiều lần xảy ra chuyện giáo viên phạt học sinh “quá đáng” khiến dư luận phản ứng. Như chuyện một giáo viên ở Hải Phòng bắt học sinh lớp 3 uống nước giặt giẻ lau bảng vì mất trật tự trong lớp học. Cô giáo này sau đó đã bị nhà trường ngừng ký hợp đồng trong vòng 3 năm.

Hay như cuối năm 2018, một giáo viên ở Quảng Bình yêu cầu 23 bạn lớp 6 cùng lớp tát vào má một học sinh mắc lỗi nói tục, mỗi người 10 cái. Một giáo viên lớp 2 khác ở Hà Nội lại yêu cầu học sinh tát bạn gây ồn ào trong lớp 50 cái, đến cái thứ 20 học sinh bật khóc vì đau đớn thì cô mới cho dừng lại…

Một chuyên gia giáo dục chia sẻ, căn cứ để xem xét kỷ luật học sinh là Thông tư 08/TT của Bộ Giáo dục (nay là Bộ GDĐT) ngày 21/3/1988 và điều 41 (Các hành vi học sinh không được làm), điều 42 (khen thưởng và kỷ luật) tại Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28-3-2011 của Bộ GDĐT.

Theo đó, tại Thông tư 08, các mức kỷ luật học sinh gồm các mức: Phê bình trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần lễ, đuổi học một năm.

Còn theo điều 42 của Thông tư 12, các hình thức kỷ luật gồm: Phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi vào học bạ; buộc thôi học có thời hạn.

Tuy nhiên, không có quy định nào về việc đăng tải clip kỷ luật học sinh lên mạng, cũng không có nội dung buộc học sinh đọc bản kiểm điểm trước toàn trường.

Do đó, một số thầy cô cho rằng, với những học sinh ngoan nhưng lỡ vi phạm thì đôi khi chỉ cần nhắc là được, nhưng có những học sinh ngỗ ngược, nhắc nhở nhiều lần vẫn “không ăn thua” thì áp dụng hình thức kỷ luật như thế nào để trò ngoan mà thầy không bị “điều tiếng” cũng là việc đau đầu.

img

Nhà trường cần khéo léo đưa ra hình thức kỷ luật phù hợp, mục tiêu cuối cùng của kỷ luật là để uốn nắn, chỉnh sửa học sinh, phát triển nhân cách người học…

Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) chia sẻ, học sinh lứa tuổi THCS, THPT là những đứa trẻ còn chưa đủ chín chắn trong suy nghĩ và hành động. Ngược lại, mỗi em cũng có vị trí nào đó trong thế giới của riêng mình. Do đó, việc xử phạt các em thế nào cho đúng chuẩn, không gây phản ứng ngược là điều người làm giáo dục phải suy nghĩ đến.

Trong nhiều trường hợp, nhà trường, thầy cô nên “làm việc” với phụ huynh học sinh trước, phối hợp cùng uốn nắn học sinh. Cùng với đó, yêu cầu học sinh viết kiểm điểm và nêu ra hướng khắc phục của bản thân…

“Nếu cần thiết phải tư vấn tâm lý trước khi đưa ra các hình thức xử lý kỷ luật. Mỗi học sinh có tính cách khác nhau, cần áp dụng biện pháp cho phù hợp để không phản giáo dục”, ông Phú chia sẻ.

TS tâm lý Đào Lê Hòa An - Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho rằng, lứa tuổi học trò thường ngỗ nghịch và có cái tôi cá nhân lớn. Do đó, giáo viên cần tránh tối đa các hình thức phạt học trò trước tập thể.

Vì việc này có thể gây hậu quả lâu dài cho bản thân học sinh, các bạn học cùng trường, cùng lớp có thể thường xuyên nhắc lại chuyện cũ để chọc ghẹo, đặt biệt danh cho học sinh bị phạt, thậm chí có thể xa lánh, cô lập khiến học sinh bị tách ra khỏi cộng đồng học tập.

Theo TS Đào Lê Hòa An, phần lớn các trường học hiện nay chưa có phòng tư vấn tâm lý hoặc cán bộ tâm lý phụ trách. Nếu có, nhà trường có thể bàn bạc với chuyên viên tâm lý để đưa ra hình thức kỷ luật phù hợp, mục tiêu cuối cùng của kỷ luật là để uốn nắn, chỉnh sửa học sinh, phát triển nhân cách người học…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem