Từ vụ lắp điều hòa ở Trường Tiểu học Hữu Hòa, giáo viên cho biết: "Chúng tôi nản và áp lực"

Tào Nga Thứ sáu, ngày 11/08/2023 09:24 AM (GMT+7)
"Giáo viên bây giờ đi dạy nản và áp lực kinh khủng, vừa phải tập trung chuyên môn làm sao cho tốt để hoàn thành nhiệm vụ, vừa phải lo ngay ngáy phản ứng của học sinh, phụ huynh", cô giáo Hoàng Thu Hằng chia sẻ.
Bình luận 0

Giáo viên "nản" trong thời đại mạng xã hội

Mới đây, UBND huyện Thanh Trì, Hà Nội đã chính thức thông tin về phản ánh trên mạng xã hội của phụ huynh lớp 1A5, Trường Tiểu học Hữu Hòa về việc "muốn lắp điều hòa cho con thì phải cam kết tặng lại nhà trường nếu không tặng thì không được lắp".

Qua báo cáo tường trình của giáo viên chủ nhiệm lớp 1A5 và hiệu trưởng đều khẳng định không chỉ đạo, không phát ngôn, không yêu cầu hay bắt buộc các nội dung như thông tin trên mạng xã hội nêu. Chủ tài khoản Facebook Minhnguyen cũng cho biết nhà trường và giáo viên chủ nhiệm lớp 1A5 không hề nêu ra các vấn đề liên quan đến lắp đặt điều hòa mà do phụ huynh liên hệ cùng nhau tự lập 1 nhóm zalo để bàn bạc, trao đổi các vấn đề liên quan đến học tập của con em mình (không có sự tham gia của giáo viên chủ nhiệm). Chủ tài khoản này sau đó đã hiểu và tự gỡ bài đăng của mình.

Từ vụ lắp điều hòa ở Trường Tiểu học Hữu Hòa, giáo viên cho biết: "Chúng tôi nản và áp lực" - Ảnh 1.

Trường Tiểu học Hữu Hòa trong vụ tranh cãi về lắp điều hòa. Ảnh: CMH

Vụ việc đã được khép lại, tuy nhiên, trao đổi với PV báo Dân Việt, nhiều giáo viên khác bày tỏ nản chí khi phụ huynh ngày nay quá "manh động". 

Cô Hoàng Thu Hằng, giáo viên một trường tiểu học ở Hà Nội bày tỏ: "Giáo viên bây giờ đi dạy nản và áp lực kinh khủng, vừa phải tập trung chuyên môn làm sao cho tốt để hoàn thành nhiệm vụ, vừa phải lo ngay ngáy phản ứng của học sinh, phụ huynh. Dường như bất cứ điều gì không vừa ý là phụ huynh đều đổ lỗi hết cho giáo viên và thậm chí đưa lên mạng xã hội dù chưa hiểu rõ vấn đề. 

Bản thân tôi cũng gặp tình huống vừa đánh trống hết giờ thì một học sinh đã chạy ra ngoài trong khi cô chưa dặn dò xong và cần ổn định lớp để bố mẹ đến đón. Tôi nói em học sinh ngồi vào chỗ nếu không sẽ giữ lại ở trong lớp. Đến khi ra về, phụ huynh em ấy chạy vào lớp tra vấn cô làm gì mà con khóc, cô phải thế nọ, phải thế kia... 

Mấy hôm nay đọc vụ lắp điều hòa ở Trường Tiểu học Hữu Hòa, không phải trường tôi nhưng là giáo viên, tôi chạnh lòng vô cùng. Nhiều dân mạng, thậm chí những người có học thức, hiểu biết cũng dùng những lời lẽ thóa mạ, chửi bới giáo viên, nhà trường, ngành giáo dục. 

Thực sự trong trường tôi bây giờ các giáo viên rất ngại nhận dạy lớp 1 vì phụ huynh mới, phải làm nhiều việc hơn và giải thích, hướng dẫn nhiều hơn. Phụ huynh không rõ điều gì sẵn sàng phản ứng một cách tiêu cực. Chúng tôi nản đến mức với học sinh nào có phụ huynh nào như vậy, chúng tôi bảo nhau đừng nói gì, đụng gì đến em ấy".

Một số giáo viên khác cũng thở dài an ủi nhau vượt qua mọi khó khăn vì nếu không có lòng yêu nghề, yêu học sinh, yêu từng tiết học thì chắc chắn họ đã bỏ nghề như nhiều giáo viên khác đang làm. 

Phụ huynh thận trọng khi đưa thông tin 

Là phụ huynh có 2 con đang học cấp tiểu học và THCS, chị Nguyễn Lan Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nêu ý kiến: "Với trường nào chưa có điều hòa thì khi con vào lớp 1, phụ huynh góp nhau mua sử dụng cho 5 năm rồi khi ra trường thanh lý hoặc tặng lại trường. Học sinh khóa sau chỉ đóng góp 1 khoản rất nhỏ để bảo dưỡng, bảo trì điều hòa hàng năm thôi mà không phải mua mới. Tôi thấy như vậy là hợp lý".

Chị Phương cho biết thêm, con chị năm nay học lớp 7. Khi con vào học lớp 1 ở một trường tiểu học, phụ huynh đóng góp 1 triệu đồng để lắp điều hòa, máy chiếu. Các con học xong lớp 5 tặng lại điều hòa và được trường gửi lại một số tiền cho cả lớp liên hoan rất vui vẻ. Còn 1 bé đang học lớp 3, do được anh chị khóa trược tặng lại điều hòa cho trường nên giờ các con chỉ mất tiền điện để sử dụng. 

"Các trường học chỉ được giao 4 quạt trần cho lớp 40-50 học sinh. Nếu phụ huynh không lắp, không nhận được sự chung tay từ xã hội lắp điều hòa thì các con sẽ không chịu nổi khi học mùa hè. Hôm nào trường bị quá tải mất điện liên tục thôi là con đã vật vã lắm rồi. Tôi nghĩ nếu phụ huynh không hiểu điều gì nên trao đổi trực tiếp với thầy cô, nhà trường. Không nên cứ bức xúc là đưa lên mạng xã hội. Con vẫn học ở trường mà bố mẹ không tin tưởng nhà trường thì làm sao truyền cho con tình yêu trường, yêu thầy cô để từ đó học tập tốt được", chị Phương nói.

TS Đặng Văn Cường, giảng viên khoa Luật, Trường Đại học Thủy lợi cho hay: "Các phụ huynh học sinh thường thông qua Hội phụ huynh (Hội cha mẹ học sinh) để bàn bạc thống nhất việc tài trợ, đóng góp, ủng hộ cho nhà trường trên cơ sở tự nguyện. Trong vụ việc nêu trên có thể hội phụ huynh bàn bạc về việc quyên góp ủng hộ lắp điều hòa cho học sinh tiểu học lớp 1 (sử dụng khi các con học đến lớp 5) khi các con học hết cấp 1. Ra trường, sau 5 năm sử dụng điều hòa thì thống nhất là sẽ không tháo gỡ ra để bán chia nhau mà là để lại ủng hộ cho nhà trường. Điều này hoàn toàn bình thường và hợp lý.

Cũng không có căn cứ nào cho thấy nhà trường đưa ra điều kiện hay ép buộc phụ huynh phải tài trợ điều hòa cho nhà trường. Bởi vậy khi những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa chính xác mà đưa lên không gian mạng thì rõ ràng có thể gây ra những phản ứng tiêu cực trong xã hội, tạo ra những hiểu lầm và ảnh hưởng đến uy tín của các thầy cô, các cơ sở giáo dục. Thậm chí việc đưa thông tin sai sự thật nên không gian mạng còn là hành vi vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.

Mỗi phụ huynh học sinh khi đăng tải một nội dung thông tin nào đó về việc học và giáo dục lên không gian mạng thì cần phải thận trọng, cân nhắc để tránh làm rạn nứt mối quan hệ giữa phụ huynh học sinh với nhà trường, làm xấu đi mối quan hệ thầy trò và ảnh hưởng đến uy tín của các thầy cô, của cơ sở giáo dục mà con mình đang theo học".

TS Cường cho biết thêm, trong bối cảnh đời sống kinh tế xã hội ở Việt Nam còn nhiều khó khăn. Nhà nước không thể có đủ kinh phí để trang bị, xây dựng các trường công lập trên cả nước một cách khang trang, hiện đại, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học. Việc chung tay, ủng hộ, tiếp nhận sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, các phụ huynh học sinh là điều cần thiết, đặc biệt là các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên việc ủng hộ, tiếp nhận vật chất để xây dựng nhà trường phải tuân thủ các quy định của pháp luật phải trên cơ sở các nguyên tắc để đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem