Từ vụ livestream Tiktok lập kỷ lục gần 75 tỷ đồng và những góc khuất sau những đơn hàng
Từ vụ livestream Tiktok lập kỷ lục gần 75 tỷ đồng và những góc khuất sau những đơn hàng
Khải Phạm
Thứ ba, ngày 05/03/2024 10:35 AM (GMT+7)
Một phiên livestream Tiktok lập kỷ lục với gần 75 tỷ đồng đang gây xôn xao dư luận trong vài ngày qua. Tuy nhiên, chỉ những người trong cuộc mới có thể hiểu rõ sự thật phía sau doanh thu triệu đô trên.
Livestream Tiktok liên tục lập kỷ lục doanh số bán hàng
Dù mới ra mắt từ năm 2022, nhưng sàn thương mại điện tử (TMĐT) TikTok Shop đang có tốc độ phát triển nhanh nhất hiện nay.
Theo số liệu Metric, dù là "tân binh" trong thương mại điện tử, nhưng trong 9 tháng năm 2023 đã qua, TikTok Shop đã đạt doanh thu đến 25.000 tỷ đồng. Đặc biệt, tính riêng trong quý 3, TikTok Shop là đơn vị có thị phần lớn thứ hai xét về doanh thu tại Việt Nam với 10.000 tỷ đồng, chỉ xếp sau Shopee với doanh thu hơn 43.700 tỷ đồng. Doanh thu trên cũng giúp TikTok Shop chiếm 16% thị phần, dẫn đầu là Shopee đang nắm 69% thị phần.
TikTok cũng là nền tảng TMĐT đầu tiên "khai sinh" ra hình thức bán hàng qua livestream ở hầu hết các ngành hàng. Việc những người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên TikTok livestram bán hàng đã thu hút lượng lớn người xem, mua hàng ủng. Cũng từ đó, những con số doanh thu kỷ lục được ghi nhận trong các phiên livestram gây xôn xao dư luận.
Đầu tiên, không thể bỏ qua Phạm Thoại, một người với phong cách nam giả nữ, kiểu nói chuyện không giống ai. Cái tên này có tầm ảnh hưởng lớn trên TikTok nên khi chuyển sang bán hàng livestram đã nhận được sự quan tâm của người dùng.
Ở phiên livestream đầu tháng 1/2023, Phạm Thoại lập kỷ lục với 3 triệu lượt xem, 22 triệu lượt yêu thích và đạt gần 50.000 đơn hàng chỉ trong 12 tiếng. Thời điểm đó, doanh số bán hàng qua livestram trên là cao nhất trên sàn TMĐT TikTok Shop.
Tồn tại không lâu, kỷ lục livestream của Phạm Thoại đã bị "chiến thần" review Võ Hà Linh phá vỡ. Theo đó, với việc livestream tận xưởng sản xuất, TikToker này đã thu hút hơn 300 nghìn người xem cùng lúc, tổng 80.000 lượt xem, 11 triệu lượt thả tim và 58.000 người mua hàng cùng lúc. Doanh thu kỷ lục ở phiên livestream đó là 1,5 triệu USD và khiến TikTok Shop Đông Nam Á sập sàn.
Doanh thu bán hàng Livestream của tài khoản Quyền Leo Daily liên tục tăng cao. Ảnh chụp màn hình.
Kỷ lục nối tiếp kỷ lục khi mới đây, một tài khoản "Quyền Leo Daily" đã gây xôn xao mạng xã hội với doanh số "khủng khiếp".
Cụ thể, phiên livestream bán hàng trên TikTok của tài khoản "Quyền Leo Daily" kéo dài hơn 12 tiếng với doanh thu lên đến gần 75 tỷ đồng với 95 sản phẩm của 50 thương hiệu ngành mỹ phẩm, trang sức, đồ gia dụng, điện tử, thời trang.
Ngoài chủ kênh livestream chính, hàng loạt khách mời là người nổi tiếng, KOC, KOL trên TikTok như Long Chun, Ngọc Nguyễn nên càng nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng người dùng của nền tảng này.
Những con số trên đã khiến nhiều người bất ngờ về khả năng thu hút người dùng, ra đơn trên livestream bán hàng của TikTok Shop tại Việt Nam.
Góc khuất của bùng nổ đơn hàng livestream Tiktok
Theo một số chuyên gia, TikTok Shop là sàn TMĐT đang trong quá trình phát triển "nóng" mà trong ngành vẫn gọi là giai đoạn "đốt tiền" như Shopee, Lazada hay Tiki đã từng trải qua. Ở thời điểm này, TikTok Shop vẫn đang trợ giá cho các nhà bán hàng, người mua để đẩy mạnh nhận diện thương hiệu, thay đổi thói quen mua sắm của người dùng.
Trong khi các nhà bán hàng trên Shopee đang phải trả 16% trên mỗi sản phẩm bán ra thì TikTok Shop mới chỉ tăng phí sàn cao nhất 4% vào tháng 9/2023. Điều này càng cho thấy TikTok Shop đang thu hút lượng lớn các doanh nghiệp kinh doanh trên đây.
Đặc biệt, các nhà bán hàng trên TikTok Shop giờ đây còn thường xuyên lựa chọn livestream để "câu khách" với những câu sologan như "Giá này chỉ có trên livestream", "TikTok trợ giá, anh chị mua nhanh không hết", "ưu đãi chỉ có 10 suất"...
Điều này đã mang đến những con số doanh thu liên tục tạo kỷ lục mới của các nhà bán hàng trên livestream TikTok. Tuy nhiên, đó chỉ bề nổi của tảng bằng chìm mà chỉ những người làm trong ngành mới có nắm rõ hơn ai hết.
Chia sẻ với Dân Việt, chị P.T.H, chuyên viên của một công ty truyền thông chuyên xây dựng các kênh TikTok cho biết, những doanh thu trên livestream TikTok đều có thể tạo ra được, miễn là chủ kênh đó chịu chi.
"Chúng tôi đã cộng tác với rất nhiều TikToker nổi tiếng để xây kênh từ A-Z. Từ việc lên ý tưởng, kịch bản, quay và hỗ trợ... Tuy nhiên, trong 1 năm trở lại đây, đa số người muốn xây kênh không có hứng thú với việc sản xuất nội dung có ý nghĩa để nổi tiếng bởi bước đi phá chậm. Thay vào đó, họ chấp nhận bỏ tiền ra để đi tắt đón đầu với mục đích bán hàng, gây dựng thương hiệu cá nhân. Ban đầu họ bỏ ra một số tiền nhất định để có những con số đẹp trên kênh và ở là công ty truyền thông, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng", chị H nói.
Cũng theo chia sẻ của chị H, những đơn hàng đầu tiên ở những kênh mới lập hầu hết là công ty thuê người mua. Còn với việc livestream bán hàng, doanh thu chỉ là những con số bởi thực tế, phía sau những phiên livestream đó là cả đội ngũ hỗ trợ, trong đó mua hàng ảo, mua rồi huỷ đơn là điều chắc chắn xảy ra.
Do đó, những con số doanh thu kỷ lục của Phạm Thoại, Võ Hà Linh hay Quyền Leo Daily... đều chỉ có mục đích đánh bóng tên tuổi, gây sự chú ý chứ thực tế sẽ thấp hơn rất nhiều.
Chị H cho biết, hiện nay có thể dễ dàng thuê người mua đơn hàng trên TikTok ở các hội nhóm Facebook, chỉ cần người dùng chi tiền, muốn bao nhiều đơn hàng cũng có. Đồng thời, các công ty xây dựng kênh TikTok cũng có thể kiểm tra những con số trên livestream, nhưng con số chỉ mang tính tham khảo bởi không hoàn toàn chính xác.
Theo những con số trên, ở phiên livestream ngày 2/3 của tài khoản Quyền Leo Daily, số lượng sản phẩm bán ra là 7,1 nghìn, doanh thu 211,68 nghìn USD... Nếu con số trên là đúng, có thể thấy doanh số các phiên live stream TikTok Shop không cao như công bố.
Không thể phủ nhận TikTok Shop là sàn TMĐT có tốc độ phát triển nhanh nhất hiện nay tại Việt Nam, nhưng vẫn còn đó góc khuất trong việc bán hàng mà người dùng khó có thể biết được khi chỉ nhìn những con số kỷ lục liên tục bị xô đổ. Trong đó, nổi bật là việc đơn hàng ảo, tự đặt hàng hay các đơn hàng đặt rồi huỷ... Dù doanh thu thực tế có thể thấp hơn, nhưng việc công bố doanh thu "khủng", ít nhất các nhà bán hàng đã đạt được mục đích là "khoe" thành tích, khẳng định thương hiệu cá nhân để tiếp tục phục vụ cho việc bán hàng thời gian tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.