Ông Hồ Đại Dũng - cựu Phó Chủ tịch tỉnh Phú Thọ bị bắt
Theo thông tin mới nhất ông Hồ Đại Dũng - cựu Phó Chủ tịch tỉnh Phú Thọ bị bắt để điều tra hành vi đánh bạc. Cụ thể, ngày 29/7, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an có thông báo số 3384 về việc bắt bị can để tạm giam đối với ông Hồ Đại Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ.
Ông Hồ Đại Dũng bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt tạm giam về hành vi "Đánh bạc trái phép" theo quy định tại khoản 2, Điều 321 Bộ luật hình sự.
Hiện ông Dũng bị tạm giam tại Trại giam B14 Bộ Công an. Thời điểm bị bắt, ông Dũng đang là nhân viên Công ty Asean Slipform, có trụ sở tại TP.HCM.
Trước đó, UBND tỉnh Phú Thọ nhận được đơn của ông Hồ Đại Dũng xin chuyển công tác và xin thôi các chức vụ lãnh đạo, quản lý theo nguyện vọng cá nhân, gia đình.
Bị bắt vì hành vi đánh bạc, đối diện khung hình phạt thế nào?
Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Khổng Thùy Dung (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc trái phép với số tiền từ 5 triệu đồng trở lên dù đánh bạc trực tuyến hay đánh bạc trực tiếp đều là hành vi vi phạm pháp luật hình sự.
Các đối tượng tham gia đánh bạc sẽ bị xử lý về tội Đánh bạc theo Điều 321 Bộ luật hình sự và có thể đối mặt với khung hình phạt cao nhất tới 7 năm tù.
Cụ thể, Điều 321 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội đánh bạc như sau: Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5 đồng đến dưới 50 đồng hoặc dưới 5 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: Có tính chất chuyên nghiệp; Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50 triệu đồng trở lên; Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Tái phạm nguy hiểm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, đây là hình phạt bổ sung của tội đánh bạc.
Theo bà Dung, đánh bạc được hiểu là hành vi tham gia vào trò chơi được tổ chức bất hợp pháp mà sự thắng (hoặc thua) kèm theo sự được (hoặc mất) một lợi ích vật chất đáng kể, có thể là tiền, hiện vật hay các tài sản khác.
Hành vi đánh bạc được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, thường thấy là chơi bài tây, tổ tôm, xóc đĩa, chơi lô, đề, cá độ bóng đá, chọi gà…
Theo quy định tại Điều 321 Bộ luật hình sự, người có hành vi đánh bạc chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5 triệu đồng trở lên.
Hoặc số tiền, tài sản dùng để đánh bạc dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc hoặc đã bị kết án về một trong các tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Nếu đánh bạc dưới 5 triệu và không thuộc các trường hợp nêu trên sẽ không bị xử lý hình sự mà bị áp dụng xử phạt hành chính.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.