Từ vụ việc doanh nhân Nguyễn Hòa Bình: Thỏa thuận ly hôn "bằng miệng" có giá trị pháp lý?

Quang Trung Thứ bảy, ngày 27/08/2022 11:26 AM (GMT+7)
Từ vụ việc doanh nhân Nguyễn Hòa Bình (Shark Bình), nhiều bạn đọc thắc mắc, thỏa luận ly hôn "bằng miệng" có giá trị pháp lý hay không?
Bình luận 0

Shark Bình nói sống độc thân gần 2 năm nay

Vụ việc giữa doanh nhân Nguyễn Hòa Bình (Shark Bình), diễn viên Phương Oanh và doanh nhân Đào Lan Hương đang nhận được sự quan tâm lớn từ phía dư luận. 

Theo đó, chiều 26/8, Phương Oanh xác nhận đang hẹn hò với Shark Bình. Nữ diễn viên khẳng định khi đến với nhau, cô và Shark Bình vẫn độc thân.

Từ vụ Shark Bình: Thỏa thuận ly hôn "bằng miệng" có giá trị pháp lý? - Ảnh 1.

Shark Bình và Phương Oanh xác nhận đang hẹn hò.

Về phía doanh nhân Nguyễn Hòa Bình, anh cũng xác nhận chuyện đang hẹn hò cùng diễn viên Phương Oanh, đã có cuộc sống độc thân gần 2 năm nay.

Shark Bình cho biết từ năm 2018, ông và doanh nhân Đào Lan Hương đã có nhiều trục trặc, mâu thuẫn trong đời sống. Do đó từ cuối năm 2018, họ đã ký đơn đồng thuận ly hôn, thỏa thuận và thực hiện xong việc chia tài sản, thời gian chăm sóc con cái để mỗi người có cuộc sống riêng.


Thỏa thuận ly hôn "bằng miệng" không có giá trị pháp lý

Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, thỏa thuận ly hôn "bằng miệng" có giá trị pháp lý hay không?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, pháp luật hiện hành không có bất cứ văn bản hướng dẫn nào quy định là trường hợp ly hôn "bằng miệng" hay "ly hôn thực tế" mà thủ tục ly hôn duy nhất pháp luật quy định là do tòa án thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự.

Để được ly hôn chấm dứt quan hệ hôn nhân các đương sự phải có Đơn yêu cầu tòa án xem xét giải quyết cho ly hôn, kèm theo đó là bản chính đăng ký kết hôn, giấy khai sinh của con và các giấy tờ về tài sản (nếu có yêu cầu chia tài sản).

Từ vụ Shark Bình: Thỏa thuận ly hôn "bằng miệng" có giá trị pháp lý? - Ảnh 2.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường. Ảnh: NVCC

Sau khi nhận đơn, tòa án sẽ kiểm tra, xem xét và có thể thụ lý để giải quyết. Thủ tục giải quyết một vụ việc thuận tình ly hôn trong thời hạn 2 tháng, thủ tục giải quyết một vụ án ly hôn có tranh chấp về hôn nhân, về quyền nuôi con hoặc về tài sản là trong thời hạn khoảng 7 tháng.

Theo ông Cường, nếu vụ việc tranh chấp về tài sản phức tạp, thời gian kéo dài có thể hàng năm cũng chưa xong. 

Khi nào hai bên có được quyết định hoặc bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật cho phép chấm dứt quan hệ hôn nhân, khi đó mới trở thành độc thân, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của vợ, của chồng theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, các tuyên bố ly hôn bằng miệng, sống ly thân nhiều năm, hành vi xé bỏ, đốt giấy đăng ký kết hôn đều không phải là sự kiện pháp lý làm chấm dứt quan hệ hôn nhân và gia đình.

Theo quy định của pháp luật, người đang có vợ, có chồng (chưa thực hiện thủ tục ly hôn) mà chung sống như vợ chồng với người khác là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định hôn nhân một vợ một chồng theo quy định của Bộ luật hình sự.

Còn trường hợp ngoại tình, (quan hệ lén lút) nhưng chưa được coi là "chung sống như vợ chồng", hành vi này chỉ vi phạm đạo đức xã hội, bị xã hội cười chê, lên án.

Từ phân tích trên, ông Cường cho rằng, hiện nay việc hai vợ chồng thỏa thuận ly hôn "bằng miệng" nhưng nội dung thỏa thuận này chưa được tòa án ghi nhận và ban hành quyết định thuận tình ly hôn hoặc vợ chồng có đơn yêu cầu ly hôn nhưng đơn này chưa được tòa án chấp nhận bằng quyết định hoặc bản án có hiệu lực pháp luật thì mối quan hệ vợ chồng vẫn chưa chấm dứt.

Nói cách khác, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn ly hôn, thỏa thuận ly hôn bằng miệng chỉ là khởi đầu cho một quá trình thực hiện thủ tục ly hôn, việc ly hôn thành công chỉ có thể được tòa án công nhận bằng một bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật.

Trong trường hợp có bản án, quyết định do tòa án cấp sơ thẩm ban hành cho phép ly hôn nhưng nếu quyết định bản án đó có kháng cáo, được xem xét lại theo thủ tục phúc thẩm cũng chưa được coi là có hiệu lực pháp luật, chưa được coi là đã ly hôn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem