Từ vụ tai nạn kinh hoàng ở Long An: Đường hỗn hợp dễ gây thảm họa

Chủ nhật, ngày 06/01/2019 10:22 AM (GMT+7)
Để hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1 và các trục đường lớn, Bộ Giao thông Vận tải tính đến việc mở rộng mặt đường, tách làn xe cơ giới và xe thô sơ, không sử dụng làn hỗn hợp như hiện nay
Bình luận 0

Từ vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 2.1 tại Long An khiến 4 người chết, 18 người bị thương, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cho rằng đã đến lúc phải tổ chức lại hạ tầng giao thông theo hướng tách làn đường riêng cho các loại phương tiện.

Đi chung làn, rủi ro rất lớn

Theo ông Lê Đình Thọ, hiện nay, trên các tuyến quốc lộ (QL) có mật độ giao thông cao vẫn sử dụng làn đường hỗn hợp nên rất nguy hiểm, rủi ro tai nạn rất lớn. Do vậy, các địa phương cần phải rà soát để trên cơ sở đó tiến tới tách làn theo hướng 2 làn dành cho xe cơ giới, 1 làn dành cho xe thô sơ.

Chủ trương của lãnh đạo Bộ GTVT nhận được nhiều đồng tình của giới chuyên môn và dư luận. Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, nói đây là việc rất cấp thiết. Tuy nhiên, việc tách làn phụ thuộc vào lưu lượng xe qua lại và tùy từng tuyến đường rộng, hẹp khác nhau, do vậy cần phải rà soát, nghiên cứu cụ thể. "Nếu chỗ nào có nguy cơ cao, địa phương hoặc cơ quan quản lý đường bộ sẽ nghiên cứu giải pháp rồi đề xuất lên, Tổng cục Đường bộ sẽ xem xét, thẩm định, sau đó triển khai một cách khoa học, hợp lý chứ không phải tuyến đường nào cũng có thể triển khai tách làn hỗn hợp" - ông Huyện nhấn mạnh.

img

Đường Nguyễn Duy Trinh (quận 9, TP HCM) “trộn lẫn” giữa xe tải và xe máy có nguy cơ tai nạn rất cao Ảnh: SỸ ĐÔNG

Trở lại với vụ tai nạn nghiêm trọng ở Long An, qua thị sát hiện trường, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đánh giá khu vực xảy ra tai nạn có lưu lượng xe qua lại rất lớn, nút giao phức tạp, tiềm ẩn TNGT cao. Nếu tại đây đã tách làn, ngăn bằng dải phân cách cứng thì vụ tai nạn đã không gây thiệt hại lớn đến vậy. "Từ vụ việc này, chúng tôi sẽ báo cáo với Bộ GTVT để xem xét, mở rộng mặt đường đối với những nơi quỹ đất còn rộng; đồng thời mở rộng làn đường dành riêng cho xe 2 bánh dừng chờ trước nút giao. Việc bố trí, tách làn sẽ giảm tối đa TNGT" - ông Hùng khẳng định.

Lúng túng thí điểm

TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, cho biết trong Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự ATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ở tất cả những nơi có thể làm được làn riêng cho xe máy thì phải khẩn trương thực hiện nhằm kéo giảm TNGT xuống mức thấp nhất. Thế nhưng, tiến độ triển khai làm làn riêng cho xe máy gần như giậm chân tại chỗ, bộc lộ nhiều bất cập. "Kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam rất đa dạng, có những nơi có thể làm được, làm tốt nhưng cũng có những nơi chưa thể làm được. Đáng nói là nhiều nơi có thể triển khai được việc tách làn riêng cho xe máy lại chưa được quan tâm" - ông Minh đánh giá.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết từ năm 2014, TP Hà Nội thí điểm tổ chức lại giao thông, phân làn ở một số tuyến đường có mật độ phương tiện lưu thông cao. Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, nhiều trục đường, tuyến quốc lộ ở Hà Nội có mặt đường rộng có thể tách làn cứng để phân chia phương tiện lưu thông. Đáng tiếc là do làm không đến nơi đến chốn nên Hà Nội vẫn thất bại, dù nhiều lần thí điểm phân làn.

Từ năm 2011, Đà Nẵng cũng thí điểm tổ chức phân làn ở một số tuyến đường nhưng sau 8 năm kết quả vẫn không có nhiều thay đổi. Toàn TP hiện có 5.000 nút giao thông trên diện tích 246 km2 và do đặc điểm "đường trong phố" nên việc phân làn gần như bế tắc. Trong 5.000 nút giao thông này, đang có 46 vị trí nút giao thông trở thành "điểm đen" giao thông.

Tại tỉnh Quảng Nam, tuyến QL 1 dù đã được nâng cấp, mở rộng nhưng mặt đường khá hẹp, nhất là đoạn qua các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình và Phú Ninh. Với mặt đường các đoạn qua đô thị là 20,5 m, ngoài đô thị chỉ rộng 16,5 m nên mỗi bên chỉ có 2 làn đường hỗn hợp, không hề có làn đường dành cho xe máy, xe thô sơ. Do sử dụng chung làn hỗn hợp, trên tuyến QL 1 qua địa phận Quảng Nam liên tục xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng. Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Nam, trong năm 2018, tại Quảng Nam xảy ra 235 vụ TNGT làm chết 162 người và làm bị thương 216 người. Hầu hết các vụ TNGT do va chạm giữa các loại phương tiện khi lưu thông chung làn đường.

Đừng thí điểm mà phải làm thật!

Ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên, đánh giá việc phân làn giao thông của tỉnh có rất nhiều bất cập. Toàn bộ QL 1, QL 25, QL 29 qua địa phận tỉnh Phú Yên đều sử dụng làn đường hỗn hợp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn. Theo ông Trí, việc phân định rạch ròi làn đường dành cho xe cơ giới và làn đường xe thô sơ là điều mong mỏi của không chỉ ngành giao thông nhưng việc này là không dễ. "Muốn tách làn thì phải có lan can mềm phân định. Chỉ riêng QL 1, sẽ phải tốn một khoản kinh phí rất lớn cho hạng mục này, không dễ gì thực hiện" - ông Trí nêu lý do.

Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ), đánh giá không chỉ khu vực QL 1 đoạn qua huyện Bến Lức, tỉnh Long An - nơi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc vào ngày 2-1 vừa qua, mà trên toàn tuyến QL 1 chủ yếu bố trí mỗi chiều lưu thông 2 xe hỗn hợp cho cả xe cơ giới và xe thô sơ. Do đó, theo ông Thành, giải pháp hữu hiệu là phải mở rộng đường và ở mỗi chiều xây thêm dải phân cách để tách giữa 2 làn ôtô và 1 xe máy. Dù việc này buộc phải giải phóng mặt bằng và chi phí không hề nhỏ nhưng không thể không làm. Trước mắt, trên trục QL 1, Cục Quản lý đường bộ IV kiến nghị nâng cấp, cho làm thí điểm, mở rộng các ngã tư có lưu lượng xe máy nhiều để xây dải phân cách, tách làn.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng cần phải có hành động cụ thể để hạn chế thấp nhất tình trạng "giết người hàng loạt" như vụ tai nạn vừa qua ở Long An. "Bây giờ đừng nói thí điểm nữa mà phải làm thật luôn, kể cả ở Hà Nội hay trên bất kỳ tỉnh, thành nào của cả nước. Không nên đưa ngân sách hàng tỉ đồng ra mà thí điểm mãi được. Ở những tuyến đường rộng, trục QL có mật độ lưu thông cao, nếu tách được thì làm ngay, còn những đoạn nào hẹp thì tiếp tục mở rộng và cứ thể làm cho bằng được" - ông Thủy góp ý. 

TP HCM: Chỉ có 4,8% đường được phân tách làn

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP HCM), cho biết toàn TP có khoảng 4.200 km đường giao thông, trong đó chỉ có khoảng 200 km đường được phân tách làn giữa ôtô và xe máy, chiếm 4,8%. Những tuyến đường được phân tách làn tập trung chủ yếu ở tuyến vành đai, đường ra vào cảng.

Cụ thể, các tuyến đã được tách làn riêng như: Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Nguyễn Văn Linh, Quốc lộ 1 (từ cầu Đồng Nai đến vòng xoay An Lạc), Trường Chinh (từ Cộng Hòa đến ngã tư An Sương, Quốc lộ 22)... Hiện các tuyến thuộc vành đai 2 cùng các tuyến đường vào cảng Cát Lái như Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Võ Chí Công (từ vòng xoay Mỹ Thủy đến cầu Phú Hữu) do có nhiều xe tải trọng nặng lưu thông nên cũng đã được phân tách làn. Ngoài ra, những đường khu vực nội đô có vận tốc khai thác giữa ôtô và xe 2 bánh khác nhau như Phạm Văn Đồng, Điện Biên Phủ cũng được tách làn để các phương tiện lưu thông an toàn.

Ông Đường cho hay để phân tách làn giữa 2 loại xe thì mỗi hướng phải có từ 3 làn xe (tương đương với 12 m) trở lên. Theo kế hoạch của Sở GTVT TP, trong quá trình nâng cấp, mở rộng các tuyến đường trục lớn, nếu đủ điều kiện thì sẽ tách riêng 2 phần đường cho ôtô và xe 2 bánh. Riêng khu vực nội đô, sở này không có kế hoạch tách làn. Tuy nhiên, TP đã xác lập vành đai cấm các xe tải nặng vào nội đô trong thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau nhằm kéo giảm TNGT.

Bên cạnh đó, Sở GTVT TP cũng hạn chế tốc độ lưu thông ở các tuyến đường nội đô. Cụ thể, khu vực đông dân cư mà đường có dải phân cách thì cho phép tốc độ tối đa là 60 km/giờ, không có dải phân cách thì cho phép 50 km/giờ.

S.Đông

Nhóm phóng viên (NLĐ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem