Từ vụ tấn công ở Đắk Lắk, nguyên Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Lạng chia sẻ bài học xử lý điểm nóng (Bài cuối)

Ngọc Giàu Thứ hai, ngày 19/06/2023 19:00 PM (GMT+7)
Để kết thúc loạt bài, PV Báo Dân Việt có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lạng - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, người từng trực tiếp tham gia chỉ đạo xử lý 2 điểm nóng vào năm 2001 và 2004.
Bình luận 0

Vụ tấn công bằng súng vào trụ sở UBND xã tại Đắk Lắk vừa qua không chỉ khiến dư luận bất bình trước sự tàn nhẫn, man rợn của các đối tượng chống phá mà còn để lại sự xót xa trước những hi sinh mất mát của các cán bộ, chiến sĩ và người dân vô tội.

Loạt bài "Sau vụ tấn công ở Đắk Lắk: Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vững niềm tin theo Đảng" do PV Dân Việt thực hiện hy vọng sẽ truyền tải những thông điệp từ những người có uy tín và tầm ảnh hưởng đến người dân, đồng bào là người dân tộc thiểu số trên địa bàn…, góp phần tuyên truyền, kêu gọi đồng bào, đồng chí và chiến sỹ trên địa bàn tỉnh đoàn kết, tham gia tích cực vào phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", yên tâm lao động, sản xuất, góp phần vào sự ổn định, phát triển của địa phương, không nghe theo, làm theo lời kích động của các thế lực thù địch, phản động.

Nhanh chóng, kiên quyết nhưng phải… nhân văn

Chúng tôi gặp nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Lạng khi ông xuống thăm và trò chuyện với nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Y Luyện Niê Kđăm. Đây là hai lãnh đạo đã từng trực tiếp tham gia chống bạo loạn những năm 2001, 2004 lúc 2 ông còn đương chức. Khi đó, ông Lạng làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND tỉnh, còn Bí thư Tỉnh ủy là ông Y Luyện.

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Lạng cho rằng cần kiên quyết xử lý những đối tượng chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhưng bên cạnh đó cũng phải mềm mỏng để tuyên truyền, giải thích cho những người lầm đường lạc lối bị kẻ xấu xúi giục, dụ dỗ...

Nguyên chủ tịch tỉnh Đắk Lắk nói về cách xử lý bạo loạn năm 2001, 2004 - Ảnh 1.

PV Báo Dân Việt trò chuyện cùng nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Y Luyện Niê Kđăm và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Lạng Ảnh: N.G

Ông Lạng cho biết, bản thân và ông Y Luyện là "cặp bài trùng", luôn coi nhau là anh em, ông gọi ông Y Luyện là "Anh hai Y Luyện" và cả hai rất thống nhất về chủ trương đường lối trong công tác điều hành. "Bí thư nói, Chủ tịch làm ngay và ngược lại khi Chủ tịch trình, đồng chí Bí thư đồng ý ngay", ông Lạng chia sẻ.

Kể lại sự kiện bạo loạn năm 2001, ông Lạng cho biết, ông nhớ như in bởi vụ việc này xảy ra đúng thời điểm Đắk Lắk tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh (ngày 3/2/2001). Theo kế hoạch, đại hội diễn ra 3 ngày. Tuy nhiên, trong lúc diễn ra đại hội, ông và Bí thư Y Luyện nhận được tin từ cơ sở báo lên, bà con đồng bào dân tộc thiểu số dưới buôn làng có những biểu hiện lạ như: Họ đi mua thực phẩm và xăng dầu rất nhiều. Nhận thấy bất thường, Bí thư Y Luyện chỉ đạo họp nội bộ khẩn và đưa ra quyết định rất nhanh: Xin phép lãnh đạo Trung ương (lúc đó đang tham dự đại hội) kết thúc đại hội sớm.

Nguyên chủ tịch tỉnh Đắk Lắk nói về cách xử lý bạo loạn năm 2001, 2004 - Ảnh 2.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Y Luyện Niê Kđăm và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Lạng (trái). Ảnh: N.G

Sau khi đại hội kết thúc sớm, tỉnh đã triển khai kế hoạch lập các chốt, khoanh vùng ngoại ô vào TP.Buôn Ma Thuột bằng cách giăng bùng nhùng, kẽm gai, huy động xe ben chở đá, cát chặn đường vào thành phố…

Đúng như dự đoán, sáng sớm ngày hôm sau, đoàn người là bà con đồng bào dân tộc thiểu số từ nhiều nơi di chuyển bằng xe công nông lên TP.Buôn Ma Thuột. Thời điểm đó, Bí thư Y Luyện đưa ra phương án chặn đường di chuyển của bà con bằng cách giao cho đặc công cắt dây curoa để dừng xe công nông.

Chỉ đạo này ngay lập tức được triển khai và có tác dụng. Xe công nông mà không có dây curoa sẽ không chạy được. Cách này ngăn được sự di chuyển của bà con vừa rất nhân văn vì không gây thiệt hại cho bà con bởi theo ông Lạng: "Chiếc xe công nông của người dân Tây Nguyên giống như con trâu (đầu cơ nghiệp) của bà con vùng xuôi. Nếu xử lý không khéo gây thiệt hại lớn đến tài sản của bà con, trong khi đó, mình biết họ chỉ vì nhẹ dạ cả tin mới nghe lời xúi giục của bọn xấu", ông Lạng nói.

Nguyên chủ tịch tỉnh Đắk Lắk nói về cách xử lý bạo loạn năm 2001, 2004 - Ảnh 3.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Lạng thăm hỏi, động viên lực lượng dân quân tự vệ đang làm nhiệm vụ tại xã Ea Tiêu (Cư Kuin, Đắk Lắk). Ảnh: N.G

Khi xe công nông không thể di chuyển, bà con xuống đường đi bộ để biểu tình. "Nhiều người tò mò ra xem đoàn người biểu tình khiến tình hình phức tạp, kẻ xấu lợi dụng trà trộn, chúng tôi đã lên loa yêu cầu người dân trở về nhà, nếu cán bộ đảng viên vi phạm sẽ bị kỷ luật.

Khi đi lên đến thành phố, có nhiều người nhất là phụ nữ, người già và trẻ nhỏ đã đói mệt. Lúc đó, chúng tôi tiếp tục huy động sinh viên người dân tộc thiểu số, học sinh trường dân tộc nội trú đến để vận động bà con đồng thời mua bánh mì, nước uống phát cho bà con đỡ đói", ông Lạng kể.

Ông Lạng cho biết, tiếp đó, các lãnh đạo, cán bộ là người dân tộc thiểu số, các nhân sĩ tri thức, mục sư Tin lành đã ra giải thích cho bà con, kêu gọi bà con trở về nhà, không nghe theo kẻ xấu. Tuy nhiên, bà con vẫn không nghe, một số người quá khích còn ném đá vào người cán bộ.

Nguyên chủ tịch tỉnh Đắk Lắk nói về cách xử lý bạo loạn năm 2001, 2004 - Ảnh 4.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Lạng luôn gần gũi, quan tâm bà con người đồng bào dân tộc thiểu số.

"Bấy giờ, chúng tôi đưa ra yêu cầu, bà con hãy cử người đại diện ra đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND. Những người đứng ngoài không được phép manh động nếu không sẽ bị nghiêm trị. Lúc này bà con đồng ý và chọn ra 10 người. Cuộc đối thoại diễn ra tại trụ sở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. Và những người tham gia đối thoại này đều bịt mặt rất kín. Sau đó, họ yêu sách thành lập nhà nước tự trị Đêga. Lúc này, chúng tôi càng củng cố hơn nhận định trước đó của mình đây là bạo loạn chính trị. Về sau, Trung ương cũng kết luận đây là cuộc bạo loạn chính trị", ông Lạng chia sẻ.

Cuộc họp báo đặc biệt với 28 tờ báo quốc tế và 62 câu hỏi

Sau khi tuyên truyền, vận động bằng nhiều cách, đến 5 giờ chiều, bà con đồng ý quay trở về nhà, chính quyền đã huy động toàn bộ xe khách, chở đồng bào về nhà.

Ngày hôm sau, bà con lại tụ tập biểu tình dưới huyện, lúc này tỉnh tiếp tục sử dụng biện pháp tuyên truyền, huy động lực lượng đoàn thể, già làng, trưởng buôn, người có uy tín tiếp tục thuyết phục; một mặt lực lượng chức năng tiến hành bắt những đối tượng xúi giục, kích động bà con. Từ những giải pháp kịp thời trên mới giải quyết êm thấm cuộc bạo loạn.

Nguyên chủ tịch tỉnh Đắk Lắk nói về cách xử lý bạo loạn năm 2001, 2004 - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Văn Lạng tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican năm 2004.

Cuộc bạo loạn năm 2001 thu hút sự quan tâm của dư luận cả trong nước và quốc tế. Bộ Ngoại giao nhận được rất nhiều ý kiến của các cơ quan báo chí nước ngoại tại Hà Nội muốn vào Tây Nguyên đề nghị công khai cuộc biểu tình đó là gì. Trước tình hình trên, Bí thư Tỉnh ủy trao quyền quyết định cho ông Lạng và sau đó hơn 1 tháng - ngày 9/3/2001 Đắk Lắk mở cuộc họp báo do ông Lạng chủ trì.

Đây là cuộc họp báo quy mô lớn đầu tiên liên quan đến sự kiện 2001 tại Đắk Lắk với sự tham gia của 28 tờ báo quốc tế (chưa kể cơ quan báo chí Việt Nam).

Nguyên chủ tịch tỉnh Đắk Lắk nói về cách xử lý bạo loạn năm 2001, 2004 - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Văn Lạng cùng Nhà sử học Dương Trung Quốc tham quan một mô hình nông nghiệp.

"Hôm đó nhà báo, phóng viên trong và ngoài nước ngồi chật hội trường. Họ trực tiếp đặt 62 câu hỏi liên quan đến sự kiện trên và đề nghị chúng tôi trả lời trực tiếp. Chúng tôi khẳng định với thế giới đây là bạo loạn chính trị và chúng tôi không để xảy ra chết người, không dùng quân đội để đàn áp. Điều này một lần nữa thể hiện tính nhân văn của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Cuối cùng, mọi việc được giải quyết êm thấm", ông Lạng nói.

Cũng liên quan đến sự kiện trên, ông Lạng cũng trực tiếp tiếp nhiều đoàn của các đại sứ quán, thứ trưởng ngoại giao một số nước trên thế giới, và các chức sắc tôn giáo nước ngoài, như Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ, Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican…

Ông Nguyễn Văn Lạng (quê Ninh Bình), ông học Đại học Lâm nghiệp 1970 – 1975. Ông Lạng từng 4 năm học tại Mátxcơva (ông có học vị Tiến sĩ).

Ông làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk (cũ) từ năm 1994. Năm 2001, ông được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk. Năm 2004, Đắk Lắk (cũ) tách thành 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, ông Lạng tiếp tục giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk (mới) cho đến năm 2005.

Sau đó, ông được điều động ra Hà Nội làm Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, kiêm Trưởng ban quản lý khu Công nghệ cao Hoà Lạc tới ngày 1/3/2013.

Sau đó, ông Lạng nghỉ và làm Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam, Chủ tịch Hội Thông tin KHCN Việt Nam, Chủ tịch hội đồng Viện nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng, Thành viên Hội đồng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, Chủ tịch Hội Hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Brazil, Viện trưởng Viện kiểm định chất lượng sản phẩm hàng hoá...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem