Từ vụ tiêu hủy 15 con chó của vợ chồng nghèo về Cà Mau tránh dịch: Có vi phạm quy định tiêu hủy vật nuôi?

Đình Việt Chủ nhật, ngày 10/10/2021 14:43 PM (GMT+7)
Chuyên gia pháp lý đã có những phân tích xung quanh vụ việc 15 con chó của đôi vợ chồng nghèo về Cà Mau tránh dịch Covid-19, đã bị cơ quan chức năng tiêu hủy.
Bình luận 0

Liên quan đến vụ việc 15 con chó của đôi vợ chồng nghèo đưa về Cà Mau bị tiêu hủy, ngày 10/10, ông Nguyễn Đức Thánh - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau - ký công văn yêu cầu các đơn vị có liên quan rà soát, cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc.

Có dấu hiệu phạm luật trong vụ Cà Mau tiêu hủy 15 con chó của vợ chồng nghèo về tránh dịch? - Ảnh 1.

15 con chó theo chủ rong ruổi về Cà Mau nhưng khi đến Cà Mau thì bị tiêu hủy - Ảnh: Cắt từ clip

UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Sở Y tế phối hợp Sở NNPTNT, UBND huyện Trần Văn Thời và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, thông tin cụ thể nội dung nêu trên cho báo chí, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước 10h ngày 11/10.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ Luật Đặng Văn Cường cho biết, luật phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định nghiêm cấm việc vận chuyển động vật có chứa mầm bệnh từ vùng dịch đến các địa phương khác bởi vậy, nếu đàn chó này dương tính với Covid-19, việc tiêu hủy là có căn cứ.

Tuy nhiên, trong sự việc này, nếu những con chó này không dương tính với Covid-19, cũng không mang mầm bệnh truyền nhiễm nào khác cho động vật, việc tiêu hủy là không có căn cứ. Chủ đàn chó có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định pháp luật.

Theo ông Cường, pháp luật Việt Nam không cấm nuôi chó mèo, các địa phương cũng không có địa phương nào quy định hạn chế việc nuôi chó mèo. 

Việc nuôi nhốt động vật phải tuân thủ các quy định của pháp luật về tiêm phòng, đảm bảo an toàn nơi công cộng, ra đường phải có người dắt, đeo rọ mõm, không đưa chó mèo vào một số khu vực cấm…

Còn việc tiêu hủy chó mèo chỉ thực hiện khi những con chó mèo đó mang mầm bệnh, có thể gây nguy hiểm cho người và động vật. Việc tiêu hủy động vật mang mầm bệnh cũng đã được quy định cụ thể. 

Ông Cường phân tích, theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y thì việc tiêu hủy động vật và sản phẩm của động vật mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được thực hiện như sau.

Động vật mắc bệnh, xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh thuộc danh mục các bệnh phải công bố dịch mà theo quy định phải tiêu hủy; sản phẩm của động vật bị giết mổ bắt buộc mà không sử dụng được và các chất độn chuồng, chất thải của động vật phải được đốt hoặc chôn sâu dưới đất theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thú y và phải bảo đảm quy trình kỹ thuật của cơ quan tài nguyên và môi trường.

Có dấu hiệu phạm luật trong vụ Cà Mau tiêu hủy 15 con chó của vợ chồng nghèo về tránh dịch? - Ảnh 3.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường. Ảnh: NVCC

Xác động vật mắc bệnh nhiệt thán và chất độn chuồng, chất thải của chúng phải được đốt, chôn và đổ bê tông các hố chôn động vật dưới sự giám sát, chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thú y cấp có thẩm quyền, theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân các cấp.

Trong trường hợp bắt buộc phải xây dựng các công trình trên hố chôn động vật, chủ công trình phải tuân theo mọi hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thú y cấp tỉnh trong việc đào, tiêu hủy toàn bộ các chất trong hố chôn, vệ sinh, tiêu độc môi trường tại nơi đó. Chủ công trình phải trả mọi chi phí cho việc này.

Điểm b khoản 3 và điểm a khoản 8 Điều 5 Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi quy định chủ vật nuôi có hành vi vứt xác động vật mắc bệnh truyền nhiễm không đúng nơi quy định bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với chủ vật nuôi.

Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy xác động vật; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi vi phạm.

Động vật, vật nuôi cũng là tài sản. Việc xử lý vi phạm, thu giữ vật nuôi phải đảm bảo có căn cứ, đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục luật định. 

Nếu thu giữ, tiêu hủy tài sản của công dân trái quy định pháp luật, người vi phạm tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra sẽ bị xử lý kỷ luật, bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự

Bởi vậy,Tiến sĩ Cường, trong vụ việc này cơ quan chức năng cần làm rõ căn cứ để tiêu hủy đàm chó, thủ tục để tiêu hủy đàn chó và thẩm quyền thực hiện đã đúng quy định của pháp luật hay chưa.

"Việc tiêu hủy vật nuôi, nếu cần thiết, cũng cần thực hiện theo đúng quy định pháp luật" - luật sư Cường cho hay.

Nếu phát hiện ra sai phạm, việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh thiếu khoa học, không đúng pháp luật, mang tính chất cực đoan cần phải rút kinh nghiệm và xem xét xử lý cán bộ.

Trong tình huống này nếu không đồng ý với biện pháp hành chính của chính quyền địa phương là tiêu hủy đàn chó, chủ đàn chó có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định pháp luật để đảm bảo công bằng, trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

"Nếu chưa có căn cứ cho thấy những con chó này mắc bệnh thì chính quyền địa phương nên yêu cầu gia đình nhốt, cách ly một thời gian mới là hành động cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật" – ông Cường nêu quan điểm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem