Từ vụ xử Đường "Nhuệ": Luật sư bỏ về khi tòa đang xét xử có vi phạm luật?

Phạm Hiệp Thứ bảy, ngày 20/11/2021 11:35 AM (GMT+7)
Luật sư khi đang tham gia tố tụng tại phiên tòa thì rời tòa, theo chuyên gia pháp lý, hành vi đó là không phù hợp.
Bình luận 0

Luật sư bỏ về ảnh hưởng đến quyền lợi của thân chủ tại tòa

Như Dân Việt đã đưa tin, thời gian qua trong quá trình xét xử một số vụ án, một số luật sư bào chữa cho các bị cáo vì cho rằng phiên tòa có vi phạm tố tụng nên quyết định rời tòa khi phiên tòa đang diễn ra.

Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, một luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội nhận định, hành vi tự ý bỏ phiên tòa không tham gia tố tụng là vi phạm điều 28 của quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư và còn có thể vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng.

Theo vị luật sư này, khi tham gia tố tụng mà luật sư nhận thấy cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không tuân thủ các quy định của pháp luật thì có thể kiến nghị, đề nghị, thậm chí có thể khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

Luật sư bỏ về khi tòa đang xét xử: Quyền lợi của thân chủ bị ảnh hưởng - Ảnh 1.

Chuyên gia pháp lý nhận định, việc luật sư bỏ về có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của thân chủ tại tòa. Ảnh minh họa

Ngoài ra, trong quá trình tiếp xúc với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, và trong quá trình tham dự phiên tòa, luật sư phải tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp ứng xử luật sư được quy định tại điều 27 bộ quy tắc, trong đó có một số nội dung như:

"Trước những hành vi sai trái, thái độ thiếu tôn trọng luật sư hay khách hàng của luật sư tại phiên tòa cũng như trong quá trình tố tụng, luật sư luôn giữ bình tĩnh và thực hiện quyền kiến nghị, yêu cầu thỏa đáng, hợp lệ, đúng pháp luật".

"Hành vi phản ứng với hội đồng xét xử bằng cách bỏ về của các luật sư là không phù hợp với quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư, có thể gây ra những dư luận xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi của thân chủ tại phiên tòa.

Những phản ứng của luật sư tại phiên tòa cũng có nguyên nhân của nó, bởi vậy trong trường hợp phản ứng của luật sư không phù hợp với đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư thì có thể bị xem xét xử lý kỷ luật.

Tuy nhiên nếu hội đồng xét xử không tuân thủ quy định của pháp luật, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự thì Viện Kiểm sát cũng có quyền có ý kiến ngay tại phiên toà. Đồng thời các luật sư cũng có quyền có văn bản kiến nghị xem xét trách nhiệm của cán bộ đã có sai phạm tại phiên tòa (nếu có)" – vị chuyên gia pháp lý nói.

Không nhất thiết phải phản ứng thái quá

Vị luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội dẫn chứng, việc luật sư bỏ về khỏi phiên tòa đã từng xảy ra trước đây, chính vì vậy khi xây dựng bộ quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp luật sư, Liên đoàn luật sư Việt Nam đã đưa vào tại điều 28 của bộ quy tắc.

Từ khi bộ quy tắc này được ban hành thì chưa có trường hợp nào các luật sư vi phạm quy tắc này đến mức phải bị xử lý. Vị luật sư nhìn nhận, việc các luật sư tự ý bỏ về không ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng của tòa án.

Luật sư bỏ về khi tòa đang xét xử: Quyền lợi của thân chủ bị ảnh hưởng - Ảnh 2.

Các luật sư của vợ chồng Đường "Nhuệ" tại phiên xét xử ngày 17/11 vừa qua rời tòa vì cho rằng có dấu hiệu vi phạm tố tụng. Ảnh: PH

Nếu luật sư tự ý rời khỏi phiên tòa thì tòa án vẫn xét xử bình thường, đây không phải là trở ngại khách quan, không phải là căn cứ để tòa án có thể hoãn phiên tòa. 

"Bởi vậy, việc luật sư rời khỏi phiên tòa với thái độ thiếu hợp tác thì chỉ thiệt hại cho thân chủ của mình và tạo ra hình ảnh xấu trong dư luận mà không mang lại một tác dụng gì đối với hoạt động nghề nghiệp của mình.

Việc luật sư tự ý bỏ phiên tòa ra về cũng là một hành vi vi phạm hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng, với sự việc như vậy thì khách hàng có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại" – vị chuyên gia nói.

Vị luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội nhấn mạnh, trường hợp phát hiện ra người tiến hành tố tụng không tuân thủ quy định pháp luật, vi phạm thủ tục tố tụng thì luật sư có quyền kiến nghị, đề nghị Viện Kiểm sát có ý kiến với vai trò là người giám sát hoạt động xét xử.

Trường hợp Viện Kiểm sát không thực hiện hoặc đại diện Viện Kiểm sát cũng có vi phạm tố tụng thì luật sư có quyền kiến nghị với lãnh đạo ngành tòa án, lãnh đạo viện kiểm sát để xem xét trách nhiệm đối với cán bộ vi phạm.

"Hành vi vi phạm hoạt động tố tụng của người tiến hành tố tụng có thể làm cho bản án bị hủy bỏ.

Bởi vậy, trong trường hợp phát hiện ra các hành vi vi phạm như vậy, luật sư đã kiến nghị nhưng không được xem xét giải quyết tại phiên tòa thì hoàn toàn có quyền đề nghị lãnh đạo hoặc tòa án cấp trên xem xét giải quyết chứ không nhất thiết là phải có những phản ứng thái quá, không phù hợp với chuẩn mực đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư" – chuyên gia pháp lý nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem