Tung "ảnh nóng" của người khác lên mạng xã hội có thể bị phạt tù

Lê Chiên (thực hiện) Thứ ba, ngày 12/01/2016 12:44 PM (GMT+7)
Khung hình phạt nào cho hành vi đưa thông tin, hình ảnh nhạy cảm của người khác lên các trang mạng xã hội? Những quy định và chế tài hiện hành liệu đã đủ sức răn đe? Mỗi cá nhân cần làm gì để tự bảo vệ mình?
Bình luận 0

Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Công ty Luật Đức An, Hà Nội) xung quanh vấn đề này.

img

Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Trong một số trường hợp còn có thể bị phạt tù đến ba năm. Ảnh minh họa

Vừa qua một nữ hành khách tại Hà Nội bị tài xế Uber đăng tải thông tin cá nhân lên trang web khiêu dâm. Bà T ở thành phố Hồ Chí Minh bị bạn tình cũ tung ảnh nhạy cảm cùng những thông tin có nội dung thô tục, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm  lên Facebook. Những hành vi này đã vi phạm quy định nào của pháp luật, thưa bà?

- Những hành vi đó không những đã vi phạm quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng mà còn vi phạm quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật dân sự.

Bí mật đời tư của cá nhân là một trong những quyền nhân thân của con người và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý đồng thời thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật (Ðiều 38 Bộ luật Dân sự 2005).

Việc tài xế taxi Uber tiết lộ thông tin nữ hành khách lên nhóm nói chuyện mà không có sự đồng ý của chị ta là một hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên thông tin của nữ hành khách bị phát tán trên trang website khiêu dâm và do tài xế này thực hiện, hiện chưa đủ cơ sở để khẳng định. Nữ hành khách nếu nghi ngờ nên trình báo với cơ quan điều tra để xác minh sự việc. Trong trường hợp, có đủ bằng chứng, chị này có thể khởi kiện tới tòa án hoặc tố cáo anh tài xế với cơ quan công an về hành vi của anh ta và yêu cầu được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của mình (theo Điều 37 Bộ luật dân sự 2005 về Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín).

Đối với việc bà T bị người tình cũ tung ảnh nhạy cảm và có những lời bình luận xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của bà, đương nhiên đó là hành vi vi phạm pháp luật và đã được tòa án xử lý như báo chí phản ánh.

Mức xử lý cho những hành vi này như thế nào?

- Để xác định người có hành vi vi phạm bị xử lý hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự thì cần có nhiều căn cứ.

img

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo

Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm g, Khoản 3, Điều 66 Nghị định 174/2013 NĐ-CP. Theo đó, hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Tại Điểm b, d Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15.7.2013 ghi rõ: Nghiêm cấm lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích: - Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; Và Khoản 4, Điều 26 Nghị định này cũng  quy định: Người sử dụng dịch vụ mạng xã hội phải “Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập.”

Bên cạnh đó khi quyền nhân thân bị xâm phạm thì người đó có quyền: yêu cầu bồi thường thiệt hại (theo quy định tại Điều 25, Bộ luật dân sự) bao gồm, bồi thường thiệt hại cả về vật chất và bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại (Điều 307, Bộ luật Dân sự).

Khi nào thì những hành vi nêu trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

- Hành vi nêu trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 121 Bộ luật Hình sự năm 1999. Điều luật này quy định: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Trong một số trường hợp còn có thể bị phạt tù đến ba năm.

Việc buộc  xin lỗi, cải chính công khai là yêu cầu chính đáng nhưng hình như chưa có quy định xin lỗi công khai trong trường hợp bôi xấu người khác trên mạng xã hội?

- Khoản 3, Điều 307 Bộ luật dân sự quy định: “Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại”. Việc xin lỗi công khai chưa có những quy định cụ thể.

Về nguyên tắc hành vi vi phạm xảy ra ở đâu thì xin lỗi ở đó, như xin lỗi ngay tại phiên tòa, hoặc xin lỗi tại khu dân cư… nhưng vi phạm xảy ra ở trên mạng xã hội thì luật pháp chưa dự liệu. Với tốc độ phát triển công nghệ thông tin như hiện nay thì các nhà làm luật cần sớm có quy định cụ thể về vấn đề này.

Xin cảm ơn luật sư!

Chủ đề "Bẫy tình thời @"

Khi người yêu dụ chụp "ảnh nóng": Đừng để bị coi là "đồ chơi"

Khốn đốn vì bị hạ nhục bằng ảnh nóng trên Facebook

Cái kết đắng ngắt của những vụ tung ảnh nóng, clip sex

"Tự sướng" bằng ảnh "nóng", clip sex - bẫy tình thời @

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem