Từng dẫn đầu thế giới về chip vi mạch, Nhật Bản giờ tụt hậu
Từng dẫn đầu thế giới về chip vi mạch, Nhật Bản giờ tụt hậu
Huỳnh Dũng
Chủ nhật, ngày 01/01/2023 08:53 AM (GMT+7)
Đối với Nhật Bản, từng là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới cùng với Hoa Kỳ, nơi sản sinh ra chất bán dẫn, sự suy giảm năng lực sản xuất chip kéo dài hàng thập kỷ đã khiến quốc gia này phải cố gắng bắt kịp.
Một trong những yếu tố đằng sau nỗ lực hồi sinh ngành công nghiệp chip bán dẫn của Nhật Bản là vị thế ngày càng xấu đi của nước này trên thị trường toàn cầu. Tỷ lệ sản xuất chip toàn cầu của nước này từng đạt ở mức hơn 50% vào năm 1988, nhưng tỷ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 10% ở hiện nay.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cho rằng, sự thống trị đang mờ dần của Nhật Bản là do một số yếu tố, bao gồm cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản về chip nhớ, cả việc Nhật Bản không áp dụng mô hình sản xuất tích hợp theo chiều ngang, chậm trễ trong quá trình số hóa và dẫn đến thiếu nhu cầu, nỗi ám ảnh về khả năng tự cung tự cấp và thiếu đầu tư trong ngành.
Hơn nữa, các xưởng đúc chip trong nước đã lỗi thời và không có khả năng sản xuất chip cao cấp.
Bên cạnh đó, vào năm 2020, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến các nhà máy sản xuất chip phải đóng cửa, mà nhu cầu về thiết bị điện tử tăng đột biến từ những người phải ở nhà vì đại dịch, sự gia tăng bất thường này đã làm hạn chế nguồn cung nghiêm trọng.
Theo lời của Yoshihiro Seki, một nhà lập pháp đứng đầu một nhóm nghiên cứu về chất bán dẫn, sự thiếu hụt chip — một đòn giáng vào "đầu não" của nền kinh tế Nhật Bản — đã đánh thức cả nước về sự mong manh của chuỗi cung ứng làm nền tảng cho các ngành công nghiệp quan trọng nhất của nước này.
Điều đó đã thúc đẩy sự xem xét lại rộng rãi về cách Nhật Bản có thể bảo vệ nền kinh tế của mình, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, chống lại cả những cú sốc kinh tế không lường trước được như đại dịch, và những rủi ro lờ mờ như căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Trước tình hình này, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cũng đã xem xét và công bố hàng loạt chiến lược phát triển ngành bán dẫn, nhằm kêu gọi tăng cường khả năng phục hồi trong cơ sở công nghiệp trong nước.
Việc xem xét lại bao gồm một loạt các lĩnh vực, bao gồm cả năng lượng, nhưng chất bán dẫn là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Để tăng sản lượng, chính phủ Nhật Bản đang đầu tư hàng tỷ đô la vào ngành công nghiệp chip trong nước, và cung cấp các khoản trợ cấp khổng lồ cho các liên doanh với các công ty từ Đài Loan, một nhà cung cấp chất bán dẫn quan trọng của Nhật Bản nói riêng và toàn cầu nói chung.
Trong đó, Đạo luật Thúc đẩy An ninh Kinh tế cũng đã được thông qua vào tháng 5/2022, nhằm tăng cường chuỗi cung ứng cho hàng hóa chiến lược. Để đạt được mục tiêu này, chính phủ đã đặt tên cho 11 lĩnh vực chính. Một trong những lĩnh vực quan trọng nhất là chất bán dẫn, bởi nhà sản xuất hàng đầu Đài Loan đang phải đối mặt với nguy cơ xung đột với Trung Quốc.
Phía Nhật Bản sẽ cung cấp khoản trợ cấp lên tới 476 tỷ yên (3,56 tỷ USD) cho một nhà máy mới của Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) ở Kumamoto, trên đảo Kyushu, cực nam của Nhật Bản, nó sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2024. Về mặt phát triển công nghệ, Tokyo đã hỗ trợ Rapidus, một nhà sản xuất chip tiên tiến trong nước được thành lập vào năm 2022.
Tháng 7/2021, chính phủ Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ cung cấp gần 690 triệu đô la cho một liên doanh giữa Kioxia, một công ty Nhật Bản và công ty Western Digital của Mỹ để nâng cấp một cơ sở sản xuất chip ở khu vực phía tây Kansai.
Họ cũng đang tìm cách thành lập một liên minh với các đồng minh như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu để xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn ít tập trung một chỗ hơn về mặt địa lý và cách ly tốt hơn trước các thảm họa và bất ổn địa chính trị.
Sáng kiến chip của Nhật Bản được ủng hộ bởi 80% các nhà lãnh đạo công ty
Hơn 80% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản ủng hộ nỗ lực thúc đẩy sản xuất chip bán dẫn trong nước của chính phủ, kết quả từ một cuộc khảo sát của tờ Nikkei hôm 30/12/2022 cho thấy. Những người trả lời cuộc khảo sát bao gồm khoảng 100 nhà lãnh đạo của các công ty lớn tại Nhật, phần lớn họ đồng ý rằng các biện pháp được đề xuất sẽ dẫn đến nguồn cung chip ổn định.
Mặc dù tình trạng thiếu hụt chip bắt đầu vào khoảng năm 2020 đã giảm bớt, nhưng những hạn chế về nguồn cung vẫn tồn tại - đặc biệt là đối với một số bộ phận và sản phẩm cũ hơn sử dụng chất bán dẫn.
Lãnh đạo một công ty phân phối lớn cho biết trong cuộc khảo sát: "Sự thiếu hụt chất bán dẫn, vốn là thành phần cốt lõi của xã hội số hóa của chúng ta, có thể khiến Nhật Bản tụt lại phía sau trong cuộc cạnh tranh năng suất toàn cầu trong tất cả các loại ngành công nghiệp".
Cuộc khảo sát về các chính sách của Nhật Bản cho thấy nhiều ý kiến tích cực từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Shingo Hamada, chủ tịch của nhà sản xuất thủy sản Nissui cho biết: "Thật mong muốn thúc đẩy sản xuất trong nước và phát triển nguồn nhân lực liên quan đến chất bán dẫn thông qua sự hợp tác giữa ngành công nghiệp-chính phủ và viện nghiên cứu phát triển chất bán dẫn".
Yuji Fukasawa, chủ tịch của East Japan, cho biết hỗ trợ sản xuất trong nước "không chỉ quan trọng đối với an ninh kinh tế và thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số của doanh nghiệp, mà còn từ góc độ thúc đẩy các ngành công nghiệp tăng trưởng trong nước, và nâng cao trình độ của toàn bộ nền kinh tế quốc gia nói chung".
Gần 3/4 số người được hỏi, tương đương 74,6%, cho biết họ bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn bắt đầu từ khoảng năm 2020. Trong số này, 91,4% cho biết tác động của thực trạng này vẫn còn tiếp tục. Tình trạng thiếu hụt đã giảm bớt phần nào khi nhu cầu về điện thoại thông minh và máy tính cá nhân đã hạ nhiệt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.