Tuổi Tuất làm lãnh đạo ngân hàng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo thành tỷ phú USD

Nguyễn Ngân Thứ bảy, ngày 17/02/2018 08:18 AM (GMT+7)
Điểm mặt những lãnh đạo ngân hàng cho thấy rất nhiều người tuổi Tuất giữ chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc tại các NHTM. Nhiều cái tên gây được dấu ấn với thị trường, đặc biệt là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, phó chủ tịch HĐQT HDBank trở thành nữ tỷ phú USD trong năm 2017.
Bình luận 0

Người tuổi Tuất có nhiều thăng trầm trong cuộc sống, đặc biệt là năm Mậu Tuất dưới ảnh hưởng của Thái Tuế, người tuổi Tuất thu nhập sẽ không được dồi dào như mong đợi và nên tập trung vào công việc chính... Dù vậy, không ít những người tuổi Tuất đã công thành, danh toại. Chỉ tính sơ các vị trí cấp cao trong HĐQT đương nhiệm của 35 ngân hàng nội đã thấy một con số thú vị: trung bình cứ 5 nhà băng lại có người tuổi Tuất làm Chủ tịch/ Phó Chủ tịch. Những lãnh đạo tuổi Tuất như Mậu Tuất, Canh Tuất điều hành ngân hàng thậm chí còn nhiều hơn.

Nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HDBank

img

Nhắc đến tuổi Tuất làm CEO ngân hàng không thể không nhắc đến cái tên Nguyễn Thị Phương Thảo. Bà Thảo sinh năm 1970 và đảm nhận vị trí Phó chủ tịch HĐQT HDBank. Bà Thảo được đánh giá là người có vai trò lớn trong quá trình phát triển HDBank khi mua lại phần lớn cổ phần ngân hàng này rồi từng bước tái cấu trúc nó. Điểm nhấn của bà khi tham gia vào cổ đông lớn của ngân hàng này là sáp nhập DaiABank vào hệ thống và là ngân hàng đầu tiên mua lại công ty tài chính HDFinane để đón xu hướng vay tiêu dùng ngày càng phát triển của thị trường Việt Nam. Hai thương vụ lớn này đã tạo sức bật cho HDBank trong thời gian qua.

Bà Thảo trở thành nữ tỷ phú USD năm 2017. Tuy nhiên, với sự kiện cổ phiếu HDB của HDBank niêm yết trên sàn chứng khoán hồi tháng 1.2018, tài sản  của bà Thảo tăng mạnh. Bà Thảo hiện đang sở hữu gần 36 triệu cổ phiếu HDB tương đương giá trị hơn 1.677,6 tỷ đồng (tính theo mức giá chốt phiên giao dịch ngày 13.2.2018) và 168,5 triệu cổ phiếu VJC với giá trị gần 33.531,5 tỷ đồng (tính theo mức giá chốt phiên ngày 13.2.2018). Tổng giá trị cổ phiếu bà Thảo đang sở hữu trên thị trường chứng khoán đạt gần 35.209 tỷ đồng. Bà Thảo hiện là tỷ phú USD thứ 2 của Việt Nam được Fober công nhận sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Vietinbank

img

Cũng sinh năm Canh Tuất (1970), ông Lê Đức Thọ hiện đang giữ chức Tổng giám đốc VietinBank và là thủ lĩnh của hơn 23.700 cán bộ ngân hàng dưới quyền. Ở tuổi 48, ông Thọ đã đảm nhận vị trí này được gần 4 năm trong gần 36 năm làm việc tại VietinBank, không kể khoảng thời gian một năm ở vị trí Chánh văn phòng NHNN ngay trước khi ông đảm nhận vị trí Tổng giám đốc.

Đầu quân vào VietinBank từ vị trí cán bộ kế toán chi nhánh, ông Lê Đức Thọ kinh qua nhiều vị trí, từ Tổ trưởng Tổ thẩm định chi nhánh, phó trưởng phòng cân đối tổng hợp, trưởng phòng đầu tư rồi sau đó là là 4 năm ở vị trí Phó Tổng giám đốc VietinBank.

Kể từ khi ông Thọ đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc, lợi nhuận Vietinbank năm sau cao hơn năm trước, cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt 7.300 tỷ đồng, năm 2015 tăng lên 7.360 tỷ đồng, đến năm 2016 đạt 8.530 tỷ đồng và năm 2017 vừa qua đạt hơn 9.200 tỷ đồng. Cùng với đó là tổng tài sản Vietinbank vượt lên 1,1 triệu tỷ đồng và nợ xấu ở mức thấp, dưới 1% và mua lại hết nợ xấu từ VAMC.

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank

img

Cũng năm Canh Tuất (1970), ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank là một cái tên không thể không nhắc đến trong giới lãnh đạo ngân hàng. Tham gia HĐQT của Techcombank từ năm 2004, ông chính thức đảm nhận vị trí Chủ tịch ngân hàng từ năm 2008, đồng thời còn là Phó Chủ tịch HĐQT Masan Group.

Trước khi ông trở thành lãnh đạo ngân hàng, Masan – Rus Trading cũng là nơi ông làm Tổng giám đốc từ năm 1997 khi ông 27 tuổi. Công việc tại Masan và Techcombank vẫn được ông làm song song.

Techcombank là một trong những NHTM cổ phần có sự bứt phá trong những năm qua. Năm 2017  nhờ xử lý mạnh tay các khoản nợ xấu và hoạt động kinh doanh bán lẻ khởi sắc đã đem về cho ngân hàng khoản lợi nhuận không ngờ là hơn 8.000 tỷ đồng, đứng thứ 2 trong nhóm ngân hàng cổ phần. Năm 2018, ngân hàng đã lên kế hoạch lãi trên 10.000 tỷ đồng, bán cổ phần cho đối tác ngoại và đưa cổ phiếu niêm yết trên HoSE.

Tính đến tháng 11.2017, ông Hồ Hùng Anh đang sở hữu 13,1 triệu cổ phiếu TCB. Khi ngân hàng này niêm yết, cùng với lượng cổ phần đang nắm giữ tại Masan, ông Hồ Hùng Anh sẽ trở thành một trong những người giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank

img

Sinh năm 1958 (Mậu Tuất), ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank bén duyên với lĩnh vực ngân hàng ở tuổi 41. Nhìn lại sự nghiệp ở tuổi 60, khó có thể phủ nhận ông Nguyễn Đức Vinh là một vị CEO tài năng. Trước đó, ông Vinh đã có 16 năm làm việc tại Vietnam Airlines, qua nhiều vị trí phòng ban rồi đảm nhận vị trí Phó tổng giám đốc năm 1993, sau đó là trợ lý Tổng giám đốc năm 1998.

Tới năm 1999, ông Vinh làm cấp Phó tại Techcombank rồi nhanh chóng trở thành Tổng giám đốc của ngân hàng tư nhân này vào năm 2000 và 11 năm tiếp sau đó. Nền tảng được xây dựng trong hơn 1 thập kỷ dưới sự điều hành của ông Vinh từ công nghệ, con người...

Tới năm 2012, ông rời Techcombank và trở thành Tổng giám đốc của VPBank - một ngân hàng được đánh giá là nhỏ hơn, non trẻ hơn thời điểm ấy. 5 năm đầu tiên theo đuổi chiến lược bán lẻ dưới bàn tay chèo lái của ông Vinh, lợi nhuận của VPBank đã tăng lên 8.100 tỷ đồng từ mức 949 tỷ đồng hồi 2012, gấp 8,5 lần!

Đến nay, cả hai ngân hàng này đều trở thành những tên tuổi lớn trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ. Với lợi nhuận trên 8.000 tỷ đồng, VPBank và Techcombank thu hẹp đáng kể khoảng cách với 3 ông lớn quốc doanh. Sự phát triển của hai nhà băng trên ít nhiều đều có dấu ấn của ông.

Ông Trần Anh Tuấn, Ủy viên HĐQT phụ trách điều hành BIDV

img

Sinh năm 1958 (Mậu Tuất), ông Trần Anh Tuấn hiện đang là người đứng đầu phụ trách điều hành Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Bén duyên với ngành ngân hàng năm 22 tuổi tại BIDV Gia Lai - Kon Tum, ông Tuấn có 17 năm gắn bó với chi nhánh Gia Lai trước khi về hội sở đảm nhận vai trò Phó Tổng giám đốc (1998-2007). Tiếp đó, ông trở thành Tổng giám đốc của BIDV nhiệm kỳ 2008-2012, cùng với Chủ tịch khi đó là ông Trần Bắc Hà. Sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu vào năm 2016, ông Tuấn đã được giao nhiệm vụ điều hành HĐQT dù không đại diện phần vốn nhà nước.

Sau 38 năm cống hiến cho BIDV nói riêng và ngành ngân hàng nói chung, ông Trần Anh Tuấn đến tuổi hưu ngày 1.4 tới đây có thể sẽ đặt ra bài toán khó về nhân sự cho BIDV.

Bà Thái Hương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc BacABank

img

Cùng sinh năm 1058 (Mậu Tuất), 2 người bạn là bà Trần Thị Thoảng và bà Thái Hương đang là những người đứng đầu BacABank. Bà Thoảng là Chủ tịchHĐQT BacABank, một người dường như không được biết đến trên truyền thông. Bà Thái Hương, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc BacABank có gần 30 năm gắn bó với ngành ngân hàng.

Là những người bạn trên giảng đường đại học, hai vị nữ tướng của BacABank sau tốt nghiệp cử nhân kinh tế tại trưởng Cao đẳng Quản trị Kinh doanh (nay Đại học Tài chính quản trị Kinh doanh) đều công tác tại Ban vật giá tài chính tại 2 tỉnh khác nhau. Bà Thái Hương rời cơ quan nhà nước sau 3 năm và lập nghiệp với công ty Vật liệu Xây dựng Hương Hà, tiếp đó là BacABank. Còn với bà Thoảng, bà làm việc tại Ban tài chính vật giá thị xã Cẩm Phả 9 năm. Ở tuổi 32, bà chuyển sang làm việc tại BacABank vào năm 2000 với vị trí đầu tiên được giao lại chính là vị trí lớn nhất - Chủ tịch HĐQT.

Ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT NamABank

img

Ông Toàn sinh năm 1970. Ông chính là con trai của cố đại gia đất Bình Định Tư Hường. Không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng, ông cũng từng là lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất, bất động sản. Ông cũng được truyền thông biết đến nhiều hơn khi là vị hôn phu của Á hậu Dương Hương Thiên Lý.

Đảm nhận vị trí Chủ tịch NamABank từ năm 2014 nhưng thực tế ông cũng là thành viên trong ban cố vấn HĐQT của nhà băng này giai đoạn 2007-2009. Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động, vốn điều lệ của NamABank vẫn ở mức khá khiêm tốn (3.021 tỷ đồng), nhỉnh hơn không nhiều so với mức vốn tối thiểu mà một ngân hàng phải có.

Ông Nguyễn Đình Lâm, Chủ tịch PVcombank

img

Cũng sinh năm 1970, ông Nguyễn Đình Lâm, Chủ tịch HĐQT PvcomBank đã kinh qua nhiều công việc, mảng, lĩnh vực từ xây dựng, dầu khí, điện khí. Đến năm 2008 khi bước sang tuổi 38, ông mới bước sang làm việc tại một công ty tài chính, cụ thể là vị trí Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí PVFC. Hơn một năm sau, ông trở thành Chủ tịch HĐQT công ty này. Thương vụ PVFC sáp nhập Western Bank đã lập ra một nhà băng mới, chính là PVcomBank ngày nay. Ông Lâm tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của ngân hàng. PVcomBank thuộc diện ngân hàng phải tái cơ cấu, tuy nhiên, năm vừa qua cũng cho thấy hoạt động ngân hàng có những chuyển biến tích cực.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT PGBank

img

Khác với ông Tuấn, Chủ tịch HĐQT PGBank Bùi Ngọc Bảo (1958) khởi nghiệp lại là một kỹ sư dầu khí. Tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với “anh cả” ngành xăng dầu - Petrolimex, cũng chính là nơi ông đã cống hiến gần 30 năm qua.

Với 6 năm trên cương vị Tổng giám đốc và 8 năm là Chủ tịch, ông Bùi Ngọc Bảo đã góp phần đưa Petrolimex giữ vững vị trí số một trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu với doanh thu hơn 150.000 tỷ mỗi năm, lớn nhất trên sàn chứng khoán. Petrolimex cũng đã huy động vốn thành công và lựa chọn được cho mình một cổ đông chiến lược là doanh nghiệp xăng dầu số 1 Nhật Bản JX Nippon Oil & Energy.

Giai đoạn khi các Tập đoàn kinh tế được khuyến khích phát triển đa ngành, Petrolimex cũng “lấn sân” thêm sang các ngành kinh doanh khác trong đó có ngân hàng. Điều đặc biệt là Tập đoàn không đầu tư tài chính mà đầu tư vào công ty, đa ngành nhưng thực chất để phục vụ bán lẻ xăng dầu, gắn kết với ngành kinh doanh chính.

Việc góp vốn vào Ngân hàng Nông thôn Đồng Tháp Mười mà nay là PGBank hồi năm 2007 cũng tương tự. Tận dụng lợi thế từ Petrolimex, PGBank đưa ra các sản phẩm độc lạ như thanh toán tiền xăng bằng thẻ, rút tiền tại các điểm cửa hàng xăng dầu.

Nhưng Petrolimex đã sớm có kế hoạch để PGBank sáp nhập với VietinBank từ 3 năm trước nhưng chưa thành.

Ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch TPBank

img

Cùng tuổi và có phần giống ông Bảo trên con đường rẽ sang lĩnh vực ngân hàng, ông Lê Quang Tiến được biết tới là nhân vật chủ chốt tại các đơn vị tư nhân là FPT và TPBank. Thực tế, trước khi là một trong thành viên sáng lập FPT, ông đã có thời gian làm cán bộ giảng dạy tại Viện Kỹ thuật quân sự.

Bước rẽ với nghiệp tài chính đến khi tại công ty do ông đồng sáng lập - FPT, ông được giao làm Giám đốc tài chính đầu tiên. Rồi tới khi FPT góp vốn thành lập TPBank năm 2008, ông Tiến cũng chính là người được chọn cho vị trí Chủ tịch ngân hàng. Sau cuộc đổi chủ vào năm 2011, dù FPT chỉ còn sở hữu trên 9% vốn nhưng ông Lê Quang Tiến vẫn tiếp tục được giữ lại trong HĐQT của TPBank và ngồi ghế Phó Chủ tịch cho đến nay.

Ông Nguyễn Hữu Đặng, Tổng giám đốc HDBank

img

Cũng phần lớn thời gian làm việc gắn bó với một ngân hàng, ông Nguyễn Hữu Đặng đang được giao giữ vị trí đứng đầu ban điều hành HDBank. Từ một nhân viên phòng kinh doanh của HDBank, qua nhiều nấc thang trong sự nghiệp, ông Đặng trở thành Phó Tổng giám đốc năm 2007 và Tổng giám đốc HDBank năm 2010.

Trên đây chỉ là 12 nhân sự cấp cao trong HĐQT và ban lãnh đạo ngân hàng, có người theo nghề này từ khi còn rất trẻ, có những người rẽ ngang sang làm ngân hàng, nhưng họ đã ghi đậm dấu ấn của mình trong ngành này. Rất nhiều những người tuổi Tuất khác cũng đang thành công trong lĩnh vực này như Phó Tổng giám đốc điều hành SeABank Lê Văn Tần, Phó Tổng giám đốc Phạm Quốc Thanh, Phó Tổng giám đốc VietinBank Nguyễn Đức Thành, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Gấm, Giám đốc khối nguồn vốn Techcombank Vũ Minh Trường... Một vài người tuổi Tuất sinh năm 1982 cũng đã bước chân vào dàn lãnh đạo cấp cao của ngân hàng, viết dài thêm danh sách người làm ngân hàng tuổi Tuất các năm sau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem