Tướng Đồng Sỹ Nguyên:16 tuổi vào Đảng, 23 tuổi là đại biểu Quốc hội

PV Thứ hai, ngày 08/04/2019 19:30 PM (GMT+7)
Tên tuổi của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ngoài gắn với con đường Trường Sơn huyền thoại, cuộc đời và sự nghiệp của ông còn có những dấu mốc đặc biệt khác mà ít ai biết.
Bình luận 0

img

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từ trần ngày 4.4.2019, ở tuổi 96 (ảnh IT).

Trung tướng  Đồng Sỹ Nguyên (tên khai sinh Nguyễn Hữu Vũ, Bí danh Nguyễn Văn Đồng), sinh ngày 01.3.1923; quê quán xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông tham gia hoạt động cách mạng năm 1938, được kết nạp vào Đảng tháng 12.1939. Như vậy ông vào Đảng từ khi 16 tuổi.

Ông là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; Đại biểu Quốc hội các khóa I, VI, VII, VIII. Đáng chú ý, tại cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa 1 năm 1946, ông Đồng Sỹ Nguyên đã trúng cử khi mới 23 tuổi.

Ông cũng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng như Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thứ trưởng thường trực rồi Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay Phó Thủ tướng), kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Quá trình công tác của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên như sau:

Năm 1940, ông làm Bí thư Chi bộ xã. Năm 1941, ông làm Phủ ủy viên lâm thời huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Từ năm 1942 đến tháng 02.1945, ông làm Ủy viên Ban cán sự tỉnh Quảng Bình phụ trách hai huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa. Tháng 8.1945, ông được chỉ định vào Thường vụ Tỉnh ủy và làm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Quảng Bình.

Từ năm 1946 đến năm 1948, ông làm Bí thư Huyện ủy, kiêm Chính trị viên Huyện đội, Huyện đội trưởng huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Tháng 5.1948, ông làm Tỉnh ủy viên, Chính trị viên, kiêm Tỉnh đội trưởng tỉnh Quảng Bình.

Từ năm 1949 đến năm 1950, ông được cử đi học lớp quân sự Bộ Tổng Tư lệnh, công tác ở Phòng Đảng vụ, Cục Chính trị.

Từ năm 1951 đến tháng 01.1954, ông làm Cục phó Cục Tổ chức, Phái viên của Tổng Tư lệnh trong các chiến dịch Điện Biên Phủ, Hoàng Hoa Thám, tham gia Bộ Chỉ huy và Đảng ủy  Mặt trận Trung Lào.

Năm 1956, ông phụ trách công tác trao trả tù binh ở Sầm Sơn và đón tiếp bộ đội miền Nam tập kết.

Từ tháng 4.1956 đến năm 1960, ông lần lượt kinh qua các chức vụ Cục phó Cục Điều động dân quân, Cục trưởng Cục Động viên dân quân, Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu; ông được phong quân hàm Đại tá năm 1958.

Năm 1964, ông làm Tổng Tham mưu phó. Năm 1965, ông làm Chính uỷ Quân khu 4, Bí thư Khu ủy; Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Mặt trận Trung Lào.

Năm 1966, ông làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần phụ trách Tổng cục Tiền phương.

Từ năm 1967 đến tháng 5/1976, ông đã đảm nhiệm các chức vụ: Tư lệnh Bộ Chỉ huy 559 kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy 559; Bí thư Ban cán sự cố vấn Đảng, quân, dân, chính, kiêm Tư lệnh Bộ đội tình nguyện ở Trung Hạ Lào. Ông được phong quân hàm từ Đại tá vượt cấp lên Trung tướng năm 1974. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông tham gia cánh đường Quốc lộ 1.

Tháng 6.1976, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế, Bí thư Đảng ủy Tổng cục.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12.1976), ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; giữ chức Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng.

Từ năm 1977 đến tháng 02.1982, ông giữ chức Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng. Đầu năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc, ông được điều trở lại quân đội làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô. Tháng 8.1979, ông được điều trở lại công tác tại Bộ Xây dựng, giữ chức Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3.1982), ông được bầu lại làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị; được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12.1986), ông được bầu lại làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị; giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ).

Năm 1991, ông thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, được cử làm Đặc phái viên Chính phủ thực hiện Chương trình 327 "trồng bảo vệ rừng phòng hộ"; tham gia chỉ đạo xây dựng đường Hồ Chí Minh. Ông được nghỉ công tác từ tháng 10.2006.

Do có nhiều công lao và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng (đây là Huân chương cao quý nhất), Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên mất ngày 4.4.2019; Lễ viếng Trung tướng sẽ diễn ra từ 7 giờ 30 phút đến 12 giờ 30 phút, thứ tư, ngày 10.4.2019. Lễ truy điệu từ 12 giờ 30 phút, Lễ di quan từ 13 giờ 15 phút cùng ngày. Lễ an táng hồi 17 giờ cùng ngày, tại Nghĩa trang Công viên Vĩnh Hằng, Ba Vì, thành phố Hà Nội.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem