Hồi hộp đợi ngày giao lưu
Liên hoan tác phẩm sân khấu của Tống Phước Phổ (1902-1991) – tác giả được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (Hội NSSK) và TP.Đà Nẵng tổ chức sẽ diễn ra tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh từ 24.9 đến 4.10. Thông tin từ Hội NSSK Việt Nam cho biết, có đến 14 đoàn tuồng quần chúng góp mặt, còn lại là 6 đoàn chuyên nghiệp, với tổng số 23 vở tham dự.
Nhiều “gánh tuồng” địa phương mong được như ở đoàn Phú Mẫn, có cả “trụ sở” để làm phòng truyền thống, văn phòng và tập luyện. Ảnh: Hoàng Thi
Trong tâm trạng ngóng đợi liên hoan, suốt thời gian qua các nghệ sĩ làng vừa gấp rút hoàn thành, trau chuốt các tác phẩm của mình để chờ góp ý, tinh chỉnh. Hội NSSK Việt Nam có chủ trương đến xem trước các vở để góp ý nhằm nâng cao chất lượng chung cho liên hoan.
Đoàn tuồng thôn Tiến Bào (xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) có vở “Triệu Đình Long cứu chúa”. Đoàn tuồng Ngự Cầu (xã An Thượng, Huyện Hoài Đức, Hà Nội) có vở “Ngọn lửa Hồng Sơn”. CLB thôn Bèo (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cũng dựng vở này. CLB Ánh Dương – Bình Định có vở “Tam Hạ Nam Đường”... Cho đến nay, tất cả các tác phẩm đã hoàn thiện, và các nghệ sĩ, diễn viên đang háo hức chờ lên sân khấu biểu diễn sau lễ khai mạc. Buổi lễ này sẽ diễn ra vào tối 24.9 tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.
Không có đội nhạc riêng, Đội tuồng thôn Lương Quy (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội) từ trước đến nay mỗi lần dựng vở, tiết mục mới đều nhờ Nhà hát Tuồng Việt Nam giúp. Tới đây đi liên hoan, tuồng Lương Quy có hai tác phẩm. Vở “Bao Công tra án Quách Hòe” do đội “già” đóng, nhờ nhạc công nhà hát. Tiết mục “Bốn nghìn năm họp mặt” của đội “trẻ” thì dùng nhạc thu sẵn. Đội trưởng Nguyễn Mai Hoa cho biết: “Chỗ chúng tôi là đất tuồng lâu năm nên trong đội cũng có các diễn viên trẻ từ 20-30 tuổi, cũng là điều hiếm gặp ở các nơi khác. Đã mấy lần chúng tôi đại diện cho TP.Hà Nội dự liên hoan ở Nha Trang, ở Bình Định, đều “gặt” giải Nhất. Lần này cũng rất náo nức chờ dịp giao lưu với các địa phương”.
Thấp thỏm đợi… hỗ trợ!
Ông Nguyễn Mai Hoa cũng chia sẻ một tâm lý… mong đợi hỗ trợ: “Anh em có yêu tuồng thì bao lâu nay mới giữ được tuồng như thế, dù khó khăn còn nhiều lắm. Bình thường xã, thôn cũng tạo điều kiện sân bãi để tập luyện. Chuyến này đi, địa phương cũng hỗ trợ một chút, còn thì anh em chắc vẫn phải tự lực là chính”.
Ông Nguyễn Mai Hoa chia sẻ: “Anh em có yêu tuồng thì bao lâu nay mới giữ được tuồng như thế, dù khó khăn còn nhiều lắm. Bình thường xã, thôn cũng tạo điều kiện sân bãi để tập luyện. Chuyến này đi, địa phương cũng hỗ trợ một chút, còn thì anh em chắc vẫn phải tự lực là chính”.
|
Nhiều đoàn, CLB, đội tuồng cơ sở khác cũng chỉ lấy đam mê ra “chơi” tuồng, tự thân bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của làng xã mình. Năm nào nhiều thì một hai chục suất diễn phục vụ hội hè trong vùng và nhận bồi dưỡng, gọi là “tăng gia”. Không thì sinh hoạt thường kỳ với nhau, dựng được vở hay trích đoạn nào đem diễn trình làng vài buổi rồi thôi. Đi dự các kỳ cuộc, nhất là ở địa bàn xa thì chuyện tàu xe, ăn ở là cả một vấn đề phải tính, phải… xin.
Hiếm có nơi như Đoàn nghệ thuật tuồng thôn Phú Mẫn (thị trấn Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh), rất được thôn và nhân dân ủng hộ, khích lệ, nên sẵn sàng chờ ngày đi liên hoan. Nhưng nhiều nơi khác vẫn còn… thấp thỏm lắm. Huyện Yên Phong ngoài một số đoàn tuồng của thôn, còn có cả một đoàn thuộc Phòng VHTT huyện, nhưng đấy là “danh”, còn “thực” thì thành lập 7 năm nay vẫn chủ yếu hoạt động xã hội hóa. Theo trưởng đoàn Nguyễn Thị Hoan thì dựng vở hàng năm, đoàn vẫn mời thầy ở Nhà hát Tuồng Việt Nam về dựng. Năm nay đoàn sẽ mang vở “Tam Hạ Nam Đường” đi liên hoan. Phía tổ chức là Hội NSSK Việt Nam thì chỉ phát động và… mời dự thôi. Chính quyền huyện, tỉnh mới là nhà “tài trợ chính”, nhưng lại chưa thấy có tín hiệu gì.
Một trường hợp suýt nữa đã phải “bỏ cuộc chơi” là CLB Tuồng xã Trung Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Khoảng gần một tháng trước, đội trưởng Nguyễn Thị Thâm buồn phiền than thở: “Chúng tôi dựng vở “Lê Lai đổi áo”, bao công sức, bỏ tiền túi ra. Nhưng đi tận Đà Nẵng cả chục ngày thì làm sao tự lo được. Vậy mà xã bảo không có kinh phí. Chúng tôi đã có kế hoạch mời Hội vào duyệt vở rồi, vậy mà lại phải báo thôi và đành ở nhà vậy. Vì chuyện này mà tôi phát khóc cả lên”. Xã Trung Thành là nơi nổi tiếng về truyền thống tuồng, về đội tuồng mạnh trong huyện… May thay, đến thời điểm này, theo lịch diễn của liên hoan thì vẫn có tiết mục của CLB Trung Thành vào tối 30.9.
Những khó khăn như thế vốn vẫn thường trực và “gặm nhấm” lòng nhiệt huyết của những người giữ tuồng làng, xã, huyện bao năm nay. Những khó khăn về cơ chế, về điều kiện vật chất, thiếu đầu tư, hỗ trợ của địa phương vẫn là chuyện quen thuộc. Hy vọng các Sở VHTTDL và UBND huyện, xã quan tâm hơn, hỗ trợ chi phí thuê xe, ăn nghỉ, bồi dưỡng cho các đoàn của địa phương mình tham dự. Đó là việc nên làm, vì tuồng và những người giữ tuồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.