Thiếu tướng Thomas Waldhauser bày tỏ lo ngại về sự hiện diện của Trung Quốc ở Djibouti.
Trong phiên trần tại quốc hội, giới chính trị gia Mỹ đặc biệt quan ngại thông tin Djibouti lấy lại quyền kiểm soát cảng biển để trao cho Trung Quốc như một món quà. Trung Quốc hiện đang xây căn cứ quân sự tại đây, chỉ cách căn cứ quân sự Mỹ vài km.
“Tôi nghi ngờ rằng có điều mờ ám ở đó, Djibouti đơn phương chấm dứt hợp đồng với chúng ta để trao cảng biển chiến lược cho Trung Quốc”, nghị sĩ đảng Cộng hòa, Bradley Byrne nói.
Trong lá thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, nghị sĩ Byrne lo ngại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Djbouti và hệ quả đối với quân đội và mạng lưới tình báo Mỹ.
Djibouti là khu vực chiến lược nằm ở cửa ngõ vào Biển Đỏ, trên đường đến kênh đào Suez.
Tướng Mỹ Thomas Waldhauser, một trong những chỉ huy hàng đầu của Mỹ ở châu Phi, nói Trung Quốc có thể tác động đến khả năng tiếp vận và cung cấp nhiên liệu cho tàu chiến của Mỹ trong khu vực.
“Nếu Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn cảng biển đó thì hệ quả sẽ rất lớn”, tướng Waldhauser nói tại ủy ban quân vụ thượng viện Mỹ.
Trung Quốc hiện đang cạnh tranh tầm ảnh hưởng với Mỹ ở châu Phi.
Mỹ hiện đang duy trì một căn cứ quân sự ở Djibouti, với khoảng 4.000 sỹ quan và binh lính, bao gồm đơn vị đặc nhiệm. Đây là bàn đạp của Mỹ trong các sứ mệnh ở Yemen và Somalia.
“Có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc muốn mở thêm nhiều căn cứ quân sự khác ở châu Phi… Những gì xảy ra ở Djibouti chỉ là sự khởi đầu”, tướng Waldhauser nói.
Trung Quốc hiện đang mở rộng tầm ảnh hưởng ở châu Phi, thông qua các khoản đầu tư vào dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy thương mại.
Tướng Waldhauser cảnh báo Mỹ không thể theo kịp Trung Quốc với mức đầu tư vào khu vực như hiện tại. Trung Quốc xây dựng cả trung tâm thương mại, tòa nhà chính phủ và sân bóng đá tại một số quốc gia châu Phi.
“Chúng ta đang hụt hơi về các khoản chi so với Trung Quốc ở châu Phi”, tướng Waldhauser nói.
Tướng Mỹ hiện đang tham gia vào quá trình viết lại chiến lược Mỹ trong khu vực. “Trung Quốc đã có mặt ở châu Phi từ vài năm qua, nhưng chúng ta vẫn chưa thể đối phó một cách hợp lý trên phương diện lợi ích chiến lược”.
Tính ưu việt của phương Tây đang ngày càng bị đe dọa cả trên đất liền, trên biển và thậm chí trong không gian mạng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.