Làm tất cả để trấn áp tội phạm
Nhắc đến Trung tướng Phan Văn Vĩnh, nhiều người không thể không nhớ tới vụ trọng án kinh hoàng - vụ thảm sát xảy ra ở tiệm vàng Ngọc Bích (Lục Nam, Bắc Giang) năm cuối năm 2011 khiến 3 người thiệt mạng và 1 người bị thương. Tướng Vĩnh là một trong những người tham gia trực tiếp vào quá trình điều tra phá án trong vụ trọng án này.
Theo diễn biến của vụ án, vì lỡ cầm mất cái xe máy đi mượn lấy tiền tiêu nên Lê Văn Luyện (SN 1993, Bắc Giang) bí tiền chuộc xe. Đối tượng này nảy sinh ý định cướp tiệm vàng Ngọc Bích. Sau khi lên kế hoạch, Luyện đã đột nhập vào tiệm vàng buổi đêm, hạ sát vợ chồng chủ tiệm vàng cùng cô con gái thứ, chém bị thương một cô con gái khác...
Gây án xong, Lê Văn Luyện phá tủ kính và lấy vàng rồi mở cửa bếp thoát ra ngoài. Sợ bị phát hiện, Luyện gọi điện cho người anh họ đến đón rồi bỏ trốn. Lúc chạy trốn, hành trang của Lê Văn Luyện chỉ có một bộ quần áo, mấy bao thuốc lá với vỏn vẹn 200 nghìn đồng.
Những phát ngôn quyết liệt của Trung tướng Phan Văn Vĩnh trong khi điều tra các vụ án. (Ảnh: Việt Anh)
Trong vụ án này, tướng Vĩnh là Trưởng ban chỉ đạo điều tra chuyên án. Ông nhớ lại, khi xuống hiện trường ông phải chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng chưa từng thấy trước đó: Vợ chồng chủ tiệm vàng cùng con gái mới 18 tháng tuổi bị hạ sát. Đứa lớn học lớp 3 may mắn thoát chết, nhưng bàn tay cũng bị kẻ thủ ác làm đứt lìa.
"Đó là những cái chết rất thảm khốc và oan khuất. Khắp nơi chỉ thấy máu và máu. Tất cả chúng tôi đều lặng người đi không ai nói với ai được một lời. Tội ác quá man rợ. Chính điều này đã thúc đẩy chúng tôi quyết tâm bắt bằng được tội phạm", tướng Vĩnh kể.
Ngay sau đó, hàng nghìn cảnh sát ưu tú của 10 tỉnh lân cận Bắc Giang được huy động truy lùng nghi phạm. Sau 4 ngày, những manh mối đầu tiên bắt đầu xuất hiện và cái tên được nêu lên chính là Lê Văn Luyện. Cuối cùng, Luyện đã bị bắt tại Lạng Sơn khi đang trên đường bỏ trốn.
"Tôi hứa với tất cả các bạn sẽ làm tất cả để trấn áp tội phạm. Nếu lần sau còn ngồi tại đây, tôi sẽ chỉ có những niềm vui để kể cho các bạn chứ không phải nỗi buồn như đêm nay", tướng Vĩnh trùng giọng sau khi chia sẻ câu chuyện buồn này tại cuộc giao lưu với báo giới năm 2012.
“Món nợ của nhân dân đã được trả”
Một vụ thảm sát khác làm rúng động dư luận chính là vụ thảm sát xảy ra ở Bình Phước khiến 6 người trong một gia đình bị thiệt mạng. Vụ trọng án xảy ra năm 2015. Khi đó, tướng Vĩnh cũng là Trưởng ban chuyên án. Vụ án đã gây áp lực lớn với cơ quan điều tra, ông nhớ lại.
Để nhanh chóng phá án, Bộ Công an cũng đã huy động hàng nghìn điều tra viên có kinh nghiệm trên cả nước tham gia, triệu tập lãnh đạo công an 10 tỉnh lân cận địa bàn trực tiếp đến hiện trường. Hàng nghìn lượt tin nhắn, cuộc gọi của người dân đã tiếp sức cho lực lượng điều tra sớm tìm ra thủ phạm.
Chia sẻ với báo giới sau ngà 2 đối tượng gây án là Nguyễn Hải Dương (SN 1991, An Giang) và Vũ Văn Tiến (SN 1991, Bình Phước) bị bắt, Trung tướng Phan Văn Vĩnh nói đây không phải là chiến công.
Ông Vĩnh chia sẻ: “Sau khi phá án, món nợ của nhân dân đã được trả. Nhưng nói thật lòng, tôi cũng như nhiều đồng đội không thấy vui mà canh cánh nỗi buồn vì hậu quả của vụ án để lại quá nặng nề, xót xa”.
Tướng Vĩnh trải lòng về vụ thảm sát Bình Phước khi cơ quan điều tra bắt được đối tượng gây án rằng đó không phải là chiến công. (Ảnh: I.T)
Vị tướng này không coi đó là chiến công mà là trách nhiệm của người công an. "Nhiệm vụ chúng tôi chỉ mới hoàn thành một nửa, nửa còn lại là phải phòng ngừa tội phạm để không để những vụ việc tương tự xảy ra”, ông nói.
Oai hùng Đội CSĐT Thành Nam
Đó là Đội Cảnh sát Điều tra (CSĐT) Công an Thành phố Nam Định giai đoạn 1989 - 1997. Chỉ tồn tại trong 9 năm nhưng đội không chỉ từng là nỗi khiếp sợ của các băng nhóm lưu manh, giang hồ Nam Định mà từ đây, đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ trưởng thành. Tướng Phan Văn Vĩnh là Thủ trưởng phụ trách Đội CSĐT này.
Nam Định những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỉ trước là thành phố trực thuộc tỉnh Hà Nam Ninh (gồm Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định). Ngày ấy, “giang hồ Nam Định” là một cụm từ đáng sợ nhất đối với bất cứ người dân lương thiện nào sinh sống trên đất Nam Định nói riêng và những vị khách có dịp phải đi qua Nam Định nói chung.
Vào thời điểm ấy, không chỉ ở Nam Định mà trên toàn quốc tình hình hình tội phạm hình sự cũng diễn biến phức tạp. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ra Chỉ thị 135/CT về tấn công các loại tội phạm, thiết lập lại kỷ cương xã hội. Thành phố Nam Định được chọn làm nơi thực hiện đầu tiên.
Trước yêu cầu trên, tháng 3.1989, Đội Cảnh sát điều tra Công an TP Nam Định được thành lập trên cơ sở sát nhập Đội Điều tra xét hỏi, Đội Cảnh sát hình sự, Đội Cảnh sát kinh tế, Trại tạm giữ của Công an TP, đồng thời điều động tăng cường một số cán bộ tinh nhuệ trong Công an tỉnh. Biên chế của đội ban đầu là 87 đồng chí.
Trung tướng Phan Vĩnh thời điểm đó được điều động về làm Phó trưởng Công an TP Nam Định, đồng thời là Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, trực tiếp phụ trách Đội. Nếu như Hà Nội bây giờ có Phòng CSHS "số 7 Thiền Quang" huyền thoại thì Nam Định ngày ấy có "54 Quang Trung".
5h sáng ngày 27.9.1989, Công an Thành phố Nam Định nổ tiếng súng đầu tiên mở màn "chiến dịch 135" trên toàn quốc. Ngay trong ngày đầu tiên, Công an thành phố đã xóa sổ 8 băng cướp nguy hiểm, bắt 32 đối tượng, thu 5 súng các loại, 7 lựu đạn và hàng trăm viên đạn cùng nhiều lưỡi lê, dao, kiếm; bắt đưa đi tập trung giáo dục cải tạo gần 100 đối tượng hình sự nguy hiểm.
Đêm trước hôm mở màn Chiến dịch 135, Phó Trưởng Công an TP Nam Định Phan Văn Vĩnh đã thức trắng đêm. Hàng trăm cán bộ chiến sỹ của Công an TP Nam Định cũng thế. Họ cùng Thủ trưởng của mình bí mật, khẩn trương tiến hành các bước chuẩn bị cho việc bắt giữ 39 đối tượng cộm cán, cầm đầu các băng nhóm.
Chiến dịch diễn ra cực kỳ nhanh gọn, bất ngờ. Bất ngờ đến nỗi, khi được mời lên cơ quan công an, các đối tượng vẫn tưởng là được gọi lên để giáo dục, răn đe như mọi lần.
Bằng cái uy và cái ân của mình, tướng Vĩnh khi đó đã phân tích cho những đối tượng này hiểu rõ mục đích của việc giáo dục cải tạo. Tất cả đều tâm phục khẩu phục, tự giác chấp hành. Chỉ trong ngày đầu tiên ra quân, lực lượng Công an TP Nam Định đã đưa được trọn vẹn cả 39 đối tượng đi tập trung cải tạo.
Ở giai đoạn 2 của “cuộc tổng tiến công tội phạm” này, Công an thành Nam vừa tấn công, vừa phát động phong trào toàn dân tố giác tội phạm. Cũng từ đó, phong trào “Toàn dân tham gia phòng chống tội phạm” được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Nhiều mô hình quần chúng bảo vệ ANTQ xuất hiện: Đường phố không có tội phạm; Thanh niên xung kích; Thanh niên tự quản; Hội phụ nữ giáo dục, cảm hoá người lầm lỡ…
Ngoài những vụ trọng án lớn, trong những vụ như Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, chuyên án bắt giữ Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) và nhiều vụ án khác, Trung tướng Phan Văn Vĩnh đều có những chỉ đạo, quan điểm quyết liệt trong trấn áp tội phạm được ghi nhận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.