Tường tận tương quan lực lượng trong chiến dịch Hồ Chí Minh

Thứ sáu, ngày 06/11/2020 10:34 AM (GMT+7)
Để thực hiện thành công chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tung vào 25 vạn bộ đội với 15 sư đoàn, 14 trung đoàn, hàng trăm khẩu pháo các loại và 320 xe tăng hiện đại.
Bình luận 0

* Ngày 8/4/1975, tại Lộc Ninh, Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định được thành lập với thành phần: Tư lệnh: Đại tướng Văn Tiến Dũng, Chính uỷ: Phạm Hùng, các Phó Tư lệnh: Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Đinh Đức Thiện, Quyền Tham mưu trưởng: Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền, sau đó bổ sung Trung tướng Lê Trọng Tấn làm Phó Tư lệnh và Trung tướng Lê Quang Hòa làm Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị. Các thành viên dự hội nghị đã nhất trí đề nghị Bộ Chính trị cho lấy tên gọi "Chiến dịch Hồ Chí Minh" thay cho tên gọi "Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định". Ngày 14/4, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam gửi bức điện số 37/TK cho Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định: "Đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh".

Sau khi phòng tuyến Xuân Lộc bị chọc thủng, quân VNCH rệu rã lùi dần về Sài Gòn tiếp tục thực hiện mưu mô phòng thủ ở các vị trí cửa ngõ. Trong khi đó, tình hình chính trị bên trong thành phố Sài Gòn hết sức rối ren. Lúc này ta xây dựng kế hoạch giải phóng Sài Gòn.

Lực lượng ta và địch ngang nhau

Tại thời điểm này quân VNCH có 5 sư đoàn bộ binh: 22, 25, 5, 18 và sư đoàn thủy quân lục chiến; 2 lữ đoàn dù số 1, 4; lữ 3 kỵ binh thiết giáp; 4 liên đoàn biệt động quân, bảo an và các đơn vị khác. Tổng cộng chúng có 240.000 quân, 625 xe tăng thiết giáp (gồm các xe M113, M41 và M48) và 400 khẩu pháo các loại…

Tường tận tương quan lực lượng trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh 2.

Pháo 130mm được sử dụng trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Nguồn ảnh: Wikipedia

Để thực hiện thành công việc giải phóng Sài Gòn – Gia Định (Chiến dịch Hồ Chí Minh) về lực lượng chủ lực ta đã tập trung được khoảng 250.000 quân với 15 sư đoàn, 14 trung đoàn bộ binh (được tổ chức thành 5 quân đoàn và tương đương) cùng với một khối lượng vũ khí, trang bị, phương tiện rất lớn như: pháo binh 516 khẩu (pháo 130/122/105mm), pháo cao xạ 550 khẩu (gồm các loại súng máy 12,7mm, pháo 37/57mm) , 320 xe tăng (các loại T-54, T-59, PT-85), thiết giáp (BTR-60PB, K63) và một khối lượng vật chất bảo đảm tới gần 60.000 tấn...

Nhìn chung về quân số thì ta và địch là ngang ngửa nhau, về vũ khí VNCH có nhỉnh hơn một chút về xe tăng và đặc biệt là chúng còn lực lượng không quân rất mạnh (dù đã bị tổn hại ít nhiều). Thế nhưng, choáng ngợp trước bước tiến thần tốc của quân giải phóng, binh lính VNCH lúc này rệu rã tinh thần, không còn ý chí chiến đấu, không ít chỉ huy bỏ trốn. Vì vậy, dù quân đông, vũ khí mạnh, địch nhanh chóng bị quân giải phóng đè bẹp hoàn toàn.

Đòn quyết định

Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định chính thức diễn ra lúc 17 giờ ngày 26/4, liên tiếp trong hai ngày 27 và 28/4, các đòn tiến công quân sự đã đánh thiệt hại nặng: Sư đoàn 22, cắt Đường 4 ở Tân An – Bến Lức; Sư đoàn 18 và Thiết đoàn 3 quân Việt Nam cộng hòa ở Trảng Bom – Biên Hòa; sư đoàn thủy quân lực chiến ở Long Bình và Lữ dù 1 ở Bà Rịa.

Tường tận tương quan lực lượng trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh 3.

Binh lính VNCH vứt hết mũ áo giày dép trên đường tháo chạy. Ảnh: TL

Ngày 29/4, đòn quân sự đã chặn đánh và tiêu diệt các sư đoàn 22, 25, 5, 18, thủy quân lục chiến, các lữ dù, Lữ 3 kỵ binh ở tuyến ngoài của địch. Cùng ngày, các binh đoàn cơ giới hóa thọc sâu đã tiêu diệt sư đoàn biệt động quân mới thành lập, các liên đoàn bảo an của tuyến giữa phòng ngự vùng ven và nhanh chóng vào vùng sát thành phố như Vĩnh Lộc, Bà Hom, Bà Quẹo, Lái Thiêu, cầu Đồng Nai...

Ngày 30/4, các đơn vị chủ lực tiếp tục đập tan các đơn vị còn lại của địch ở ngã tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả, Thủ Đức, cổng số 1 Bộ Tổng Tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, cầu Bình Phước, Bình Triệu, cầu Sài Gòn, Rạch Chiếc… Các binh đoàn thọc sâu nhanh chóng chiếm các mục tiêu chiến lược, bắt toàn bộ nội các của địch, buộc Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện

Phối hợp chặt chẽ với các hướng tiến công của các binh đoàn chủ lực vào sào huyệt cuối cùng của địch, Quân khu 7, thành ủy, thành đội Sài Gòn - Gia Định đã đưa 1.700 cán bộ cơ sở xuống các xã, phường, quận, huyện nội thành và ngoại thành, thâm nhập các xí nghiệp, công sở, trường học, các đoàn thể xã hội, tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng sẵn sàng nổi dậy, tiếp lương thực, thực phẩm cho bộ đội khi các cánh chủ lực đánh vào nội đô. Thành ủy, thành đội cũng cử hàng trăm chiến sỹ biệt động, tự vệ thành ra ngoại ô dẫn đường cho các cánh quân tiến công vào mục tiêu then chốt như sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu, Dinh Độc Lập, Biệt khu Thủ đô và Nha cảnh sát đô thành… Các đoàn đặc công, các đội biệt động của Miền, Quân khu 7 và thành đội Sài Gòn hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng vũ trang tại chỗ của thành phố lúc này có: 1 lữ đoàn, 8 trung đoàn, 5 tiểu đoàn và nhiều đại đội cùng với hơn 4.000 du kích có nhiệm vụ chủ động tổ chức tập kích các sân bay, bến cảng, kho tàng, trận địa hỏa lực, phát động nhân dân nổi dậy diệt các đồn, bốt nhỏ lẻ, mở rộng địa bàn đứng chân, đánh chiếm và giữ các đầu cầu. Các lực lượng tại chỗ đã đánh chiếm hơn 100 mục tiêu lớn nhỏ; chiếm 13 cầu, giữ 10 cầu bảo đảm cho binh đoàn chủ lực qua sông; chiếm giữ nhiều mục tiêu quan trọng … Khi 5 cánh quân của các binh đoàn chủ lực tiến công đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố, các lực lượng này đảm nhiệm việc dẫn đường và làm nòng cốt cho quần chúng nổi dậy giành chính quyền.

Tường tận tương quan lực lượng trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh 4.

Xe tăng 390 húc đổ cánh cánh Dinh Độc Lập - hình ảnh đi vào lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm dân tộc Việt Nam. Ảnh TL

Sự phối hợp giữa tiến công quân sự với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân Sài Gòn – Gia Định đã lên tới cao trào với 107 điểm quần chúng nổi dậy (31 điểm ở ngoại thành và 76 điểm ở ngoại thành; trong đó, 32 điểm diễn ra trong ngày 29/4 và 75 điểm trong ngày 30/4).

Lực lượng quần chúng ở ngoại thành dựa vào áp lực đánh lướt qua của các binh đoàn chủ lực và sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang tại chỗ đã xông vào phá hủy các đồn, bốt, làm công tác binh vận, chiếm nhiều trụ sở xã, ấp; chiếm trụ sở các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Gò Vấp, Thủ Đức; thu các giấy tờ, hồ sơ hạ cờ của chính quyền VNCH, treo cờ ta. Lực lượng vũ trang tại chỗ và quần chúng nhân dân đã chiếm nhiều cơ sở kinh tế, quân sự, chính trị cử đại diện chính quyền cách mạng, tham gia giải phóng các huyện ngoại thành.

Ở nội thành, khi các cánh quân chủ lực tiến vào thì quần chúng kết hợp với lực lượng vũ trang tại chỗ đã nổi dậy, đánh chiếm đồn, bốt, treo cờ, vận động – uy hiếp làm tan rã bọn cảnh sát, dân vệ, chiếm trụ sở khóm, phường, cơ quan hành chính quận. Nhờ có sự nổi dậy của quần chúng và lực lượng vũ trang tại chỗ đến chiều ngày 30/4 ta đã cơ bản làm chủ và kiểm soát tất cả các huyện, quận, xã, phường của thành phố Sài Gòn – Gia Định.

Như vậy, chiến dịch Hồ Chí Minh được tiến hành với các đòn tiến công quân sự mạnh mẽ của các binh đoàn chủ lực, đã tạo ra động lực và thời cơ để các lực lượng vũ trang địa phương hoạt động có hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động nổi dậy của quần chúng nhân dân. Đồng thời, hoạt động rộng khắp của các lực lượng vũ trang địa phương và sự nổi dậy của quần chúng nhân dân lại tạo ra thế và lực cho các binh đoàn chủ lực tác chiến. Hành động phối hợp tác chiến của các lực lượng vũ trang địa phương và sự nổi dậy của quần chúng nhân dân đã có tác dụng rất to lớn hỗ trợ cho các đòn tiến công quân sự của các binh đoàn chủ lực.

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường…, ở trong nước các thế lực thù địch tăng cường chống phá về chính trị, kinh tế, về dân chủ, nhân quyền, tự do, tôn giáo, tiến hành các thủ đoạn "diễn biến hòa bình", "bạo loạn lật đổ"…, tranh chấp trên biển Đông, xung đột lợi ích giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (nếu chiến tranh xảy ra), những bài học về nghệ thuật quân sự trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là nghệ thuật kết hợp giữa tiến công của binh đoàn chủ lực với nổi dậy quần chúng nhân dân; nghệ thuật phối hợp tác chiến của ba thứ quân, lấy đòn tác chiến của binh đoàn chủ lực làm trung tâm vẫn còn nguyên giá trị.

Tường tận tương quan lực lượng trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh 5.

Xe tăng quân giải phóng thuộc 5 mũi tiến công tập kết về Dinh Độc Lập.

Ngày 29/4, quân ta tổng tiến công. Các binh đoàn bộ đội hợp thành tiến công trong hành tiến, tiêu diệt các cánh quân địch ngăn chặn và phản kích, nhằm thẳng các mục tiêu đã được phân công. Sáng 30/4, trong thế thua đã rõ ràng, địch xin ngừng bắn, bộ đội ta vẫn kiên quyết tiến công. Các quân đoàn nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu. 11h30 ngày 30/4, sau khi Dinh Độc Lập thất thủ, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Ngày 1/5, toàn bộ lực lượng còn lại của quân VNCH tan rã, ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Kết quả của chiến dịch, ta tiêu diệt quân đoàn 3 và toàn bộ các lực lượng tăng cường, diệt và làm tan rã quân đoàn 4 cùng tất cả các lực lượng địch còn lại trên chiến trường; giải phóng thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn, đòn quyết định làm tan rã toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

PV (Theo Kiến Thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem