Sau 240 ngày bị hải tặc Somali bắt giữ, đòi tiền chuộc, chiều 23.9, 24 thủy thủ tàu Hoàng Sơn Sun đã được thả tự do và về đến quê nhà.
Hành trình định mệnh
Anh Đỗ Minh Thắng (phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, Hải Phòng) tiếp chúng tôi ngay sau khi cùng gia đình dùng bữa cơm “tẩy trần”. Anh Thắng kể, đây là chuyến đi biển đầu tiên của anh, mới đi được một vòng qua vùng Biển Đỏ. Tàu Hoàng Sơn Sun nhận 21.000 tấn hàng từ cảng Bik của Iran để chở về cảng Ximen của Trung Quốc.
|
Máy trưởng Bùi Hữu Hưng đã ghi nhật ký những tháng ngày trong hang ổ cướp biển bằng... thơ. |
Hành trình của tàu vô cùng thuận lợi vì thời tiết đẹp, toàn bộ thuỷ thủ đoàn phấn khởi vì có một chuyến đi sóng yên biển lặng. Nhưng vào buổi chiều của ngày thứ tư sau khi rời Iran (18.1.2011), bỗng phía sau tàu Hoàng Sơn Sun xuất hiện một chiếc tàu cá lạ cứ bám theo cách chừng 30 hải lý. Tuy nhiên, mọi người trên tàu chẳng ai để ý tới vì đây là vùng biển quốc tế, lại tương đối an toàn do cách xa nơi cướp biển thường hoạt động.
Bất thần tàu cá lạ tăng tốc bám sát tàu Hoàng Sơn Sun, khi cách khoảng 1,5 hải lý thì từ tàu cá hạ xuống 1 xuồng cao tốc phóng về phía trước với tốc độ chóng mặt. Xuồng cao tốc áp sát mạn phải tàu Hoàng Sơn Sun.
Linh tính có chuyện chẳng lành vì những vị khách không mời mà tới này, trên khoang lái, Thuyền trưởng Đinh Tất Thắng chỉ đạo cho Máy trưởng Bùi Hữu Hưng chạy với vận tốc 2 máy tiến 3 - là tốc độ cao nhất của tàu, chỉ dùng vào trường hợp khẩn cấp hay chạy bão.
Nhưng tất cả vẫn bất lực, chỉ cần hai lần áp mạn là người trên chiếc xuồng cao tốc đã quăng thang dây rất thuần thục rồi chúng nhảy lên tàu Hoàng Sơn Sun. Có 8 tên lao lên mạn tàu, tên nào cũng được trang bị vũ khí, như súng tiểu liên, lựu đạn, B41...
“Do tàu Hoàng Sơn Sun là một tàu vận tải, không được trang bị vũ khí nên chúng tôi đành bất lực nhìn cướp biển khống chế. Chúng lao lên tàu, đi từng phòng của thuỷ thủ, dưới khoang máy, ra tay đánh đập, yêu cầu anh em tắt hết máy móc rồi dồn hết 24 người lên khoang lái rộng 10m2 để bắt đầu tra khảo” - anh Thắng kể.
Khi cướp biển biết được thuỷ thủ đoàn là người Việt Nam, chúng đã trả lại điện thoại và yêu cầu thủy thủ gọi điện về nhà thông báo tình hình để gây sức ép đòi tiền chuộc.
Đánh tàu vào hang cọp
Sau những giờ phút bàng hoàng khi rơi vào tay cướp biển và bọn cướp đã đoán được rằng việc đòi tiền chuộc sẽ không thể diễn ra trong ngày một ngày hai, chúng liên tục điều tàu Hoàng Sơn Sun di chuyển ở nhiều vùng biển, để nhằm qua mặt những đơn vị tìm kiếm.
Anh Thắng kể tiếp, cùng với việc canh phòng thủy thủ đoàn sát sao, bọn cướp biển đã khống chế toàn bộ điện đài, cho người giám sát hải trình và yêu cầu tàu Hoàng Sơn Sun phải đi theo tàu cá giả dạng của bọn chúng. Lũ cướp biển rất hung hãn, nếu thấy ai có hành vi khả nghi là chúng thẳng tay đánh đập, có người bị đạp vào mặt, hay ghè vào mạn tàu suýt bị ngạt thở...
Để đảm bảo an toàn tính mạng của thuỷ thủ, Thuyền trưởng Đinh Tất Thắng đã yêu cầu anh em làm theo yêu cầu của chúng.
Tàu Hoàng Sơn Sun quay đầu hướng về vùng biển Somali. Bọn cướp biển vẫn chiếm hết mọi phòng ở của thuỷ thủ đoàn, lúc nào bọn chúng cũng cắt cử người mang theo vũ khí, áp giải từng thuỷ thủ khi làm việc, kể cả khi đi vệ sinh. Hễ ai làm chúng phật ý thì lập tức bị ăn đòn. Những điều đó làm các thủy thủ hết sức hoang mang, lo sợ không giữ được tính mạng của mình.
Thỉnh thoảng tên nhóm trưởng cướp biển cho Thuyền trưởng Đinh Tất Thắng đánh điện về nhà thông báo tình hình và truyền đạt yêu cầu đòi tiền chuộc của chúng. Tàu chạy được 3 ngày thì được yêu cầu thả neo.
Chúng cướp hết gạo cắt khẩu phần ăn và liên tục hành hạ thuỷ thủ bằng nhiều cách: Ngày thì phơi nắng, đêm đến phun nước biển vào người cho xót không thể ngủ được... Có nhiều thuỷ thủ đã tính đến việc nhảy xuống biển để trốn, phó thác cho số phận.
Qua câu chuyện bọn chúng nói với nhau, anh em mới biết tàu Hoàng Sơn Sun đã vào trong một vịnh kín được bao bọc xung quanh bởi nhiều đảo nhỏ, chỉ cách bờ biển Somali 3 hải lý. Nhưng tàu chỉ neo ở đó 3 ngày, rồi cướp biển lại điều tàu chạy đến vị trí khác. Bọn chúng vẫn giám sát chặt chẽ mọi hành động của thuỷ thủ đoàn, cứ 1 tuần chúng lại đổi nhóm khác lên tàu.
Trước mỗi lần tàu di chuyển, bọn chúng đều bắt thuyền trưởng phải gửi điện tín về công ty để thông báo về tình hình sức khoẻ và tính mạng của anh em đồng thời hối thúc người thân ở nhà đưa tiền chuộc. Anh Thắng nhận định: “Qua hành động của bọn chúng, chúng tôi hiểu được đây là một nhóm cướp có tổ chức khá bài bản, dạng như một công ty với khoảng 80 “nhân viên” ở độ tuổi từ 16 đến 45. Chúng có cả người thông ngôn và người đại diện để đứng ra đàm phán việc chuộc tàu, thả người...”.
Có những lúc anh em trên tàu đã nghĩ đến chuyện tiêu cực nhất, vì mỗi khi đàm phán chưa có kết quả là bọn hải tặc lại trút giận lên đầu họ bằng những trận đòn thừa sống thiếu chết.
(Còn nữa)
Nguyễn Gia Tưởng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.