Tường trình của một người "hành xác" trên xe buýt Hà Nội

Thứ sáu, ngày 28/10/2011 06:09 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngay sau vụ lái xe, phụ xe buýt ở Hà Nội bắt khách... quỳ, phóng viên Dân Việt đã có hai ngày dạo phố Hà thành bằng xe buýt để mục sở thị về chất lượng của xe buýt.
Bình luận 0

Quả thật, lên xe buýt rồi mới thấy đó là một cuộc hành xác. 

img
Cảnh chen lấn trên xe buýt lúc 18 giờ tối ngày 25.10, trên tuyến 32.

Những tuyến xe buýt nóng

Cứ đến giờ cao điểm là xe buýt Hà Nội lại quá tải, tuyến nào cũng vậy. Nhưng có những tuyến thì không phải giờ cao điểm cũng nóng, như: Tuyến số 01 Long Biên - Yên Nghĩa , tuyến số 07 Cầu Giấy- Nội Bài, tuyến 32 Nhổn - Giáp Bát, tuyến 34 Mỹ Đình - Gia Lâm… Đi trên những tuyến xe này như một cực hình.

17 giờ chiều, tôi ngồi đợi xe tại Trạm Trung chuyển Cầu Giấy để cảm nhận xe buýt lúc tan tầm. Trước đó, tôi đã tính đi xe số 07 lên Nội Bài nhưng mấy lần đón hụt vì xe cứ lao vào trạm trung chuyển rồi lại nhanh như cắt đóng hai cánh cửa lại khiến tôi không thể lên xe.

Thấy tôi lơ ngơ, Tân - một công nhân làm ở Khu công nghiệp Thăng Long nói: "Anh rù rờ thế thì không bao giờ lên xe được đâu, đi theo em”.

Chưa dứt câu, Tân dẫn tôi vòng ra nhà vệ sinh nơi mấy phụ xe đang ngồi lố nhố buôn chuyện. Trên tay người nào cũng cầm một tập tiền, một tập vé. Chỉ vào các phụ xe này, Tân tiết lộ: "Em đi quen tuyến số 07 rồi, không phải đứng đợi ở ngoài trạm đâu. Ở đây các xe buýt đều dừng đón phụ xe, nên lúc phụ xe lên, mình cũng nhảy lên cùng. Có vậy, mới không phải chen lấn, xô đẩy".

Đang nói, chiếc xe số 07 ào tới đón anh phụ xe. Tân chào tôi rồi nhảy tót lên cửa trên của xe đang mở. Người lái xe hỏi câu chiếu lệ, rồi đóng cửa lại để ra đón hàng trăm khách đang dài cổ tại trạm trung chuyển. Thấy Tân ung dung lên xe, tôi mới ngộ ra rằng thời buổi này đến đi xe buýt cũng phải dùng mẹo thì chắc là chẳng dễ dàng gì để có một chuyến đi thoải mái.

Trời cuối thu nên mới 18 giờ đã sẩm tối. Sau nhiều lần thử sức, cuối cùng tôi cũng lên được xe buýt BKS 29U - 0340 tuyến 32 đi từ Nhổn đến Bến xe Giáp Bát. Cánh cửa được điều khiển bằng hệ thống hơi thủy lực của xe vừa đóng lại, lập tức tôi có cảm giác bị tì đè đến ngột thở từ hàng chục người đang vây quanh. Chật như nêm. Mỗi khi xe phanh gấp thì cả một khối người cứ nghiêng ngả, thỉnh thoảng lại có tiếng một bạn gái trẻ kêu oai oái vì bị xô đẩy và "đụng hàng".

200 người trên một chuyến xe

Mặc dù tôi đã chui được vào xe nhưng người bán vé vẫn không thể nào tiếp cận được mà thu tiền. Tôi đành phải chuyển tiền qua 4 tay người khác thì phụ xe này mới nhận được. Anh ta cũng cẩn thận xé lại tấm vé 3.000 đồng, rồi lại qua mấy tay đưa lại cho tôi. Anh phụ xe nhỏ thó, liên tục mồm nói, tay đẩy để dồn khách điều tiết người lên, người xuống. Tôi phải đi đến ba vòng hết tuyến từ Nhổn về Giáp Bát mới bắt chuyện được với một phụ xe tên Tiến.

Tiến cho biết: “Một ngày có ba đợt cao điểm là sáng, chiều và khoảng 21 giờ tối khi học sinh, sinh viên tan học. Ai đi vào những chuyến đó thì cứ gọi là quay như chong chóng. Khách lên, khách xuống ùn ùn. Nếu bỏ bến thì vi phạm nội quy, mà mở cửa thì mạnh ai người nấy tràn lên”.

Lên xe bus 29U - 0340 tại điểm Trạm Trung chuyển Cầu Giấy lúc 6 giờ ngày 24.10, đến điểm cuối là Nhổn (huyện Từ Liêm), tôi xem đồng hồ hết 48 phút. Quãng đường này chỉ dài khoảng 6km, tính ra 1 giờ xe bus đi được... 8km, nhanh hơn tốc độ người đi bộ không đáng kể. Như vậy vẫn còn may, bởi xe không gặp cảnh tắc đường.

20 giờ tối, lúc này xe bus tuyến đường 32 khá rảnh, tôi mới có cơ hội nói chuyện với anh lái xe tên Vượng. Vượng kể đã vào công ty được 7 năm và hiện là lái xe bậc 2/4. Anh cho biết, lái xe ở tuyến này căng thẳng nhất nhì các tuyến đường của Hà Nội.

Đường đông, khách đông, ông nào mà nóng tính thì không tránh khỏi chuyện đánh nhau. Xe chỉ có 47 ghế, đăng kiểm xong được chở 80 người. Thế nhưng, giờ cao điểm chở đến 200 người là chuyện bình thường.

Từng ấy khách trên xe, đứng còn không được nữa là ngồi. Họ che lấp cả gương của lái xe, nhiều lúc không nhìn thấy gì.

“Mỗi ngày, chúng tôi phải chạy từ 7 đến 8 chuyến, công ty lại quy định mỗi chuyến 1 giờ đồng hồ. Đường tắc nên có hôm đến gần 2 giờ mới được một cua, do vậy anh em lái xe phải tranh thủ lúc vắng chạy nhanh một chút để bù giờ lúc tắc đường. Mà vừa lái vừa run, vì nhỡ va quệt là lái xe phải đền. Nhẹ thì mất ngày công, nặng là thất nghiệp” - Vượng nói.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem