Tuyên bố khùng của ông Dũng “lò vôi”: Dành hết lợi nhuận 16 năm tới để mổ tim cho trẻ em nghèo

Linh Đan Thứ bảy, ngày 09/08/2014 10:42 AM (GMT+7)
Người ta bảo ông Huỳnh Uy Dũng (TGĐ Công ty cổ phần Đại Nam) khùng khi dành hết lợi nhuận trong 16 năm tới để tài trợ chi phí phẫu thuật tim tại Bệnh viện ĐHYD TP.HCM cho trẻ em nghèo thông qua chương trình “Trái tim Hằng Hữu” và tuyên bố Đại Nam đã có “ông chủ” mới, đó chính là những người nghèo hưởng lợi nhuận của công ty. Ngày 7.8, ba ca mổ tim đầu tiên trong chương trình này được ê kíp bác sĩ của Bệnh viện ĐHYD TP.HCM tiến hành mổ dưới sự tài trợ chi phí của ông Dũng “lò vôi”. Chung quanh sự kiện này, phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh U
Bình luận 0
Thưa ông, vì sao ông là dân kinh doanh mà lại tuyên bố dành hết toàn bộ lợi nhuận của công ty trong vòng 16 năm tới để tài trợ cho chương trình từ thiện mổ tim cho trẻ em nghèo mang tên “Trái tim Hằng Hữu”?

- Khi tôi ý thức được làm người là năm 18 tuổi. Lúc đó, tôi đi bộ đội, khổ lắm. Năm 1979, đất nước chiến tranh, sau khi đi Campuchia về tôi đã có một tâm nguyện là cố gắng làm để kiến quốc. Tôi mày mò làm việc bắt đầu từ cái lò vôi. Khi đất nước chưa có gì thì tôi là người đầu tiên hình thành các khu công nghiệp tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư vô làm. Qua một quá trình làm khu công nghiệp, khu dân cư đạt được một số thành quả nhất định góp phần phát triển đất nước.

Quan điểm
img
Ông Huỳnh Uy DũngCòn được biết đến với cái tên Dũng 'lò vôi'
  Tôi đã nhờ Đại học Y dược TP.HCM và các cơ quan truyền thông thông tin làm sao để người dân nghèo biết được để khi con họ mắc bệnh tim bẩm sinh họ biết được một địa chỉ đáng tin cậy là trường Đại học Y dược TP.HCM...  
Sau đó, tôi quay qua làm Khu du lịch Đại Nam. Tôi xác định Đại Nam là một khu vui chơi giải trí mang tính tâm linh. Tôi quan niệm con người có bốn cái ơn: thứ nhất là cha mẹ ông bà tổ tiên sinh ra mình, thứ hai là đối với đất nước, thứ ba là trời phật và thứ tư là đồng bào. Khi ý thức được rồi thì tôi nghĩ đến chuyện phải trả ơn.

 

Tôi xây dựng đền thờ để tưởng nhớ ơn các bậc công thần, đấng tạo hóa cho mình có được ngày hôm nay. Đối với cha mẹ ông bà thì mình báo hiếu. Đối với đất nước thì từ khi đi bộ đội về tham gia phát triển đất nước. Đối với Trời Phật thì tôi xây đền thờ. Đối với đồng bào thì tôi tạo công ăn, việc làm cho người dân.

May mắn là qua một quá trình dài như thế tôi đã thành công về mặt tài chính, không nợ nần ai. Cũng nhờ niềm tin của người dân nên trong quá trình kinh doanh mình có được nên tôi muốn dành cái thành quả này để chia sẻ lại và tôi lập nên quỹ Huỳnh Hằng Hữu chuyên về mổ tim cho các cháu.

Vì sao ông lại chọn mổ tim để tài trợ mà không chọn bệnh khác?

- Vì bệnh tim hiện nay là ngặt nghèo nhất. Thứ nhất số tiền mổ tim là quá lớn so với bệnh nhân nghèo, thứ hai bệnh tim mà không cứu sống kịp thời rất nguy hiểm có thể dẫn đến tứ vong. Bản thân người bệnh không hòa nhập được với xã hội. Mọi người trên thế gian này biết đâu là người thân của mình nhiều đời, nhiều kiếp. Sinh, lão, bệnh , tử là qui luật rất quan trọng với con người. Khi sinh ra chưa lão đã bệnh tử thì rất đau lòng, kẻ tóc bạc phải khóc tiễn người tóc xanh.

Tôi trích hết lợi nhuận từ nay đến 16 năm nữa để thực hiện chương trình này. Năm nào không có lợi nhuận thì tôi sẽ bán tài sản làm sao ít nhất một năm mổ được 500 đến 1.000 ca. Từ nay trong vòng 16 năm nữa sẽ cứu 1 vạn rưỡi trẻ em mắc bệnh tim.

Không ai chọn được nơi sinh ra, chọn cha mẹ mình là ai, không ai muốn bệnh tật. Đã bệnh tật mà lại sinh ra trong một gia đình nghèo khó nữa thì tội nghiệp. Chứ nếu cũng bệnh đó mà sinh ra trong một nhà khá giả thì còn có cơ hội chữa trị. Gia đình khó khăn không có chi phí chữa bệnh mà đi vay thì lãi mẹ đẻ lãi con. Tôi nghĩ tôi làm vầy cũng như bao nhiêu người khác, họ cũng muốn làm nhưng điều kiện chưa cho phép. Một ngày nào đó có điều kiện và với tấm lòng nhân ái của người Việt Nam họ sẽ chung tay đi chung vào con đường thánh thiện.

img

Vợ ông Dũng ‘lò vôi’ và cậu con trai Huỳnh Hằng Hữu – tỉ phú từ khi tròn 1 tuổi. 

Tôi rất tri ân mỗi người khách vào Đại Nam, mỗi doanh nghiệp thuê trong khu công nghiệp hay đất dân cư đều là những người giúp tôi thực hiện việc cứu vớt các cháu. Mỗi người khách mua vé vào Đại Nam đều là người chung tay làm chương trình mổ tim này phát triển tốt đẹp.

Tôi hứa với Trời Phật tới năm 2030 tôi không nhận đồng bạc lãi nào từ các cổ đông. Quyết định từ Hội đồng quản trị đã ra rồi, Hội đồng cổ đông đã họp rồi thì mãi mãi như thế, đến khi con tôi được 18 tuổi. Vợ chồng tôi thay mặt con làm điều này đến khi cháu 18 tuổi và khi cháu 18 tuổi cháu sẽ tiếp tục thực hiện chương trình này.

Từ phương tiện, thành quả tôi làm ra tôi muốn đem ra tạo thành một nơi để mọi người quan tâm chung tay giúp đỡ trẻ em nghèo bệnh tim. Con tôi sẽ tiếp tục làm việc này, cháu sẽ không sử dụng các phương tiện này làm chuyện gì khác mà chỉ sứ dụng phục vụ cho việc mổ tim thôi. Việc này đã có hội đồng giám sát, nhân viên Đại Nam cùng giám sát.

Chi phí mổ tim tương đối lớn, không như các bệnh khác tôi chọn cái khó nhất để làm như một cách phát tâm phát nguyện của vợ chồng mình. Bắt đầu từ hôm nay nhân viên Đại Nam làm năng suất tăng lên để ngoài tiền lương được lãnh họ tâm niệm làm việc để cứu người chứ không phải làm lợi cho chủ.

Không chỉ 16 năm mà sẽ là mãi mãi! Không có chuyện chia lợi nhuận cho cổ đông mà là mục tiêu cứu giúp trẻ em, giúp các em sau này hòa nhập cộng đồng để đi đến bước ngoặt khiến họ nhớ mãi với hy vọng đến khi thành đạt họ cứu giúp lại những mảnh đời như họ trước đây.

Đó chính là điều mong muốn nhất của tôi. Còn tôi không nặng nề gì cả, tất cả buông bỏ hết chỉ còn niềm vui lớn nhất là mỗi trái tim được cứu khỏe mạnh hòa nhập với cộng đồng chính là món quà, tài sản tôi dành tặng cho con trai.

Tôi muốn nói là “chia sẻ lại” chứ không phải là “cho” các cháu, coi như là người có giúp người không có. Cũng có những người Việt Nam rất là thánh thiện, từ bi hỉ xả, nếu có điều kiện cả cộng đồng chung tay lại cùng cứu giúp các trẻ em Việt Nam. 

img

Bà Nguyễn Phương Hằng – vợ ông Dũng ‘lò vôi’ phát biểu tại buổi ký thỏa thuận với Bệnh viện Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh về việc tài trợ mổ tim cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Trước đây ông đã từng có một quỹ từ thiện rồi, cơ duyên nào ông chọn Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM để gởi gắm niềm tin của ông vào đó?

- Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM là nơi đào tạo ra bác sĩ cho đất nước này. Có một nguyên tắc là đào tạo một sinh viên giỏi thì bệnh viện phải nghĩ làm sao giữ bác sĩ đó lại để giảng dạy ở trường đồng thời tham gia cứu chữa nên tôi tin rằng đây sẽ có một đội ngũ giáo sư giỏi sẽ truyền đạt hiểu biết của mình cho thế hệ sau, nơi tập hợp nhiều bác sĩ, có thiết bị hiện đại, tôi tin về tâm đức của đội ngũ bác sĩ nơi đây.

Khi người bệnh được địa phương giới thiệu đến để họ tầm soát cứu chữa. Có khả năng đây cũng là áp lực mạnh với tôi vì phải kinh doanh sao cho ra tiền, khấn xin Trời Phật giúp mình. Nhân viên làm họ lãnh lương đồng thời gắn với việc họ đi cứu người sẽ khác với việc làm ra nhiều thì ông chủ lấy, còn bên này làm ra nhiều thì đi cứu người. Tôi muốn dẫn dắt gia đình và nhân viên của tôi đi vào cõi thánh thiện. Mọi người đến Đại Nam cũng là một việc thiện rồi, đó là cứu giúp người. Từ nay trở đi ông chủ Đại Nam không chia một đồng bạc lãi nào, tất cả dùng để cứu người.

Ông có mong muốn nông dân đặc biệt là những người nghèo xa xôi biết đến chương trình này không? Khi họ biết được họ đến thì ông có tạo điều kiện thuận lợi cho họ không?

- Cái quan trọng hiện nay là tôi đã nhờ Đại học Y dược TP.HCM và các cơ quan truyền thông thông tin làm sao để người dân nghèo biết được để khi con họ mắc bệnh tim bẩm sinh họ biết được một địa chỉ đáng tin cậy là trường Đại học Y dược để họ đến và dứt khoát sẽ được cứu chữa không phân biệt địa phương nào cả. Có chăng chỉ là những nơi, chẳng hạn như nơi tôi làm ra được của cải vật chất là ở Bình Dương thì ở đó không được để sót cháu bé nào. Thứ hai là quê hương tôi - Bình Định sẽ ưu tiên làm trước rồi lan tỏa ra 63 tỉnh thành. Trước đây tôi tham gia nhiều chương trình nhưng nhỏ lẻ, không dài hơi, lần này tôi phát tâm đem hết những gì mình có để biến thành phương tiện cứu các cháu.

Trong quá trình thực hiện chương trình “Trái tim Hằng Hữu” để giúp mổ tim cho trẻ em nghèo, dù cái tâm ông mong muốn nhưng lực không thể làm được thì ông tính sao?

- Tôi nghĩ làm từ thiện thì không có rủi ro, năm nào lãi ít, khu công nghiệp của tôi cho thuê rất ổn định thường xuyên chia đều cho 50 năm. Khu dân cư cũng vậy. Khu du lịch nữa, mọi người khách và nhân viên chính là người cứu giúp trẻ em Việt Nam. Sau này, họ đã thoải mái làm ở đó rồi thì tôi sẽ tính đến chuyện đầu tư lâu dài xây dựng hệ thống nhà trọ cho công nhân. Đầu tư nhà xưởng cho thuê để tạo lợi nhuận cho chương trình để quỹ này tồn tại mãi mãi từ đời này sang đời khác.

Đây là chương trình rất tốn kém với số tiền tài trợ có thể hơn 1.000 tỷ đồng, nếu lỡ công ty ông làm ăn thua lỗ, lúc đó ông sẽ rơi vào cảnh nợ nần thì sao? Ông có nghĩ rằng làm chương trình này để tạo dấu ấn như những gì người ta hay nghĩ về ông là làm cái gì cũng khùng khùng điên điên. Ông có nghĩ mình đang làm cái việc khùng khùng điên điên không?

- Xưa giờ người ta hay cho là tôi khùng điên nhưng cái phát nguyện của tôi là làm điều chưa ai dám làm, cứ phát tâm mình làm, cứ đi thì sẽ đến. Đối với Trời Phật, đối với những điều kỳ diệu, tôi nghĩ rằng kinh tế nó chỉ quyết định được mức sống con gnười. Đạo đức quyết định sự thịnh suy của kinh tế nên tôi nghĩ việc tôi làm có Trời Phật chứng giám, có sự đồng tình của người dân nên tôi nghĩ rằng tôi sẽ thực hiện được cái hoài bão này và chắc là chương trình này sẽ là mãi mãi hễ còn người bệnh tim là tôi còn làm đến khi không còn người bệnh thì thôi, lúc đó tôi sẽ sử dụng quỹ vào việc khác.

Tôi sẽ tập trung hết những gì mình có để thực hiện chương trình này, nếu năm nào lợi nhuận thiếu thì tôi lấy khấu hao. Nếu công ty tôi còn nợ nần, vướng mắc thì tôi sẽ không làm được. Thứ nhất là phải vận động những người chung quanh mình, cổ đông phải đồng tình với mình mới thực hiện được. Thứ hai không còn nợ nần nên tôi không phải làm việc này để PR vì tôi đâu hưởng lợi gì đâu. Cứu giúp người là cần thiết và tôi muốn bệnh viện Đại học Y dược là một địa chỉ khi mọi người bị bệnh tim, họ biết có một địa chỉ chắc chắn và họ đến đó thì sẽ được cứu giúp, chứ không phải tìm đến tôi.

Lợi nhuận Đại Nam từ nay sẽ không có chia mà người hưởng lợi nhuận của Đại Nam chính là trẻ em bệnh tim, tật nguyền nghèo của Việt Nam và các em chính là ông chủ thật sự của Đại Nam từ giờ trở đi. Vợ chồng tôi thay mặt con làm điều này đến khi cháu 18 tuổi và khi cháu 18 tuổi cháu sẽ tiếp tục thực hiện chương trình này.

img

Vợ chồng ông Dũng ‘lò vôi’. 

Trước đây, khi có ý định thoái vốn Đại Nam, ông có tâm nguyện muốn dành hết số tiền để đầu tư xây 17 ngôi đền, mỗi cái hơn 100 tỷ đồng, việc này dư luận cho là ông bị khùng điên. Lần này, ông làm thêm một việc khùng điên nữa nhưng thiết thực hơn, có phải ông muốn thay đổi tư duy quan điểm của mình không?

- Trước đây khi định thoái vốn Đại Nam và đó là số vốn rất lớn nên tôi làm hai cái song hành trong đó có việc xây 17 ngôi đền và việc này. Nhưng chưa thoái vốn được Đại Nam và có nhiều người góp ý với tôi rằng cứu một mạng người bằng xây bảy ngôi chùa. Cứu một trẻ sơ sinh bên bờ sinh tử thì rất quan trọng nên tôi làm ngược lại là ưu tiên chuyện mổ tim trước.

Với các phương tiện mình đang có khi mình chưa thoái vốn, tôi ưu tiên chuyện cứu người trước. Khi mà thoái vốn thì có một cục tiền vô, ví dụ có 10 đồng thì tôi để 2 đồng ra xây đền còn 8 đồng để sinh lời tạo nguồn thu để thực hiện chương trình mổ tim dài hơi. Tức là đưa chuyện mổ tim lên ưu tiên, chừng nào thoái vốn được cục tiền lớn thì tôi xây đền. Con đường tôi đi tôi hay có cảm nhận, có những cái cảm nhận của tôi người ta hay nói tôi khùng. Những lúc tôi dừng lại không làm gì người ta cũng nói tôi khùng. Nếu tôi làm nữa thì giờ này nợ nần tôi đầy đầu rồi.

Chính những cái khùng của tôi thật sự là những cái may mắn của tôi, tôi rất tin vào Trời Phật. Đi vào con đường này rất là khó nhưng mình biết được con đường tâm linh là con đường có thật. Có tâm thì có linh. Tôi xây đền là muốn chia sẻ những cái tôi đạt được. Chương trình mổ tim là cũng chia lại những cái tôi đạt được. Vợ chồng tôi chia sẻ cho người nghèo bằng cả trái tim mình.

Mọi cái tôi đạt được từ tâm linh đến vật chất, tôi đạt được nhưng tôi không chiếm hữu, tôi biến nó thành mục tiêu cuối cùng là phương tiện cứu trẻ em. Đó là niềm vui nhất của tôi, tôi coi những cháu được mổ tim như chính là con mình. Tôi tha thiết được làm việc này chứ không phải đợi người ta đến xin xỏ mới làm. Tôi tha thiết để được chia sẻ lại cho những mảnh đời bất hạnh để họ quay lại một sức khỏe bình thường mà đóng góp cho đất nước, giúp đỡ cho gia đình và trở thành công dân có ích cho xã hội không làm khổ những người chung quanh vì bệnh tình của mình.

Tôi dành hết tuổi đời, sức lực trời cho coi họ như người thân biết đâu kiếp trước họ là cha, mẹ, anh em người thân của mình. Tôi sẽ dành thời gian khi các em vô mổ thì sẽ dùng cơm chung với các em một lần trong bệnh viện để thăm hỏi. Tôi không bon chen, hơn thua gì với đời nữa. Giờ may mắn kết thúc có hậu nên mình cố gắng làm. Tôi không bon chen, hơn thua gì với đời nữa.

Cho nên đừng nghĩ rằng tôi khùng điên khi bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng tài trợ cho chương trình mổ tim. Từ đây về sau người thụ hưởng lợi nhuận không phải ông chủ, cổ đông của Đại Nam mà là các cháu – những bệnh nhân mổ tim mới chính là ông chủ thật sự của Đại Nam.

img Bà Phương Hằng và con gái Mi - Ca.


Về chương trình anh làm thì người thân, vợ con có ủng hộ ông không?

- Bà xã tôi đương nhiên ủng hộ, nhân viên cũng ủng hộ tối đa. Họ rất là hãnh diện được phục vụ chuyện này vì lương họ vẫn lãnh. Họ làm thêm 15, 30 phút để đóng góp vào chuyện này. Họ coi đó là trách nhiệm bảo vệ tài sản một con người. Tất cả mọi người chung quanh tôi ủng hộ tối đa. Từ người thân đến nhân viên của tôi. Đặc biệt là nhân viên.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem