Tuyển điều dưỡng, hộ lý đi Nhật: Không dễ kiếm lương “khủng”

Thứ hai, ngày 27/08/2012 06:37 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dù đã đạt tới cấp độ này, lao động cũng vẫn chưa được làm chính thức ngay mà sẽ phải thực tập tiếng tiếp 2 tháng, sau đó làm phụ việc cho các điều dưỡng chính thức ở Nhật.
Bình luận 0

Từ 1.9 tới 15.9, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) tổ chức tiếp nhận hồ sơ cho Chương trình phái cử ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản. Hồ sơ tiếp nhận không hạn chế, tuy nhiên sẽ chỉ có 150 người được lựa chọn.

Làm điều dưỡng không dễ

Nếu chỉ nhìn vào mức lương “khủng” và các điều kiện ưu đãi, chương trình này thực sự rất hấp dẫn. Cụ thể, ứng viên điều dưỡng: 130.000 – 140.000 yen/tháng (tương đương 34 - 37 triệu đồng/tháng); ứng viên hộ lý: 140.000 – 150.000 yen/tháng (tương đương 37 – 40 triệu đồng/tháng).

img
Nhiều điều dưỡng ở Việt Nam sẽ có cơ hội đi làm việc tại Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Thanh- Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước – chương trình này không có chỗ cho lao động phổ thông bởi đòi hỏi trình độ rất cao. Ứng viên phải đạt được 4 tiêu chí: Tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng đa khoa (3 năm) hoặc đại học điều dưỡng đa khoa (4 năm); không quá 35 tuổi; được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; có ít nhất 2 năm kinh nghiệm - tức là phải đang làm việc tại một cơ sở y tế ở vị trí điều dưỡng viên hoặc hộ lý.

Chương trình này được ký kết giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản, thực hiện theo hình thức dịch vụ công (không qua các công ty XKLĐ), vì vậy người lao động được hưởng rất nhiều ưu đãi như được đào tạo tiếng Nhật miễn phí 12 tháng, đào tạo giáo dục định hướng, tìm hiểu văn hóa nước bạn, được hỗ trợ chọn nơi làm việc.

Bởi vậy, ông Lê Văn Thanh cũng lo ngại: “Dù số lượng điều dưỡng viên ở Việt Nam khá lớn, nhưng không phải ai cũng biết chương trình này và đạt được trình độ như mong muốn để nộp hồ sơ. Và sau đó là hàng loạt các kỳ thi, mà kỳ thi đầu tiên là thi lấy chứng chỉ hành nghề điều dưỡng ở VN”.

Theo chương trình do phía Nhật Bản thiết kế, các ứng viên được chọn sẽ học tiếng trong vòng 12 tháng. Sau đó, lao động sẽ bước vào kỳ thi cấp độ N3 năng lực tiếng Nhật. Nếu qua được kỳ thi này, Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với đối tác phía Nhật Bản sẽ giới thiệu lao động cho các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng ứng viên điều dưỡng và hộ lý để lựa chọn.

“Dù đã đạt tới cấp độ này, lao động cũng vẫn chưa được làm chính thức ngay mà sẽ phải thực tập tiếng tiếp 2 tháng, sau đó làm phụ việc cho các điều dưỡng chính thức ở Nhật. Công việc chủ yếu là sẽ phải vận chuyển bệnh nhân, vận chuyển các mẫu, kết quả xét nghiệm, các loại đơn, phiếu, tiếp nhận thuốc, làm vệ sinh phòng bệnh, dụng cụ y tế, vệ sinh dụng cụ vệ sinh, tiêu độc, dọn dẹp”- ông Thanh nói.

Tận dụng cơ hội…

Thực tế, xuất khẩu lao động (XKLĐ) nghề điều dưỡng, khán hộ công (chăm sóc người già) không mới ở Việt Nam. Từ những năm 2003-2004, Đài Loan đã mở cửa tiếp nhận lao động khán hộ công của Việt Nam làm việc tại các bệnh viện, nhà dưỡng lão. Tuy nhiên, hình thức làm việc này chủ yếu là dọn dẹp, chăm sóc người bệnh nên không cần lao động trình độ cao.

Chị Nguyễn Thị Thu - lao động ở Lương Tài (Bắc Ninh) cho biết, qua Công ty XKLĐ Vietrasimex, chị đã xuất cảnh và làm việc ở một trại dưỡng lão ở TP. Đài Trung, công việc khá vất vả, liên quan tới sức khỏe bệnh nhân nên không thể lơ là. Dẫu vậy, mức lương cũng không cao: Từ 7-8 triệu đồng/tháng.

Tới năm 2008 - 2009, một số DN XKLĐ tiên phong mở hướng đưa điều dưỡng, sang Mỹ, Autralia với mức lương rất cao (có thể đạt tới 60.000USD/năm). Tuy nhiên, thời điểm đó, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Tổng Giám đốc AIC đã thừa nhận là… không tuyển nổi vì yêu cầu quá cao: Để được nhập cảnh vào Mỹ làm nghề điều dưỡng, người lao động phải có bằng điều dưỡng được Mỹ công nhận và trình độ tiếng Anh đạt TOEFL 550.

Về chương trình đi Nhật Bản, ông Thanh nói: “Đây là cơ hội tốt để lao động thử sức, bởi sau khi được chọn, được thực tập trong các bệnh viện, lao động sẽ được hỗ trợ tham gia kỳ thi cấp chứng chỉ quốc gia về nghề điều dưỡng, hộ lý của Nhật. Nếu đỗ, các ứng viên sẽ được cấp chứng chỉ quốc gia đối với điều dưỡng viên, hộ lý Nhật Bản và được phép ở lại làm việc dài hạn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem