Bắt đầu xét tuyển từ 1.8
Khác với mọi năm, năm nay, tất cả các trường ĐH nhận kết quả của kỳ thi THPT quốc gia đều sẽ tổ chức xét tuyển trong cùng một thời điểm và công bố điểm xét tuyển cũng như kết quả xét tuyển trong cùng một thời điểm do Bộ GDĐT quy định.
Cụ thể, bắt đầu từ ngày 1 đến 20.8, các trường ĐH, CĐ sẽ chính thức nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt I của các thí sinh. Sau 5 ngày, kết quả trúng tuyển phải được công bố.
Thí sinh nộp hồ sơ thi THPT quốc gia tại Cơ quan đại diện Bộ GDĐT tại TP.HCM. Q.H
Như vậy, so với các năm trước, thí sinh sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia ngày 4.7 có gần 1 tháng để chuẩn bị cho việc làm hồ sơ xét tuyển ĐH, CĐ (thời điểm 20.8 các năm trước là lúc thí sinh trượt nguyện vọng 1 (NV1) bắt đầu làm hồ sơ xét tuyển NV2).
Em Nguyễn Thị Hương Giang – Trường THTP Thái Phúc (Thái Thụy, Thái Bình) cho biết: “Năm nay, thi xong cả tháng mới được làm hồ sơ xét tuyển ĐH, rồi phải chờ gần tháng nữa mới biết mình có đỗ ĐH không để làm thủ tục xét tuyển các đợt sau. Thời gian kéo dài như vậy sẽ khá căng thẳng”.
Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT) lưu ý thí sinh cần cập nhật thường xuyên các thông tin xét tuyển của các trường và quy định của Bộ GDĐT để tránh nhầm lẫn. Cụ thể, trong thời gian 20 ngày xét tuyển NV1, nếu cần, thí sinh có thể điều chỉnh NV đã đăng ký hoặc rút hồ sơ để đăng ký trường khác. Tuy nhiên, thí sinh chỉ được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển NV1 để đăng ký vào 1 trường ĐH hoặc CĐ. Mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa 4 NV vào các ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1- 4. Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng quy định rõ, thí sinh đã trúng tuyển NV1 không được đăng ký ở các đợt xét tuyển NV bổ sung. Sau đợt xét tuyển đầu tiên, thí sinh có thể dùng đồng thời 3 giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển NV bổ sung để đăng ký tối đa vào 3 trường và ở mỗi trường, được đăng ký tối đa 4 NV.
Đặc biệt, trong thời gian của từng đợt xét tuyển NV bổ sung, thí sinh sẽ không được rút hồ sơ. Sau mỗi đợt xét tuyển, nếu không trúng tuyển, thí sinh được rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển trong đợt tiếp theo. Thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 31.10 đối với trường ĐH và 20.11 đối với trường CĐ.
Trước mỗi đợt xét tuyển, thí sinh sẽ được các trường thông báo công khai trên trang thông tin điện tử chỉ tiêu của các ngành hoặc nhóm ngành (gọi chung là ngành) đối với đợt xét tuyển đó. Đồng thời, trong thời gian nhận hồ sơ của một đợt xét tuyển, 3 ngày 1 lần, các trường bắt buộc phải công bố trên trang thông tin điện tử của mình danh sách các thí sinh đã đăng ký theo từng ngành và xếp theo kết quả thi từ cao xuống thấp.
Bối rối… thi riêng
Năm nay, một số trường ĐH, CĐ có đề án tuyển sinh riêng không trùng lịch xét tuyển, thi tuyển với các trường có nhận kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Lưu ý với những thí sinh có ý định thi vào các trường này cần theo dõi sát thời gian và điều kiện xét tuyển.
Là trường duy nhất được Bộ GDĐT duyệt đề án thi theo đánh giá năng lực học sinh, năm 2015 thí sinh thi vào ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ có 2 đợt thi, đợt 1 từ ngày 30.5 đến 3.6 và đợt 2 thi vào tháng 8 với đề thi hoàn toàn khác với kỳ thi THPT quốc gia. Vì quy định thi riêng này mà không ít thí sinh thi vào trường gặp rắc rối.
Em Nguyễn Văn Thạch – học sinh lớp chuyên lý Trường THPT chuyên Thái Nguyên đăng ký dự thi vào khoa Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội). Thời gian đăng ký thi đợt 1 trên mạng từ ngày 1 đến 15.4, sau khi đăng ký xong và nhận được mã số thi, Thạch lại quên không ra ngân hàng đóng tiền lệ phí thi 100.000 đồng. Đến ngày hết hạn Thạch mới biết mình đã “trượt” mất cơ hội thi vào trường yêu thích. Thạch buồn rầu cho biết: “Em đã liên hệ lên Trung tâm Kiểm định chất lượng của trường nhưng họ cho biết dữ liệu đã được gửi lên Bộ, không nhập lại được”.
Ông Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Với trường hợp thí sinh chưa kịp nộp hồ sơ thi đợt 1 vào trường có thể chờ đến đầu tháng 8 để thi đợt 2. Tuy nhiên, lời khuyên với thí sinh thi vào những trường có để án thi riêng cần phải thật thận trọng, tìm hiểu kỹ những thông tin về thời gian nhận hồ sơ, thời gian thi, điều kiện thi, tránh nhầm lẫn”.
Tương tự, Trường ĐH Nguyễn Trãi (Hà Nội) cũng đã kết thúc đợt 1 tuyển sinh từ ngày 1.1 đến hết ngày 15.2 dành cho những thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm 2014 về trước. Điều kiện xét tuyển đợt 1 của trường này dựa vào học bạ THPT, thời gian nhập học liên tục đến hết ngày 28.2 và dự kiến khai giảng vào ngày 9.3. Đợt 2, trường này bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 1.6 đến hết ngày 30.9.
Cán bộ tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Trãi cho biết, vì xét tuyển không liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia nên thí sinh muốn học tại ĐH Nguyễn Trãi cần tìm hiểu kỹ thông tin để tránh “lạc đường” trong lượng thông tin khổng lồ và phức tạp của mùa tuyển sinh năm nay.
Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT) lưu ý thí sinh cần cập nhật thường xuyên các thông tin xét tuyển của các trường và quy định của Bộ GDĐT để tránh nhầm lẫn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.