Hơn 122.000 thí sinh dù trúng tuyển đại học nhưng đã không xác nhận nhập học năm 2024. Ngoài lý do thí sinh đăng ký sai, không muốn học nguyện vọng đã trúng tuyển, chuyên gia còn phân tích một lý do quan trọng khác.
Hơn 122.000 thí sinh bỏ đăng ký nguyện vọng: Học phí đại học vượt quá mức cha mẹ có thể chi trả
Là người quan tâm đến giáo dục Việt Nam, nhà văn Hoàng Anh Tú đã có trao đổi với PV báo Dân Việt về việc hơn 122.000 thí sinh đỗ đại học nhưng bỏ nhập học. Theo anh Tú, một phần trong số lý do đó là học phí vượt quá mức cha mẹ có thể chi trả được.
"Nếu như ngày xưa, thế hệ của chúng ta, việc đỗ đại học có khi bố mẹ khao cả làng, cả họ thì ngày nay, việc đỗ đại học còn dễ hơn cả đỗ vào lớp 10 ở các thành phố lớn. Chỉ cần xét học bạ là cũng đỗ, điểm thi tốt nghiệp trên 5 là đầy trường chào đón, IELTS chỉ cần 5.0 cộng với học bạ đẹp chút là đường hoàng trở thành sinh viên. Nhưng từ đỗ đại học đến con đường trở thành sinh viên đang ngày một khó đi hơn. Như năm nay, hơn 122,000 thí sinh đỗ đại học nhưng bỏ nhập học. Như năm ngoái cũng tương tự như thế.
Việc các em bỏ nhập học có thể vì nhiều nguyên nhân nhưng một trong số đó đang là… tài chính. Trong một thống kê với 110 trường đại học cho thấy học phí của tân sinh viên năm học này là từ 10,6 - 250 triệu đồng mỗi năm, trung bình phổ biến quanh mức 20-35 triệu đồng.
Để tồn tại được ở Hà Nội hoặc TP.HCM, trung bình cần khoảng 10 triệu đồng/tháng cho học phí, ăn uống, nhà trọ, xăng xe, internet… Đó có lẽ là lý do khiến nhiều em phải từ bỏ con đường trở thành sinh viên của mình vì nó vượt quá khả năng tài chính của nhiều gia đình.
Trở thành sinh viên đại học là ước mơ và thậm chí với nhiều em, là mục tiêu duy nhất để có tương lai. Bởi ngoài kia, người ta vẫn trọng bằng cấp, vẫn yêu cầu có bằng đại học. Chưa kể sự phổ cập đại Học khiến những đứa trẻ không học đại học có thể bị lạc lõng so với bạn bè. Nhưng thực sự các em có cần phải cố kiết để vào đại học bằng việc vắt kiệt túi của cha mẹ mình?
Chúng ta có cơ chế cho sinh viên vay tiền để học tập là hộ nghèo, cận nghèo hoặc gặp khó khăn tài chính do các tình huống bất ngờ vay tiền đi học nhưng tối đa 4 triệu đồng mỗi tháng. Mức này chưa đủ với các em.
Con đường từ đỗ đại học đến trở thành sinh viên thực sự là rất xa với rất nhiều đứa trẻ còn chưa làm ra tiền, còn phải bám víu vào những giọt mồ hôi của cha mẹ mình. Liệu các em có nhất thiết phải trở thành sinh viên bằng mọi giá không?".
Những giải pháp cho thí sinh nếu điều kiện kinh tế không cho phép
Trao đổi với PV báo Dân Việt, thầy Phạm Quốc Toản, Tổ trưởng tổ Tự nhiên, Phó ban chuyên môn Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, quận Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết: "Theo tôi có 2 nguyên nhân khiến thí sinh lo lắng khi trúng tuyển đại học. Thứ nhất là học phí trường quá cao (thường các trường dân lập) và thứ hai là trúng tuyển vào các trường thí sinh không thích. Ngoài ra một phần nhỏ do các em đi du học nên chỉ đăng ký xét tuyển cho đủ thủ tục. Trong đó, yếu tố học phí cũng khiến thí sinh phân vân nhiều bởi khi đăng ký nguyện vọng thì theo thí sinh lựa chọn nhưng quyết định tài chính đi hộc lại do bố mẹ".
Theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, tân sinh viên có thể xem một số giải pháp sau để tiếp tục học tập nếu vì điều kiện kinh tế không cho phép:
1. Sinh viên nên tìm hiểu về các chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính của trường đại học hoặc các tổ chức bên ngoài. Nhiều trường đại học có các chương trình học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp giảm bớt áp lực tài chính.
2. Một số ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng cung cấp các khoản vay với lãi suất ưu đãi dành cho sinh viên. Điều này giúp sinh viên có thể trang trải chi phí học tập trước mắt và trả nợ sau khi ra trường và đi làm.
3. Đặc biệt sinh viên có thể tìm kiếm các công việc làm thêm bán thời gian để có thêm thu nhập. Những công việc này không chỉ giúp trang trải một phần học phí mà còn giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng làm việc.
4. Nên lựa chọn học theo chương trình linh hoạt, tạm hoãn một số môn học để giảm gánh nặng học phí trong một kỳ học nhất định, kéo dài thời gian học tập của mình.
5. Nếu tân sinh viên thuộc diện chính sách, con em gia đình có công với cách mạng, có sổ hộ nghèo, hoặc những trường hợp đặc biệt khác, có thể được xét miễn, giảm học phí theo quy định của nhà nước hoặc trường học.
Và tân sinh viên có thể liên hệ với các tổ chức từ thiện, các quỹ hỗ trợ sinh viên hoặc cộng đồng để tìm kiếm sự giúp đỡ về tài chính. Việc này có thể rèn luyện thêm kỹ năng sống tốt hơn cho các tân sinh viên".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.