Giảm hồ sơ ảo
Ông Văn Như Cương- Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, 100% học sinh trong trường nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH và đều nộp tại trường. Tổng hồ sơ thu được là 2.500 bộ trên tổng số 600 học sinh, tính trung bình mỗi học sinh nộp khoảng 4 bộ. Lượng hồ sơ này ít hơn so với năm ngoái do giảm hồ sơ ảo.
|
Thí sinh nộp hồ sơ tại phòng giáo dục quận Cầu Giấy, Hà Nội ngày 11.4. |
“Năm ngoái, trung bình mỗi em nộp 5-6 bộ hồ sơ nhưng năm nay chỉ 4 bộ. Thông thường, mỗi em đăng ký dự thi 2 khối A – B hoặc A – D, mỗi khối 2 bộ hồ sơ. Tuy nhiên vẫn có em nộp tới 13 bộ vì đến thời điểm này vẫn chưa quyết định chọn trường nào” - ông Cương cho biết.
Tương tự, Trường THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội) thu được hơn 1.000 bộ hồ sơ với 100% học sinh trong trường thi ĐH. “Có yếu đến mấy, học sinh vẫn nộp hồ sơ với hy vọng học được ngành nghề gì đó”- bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Hiệu trưởng nhà trường nói.
Trong khi đó, các trường khu vực nông thôn số thí sinh đăng ký thi ĐH ít hơn. Trường THPT Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội) có 60% học sinh lớp 12 nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, số còn lại có định hướng học các trường trung cấp, trường nghề. Số hồ sơ CĐ chiếm 30% tổng số hồ sơ thu được. Đa số học sinh trong trường chỉ nộp 2 bộ hồ sơ, có thể cả hai đều là ĐH, hoặc 1 ĐH, 1 CĐ, thí sinh nộp nhiều nhất là 4 bộ hồ sơ.
Trường THPT Lang Chánh, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa thu được 820 bộ hồ sơ, giảm khoảng 300 bộ so với năm ngoái. Số học sinh đăng ký dự thi ĐH chiếm khoảng 97% tổng số học sinh lớp 12. Trung bình mỗi học sinh nộp 2 bộ hồ sơ, thí sinh nộp nhiều nhất là 6 bộ.
Tại TP.HCM, học sinh cũng khá dè dặt khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Bà Trương Thị Kim Anh, cán bộ phụ trách giáo vụ tại Trường THPT Marie Curie (TP.HCM), nhận định: “Trung bình mỗi em nộp khoảng 3 bộ hồ sơ. Đa số thí sinh chọn thi khối B hoặc A chứ rất ít TS đăng ký dự thi khối C. Các trường TS chọn nhiều vẫn là ĐH Y Dược TP.HCM, Kinh tế TP.HCM, ĐH Tài chính - Marketing, ĐH Hoa Sen…”.
Nhiều phụ huỵnh chọn trường hộ con
Theo nhận định của lãnh đạo nhiều trường, năm nay, thí sinh đã chủ động hơn trong việc lựa chọn ngành nghề. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp thí sinh chọn trường vì áp lực của gia đình, theo định hướng của gia đình hoặc theo phong trào.
“Một số trường có khối ngành kinh tế như: Học viện Ngân hàng, ĐH Thương mại... đã không còn là sự lựa chọn số 1 của thí sinh như vài năm trước”.
Ông Văn Như Cương
“Đa số các em đã có sự nghiên cứu, lựa chọn trước khi làm hồ sơ đăng ký dự thi ĐH. Tuy nhiên, vẫn có em có xu hướng thích cái gì thi cái đó. Ngoài ra, một số em chọn ngành nghề theo định hướng của bố mẹ. Ví dụ, bố mẹ làm nghề gì thì hướng cho con học ngành đó để thuận công việc sau khi ra trường...” - ông Văn Như Cương ví dụ.
Cũng theo ông Cương, công tác tư vấn hướng nghiệp ở các trường THPT hiện đã thiết thực hơn, giúp học sinh đỡ lúng túng hơn khi lựa chọn nguyện vọng. Tuy nhiên, công tác dự báo nhân lực cần làm tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Long – Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GDĐT Thanh Hoá) nhận định: “Năm nay thông tin từ các trường THPT trên địa bàn cho thấy thí sinh khu vực nông thôn đã rất thực tế, giảm chọn học ĐH, và trong khối ĐH thì đã bắt đầu tăng hồ sơ khối nông, lâm. Những năm trước lượng hồ sơ của 2 khối ngành này thường rất ít. Số lượng tăng của năm nay chứng tỏ các em đã có những định hướng chọn nghề chắc chắn hơn, không chạy theo những khối ngành thời thượng”.
Hà An - Quốc Hải
Vui lòng nhập nội dung bình luận.