Không có thủ khoa đạt điểm tuyệt đối
Trả lời báo chí ngày 29.7, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết, đây là lần đầu tiên ở một kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ, Bộ GDĐT làm và công khai dữ liệu thống kê lũy kế kết quả theo các tổ hợp môn thi nhằm hỗ trợ thêm cho TS trong việc cân nhắc chọn trường, ngành phù hợp với mức điểm của mình để khả năng trúng tuyển cao nhất.
Thí sinh hoàn thành bài thi môn Ngoại ngữ tại kỳ thi THPT quốc gia 2015. (ảnh chụp tại cụm thi Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Ảnh: Đ.D
Dữ liệu cung cấp số lượng TS ở từng mức điểm cụ thể, tổng số TS đạt từ mức điểm đó trở lên và tỷ số giữa số TS đạt từ mức điểm đó trở lên so với tổng số TS. “Ngoài việc hỗ trợ TS, dữ liệu này còn giúp các trường cân nhắc việc xác định điểm nhận hồ sơ và điểm chuẩn vào trường mình” – ông Ga nói.
Theo dữ liệu này, kỳ thi THPT quốc gia năm nay không có thủ khoa nào đạt điểm tuyệt đối. Khối A có 2 TS đạt điểm cao nhất là 29,5 điểm; Khối B có 2 TS đạt 29,75 điểm; 1 thủ khoa khối A1 đạt 28,75 điểm; 1 thủ khoa khối C đạt 28,5 điểm và 1 thủ khoa khối D đạt 28,25 điểm.
Nhìn từ dữ liệu thống kê cũng cho thấy, khối D năm nay có mức điểm cao không nhiều. Cụ thể, mức điểm từ 20 điểm trở lên chỉ chiếm 9,9% trong tổng số TS, trong khi đó điểm từ 20 trở lên ở khối C chiếm 28,4%, khối A1 là 14,2%, khối B là 24,4% và khối A là 36,7%. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, đây là mức điểm xét tuyển dành cho các ngành và khối trường “top” trên. Như vậy, dự đoán điểm chuẩn xét tuyển vào các trường theo khối D có khả năng sẽ thấp hơn so với mọi năm. Ngược lại, các khối A, B và C sẽ tăng hơn vì lượng TS đạt điểm cao của các khối này chiếm tỷ lệ lớn.
Em Nguyễn Văn Toàn (Việt Trì, Phú Thọ) cho biết, em đã bớt lo lắng rất nhiều sau khi Bộ GDĐT công bố mức điểm rõ ràng cho từng khối thi. “Khi mới biết phổ điểm, em phải mất 2 ngày ngồi lọc dữ liệu từ biểu đồ tính toán để xem điểm mình đứng ở mức nào. Bây giờ thì yên tâm rồi. Em được 22,5 điểm khối A, tức là có 45.759 TS bằng và hơn điểm em. Em tự tin hơn khi quyết định sẽ nộp hồ sơ vào ĐH Xây dựng Hà Nội” - Toàn nói.
Tương tự, Hoàng Thị Ánh Nguyệt (Tiền Hải, Thái Bình) đạt số điểm khá cao, 25 điểm khối D nhưng trước đó vẫn không tự tin để quyết định nộp hồ sơ vào ĐH Ngoại thương – trường mà Nguyệt mong muốn. “Giờ em biết chỉ có 1.910 TS bằng và cao hơn điểm mình (chiếm 0,4%), nếu san đều cho tất cả các trường “top” có tuyển khối D thì em nghĩ mình cũng không phải “chọi” nhiều” – Nguyệt nói.
Trường “top” trên cũng lấy điểm sát “sàn”
Sau khi Bộ GDĐT công bố điểm sàn, và thống kê điểm của TS theo khối thi, nhiều trường ĐH ngay lập tức thông báo điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển của trường mình. Trong số rất nhiều trường chọn mức điểm an toàn – bằng điểm sàn của Bộ GDĐT (15 điểm) có nhiều trường thuộc “top” trên có điểm trúng tuyển hàng năm rất cao.
“TS phải thật cân nhắc, chỉ có mức điểm tương đối cao mới nên gửi hồ sơ vào trường “top” trên, kể cả trường có lấy ngưỡng điểm bằng sàn, tránh tình trạng phải nộp và rút hồ sơ nhiều lần. Các em nên tham khảo kỹ chỉ tiêu năm nay và điểm chuẩn các năm trước của trường đó làm căn cứ để nộp hồ sơ xét tuyển. Điểm nhận hồ sơ chỉ là điều kiện cần” – ông Ga nói.
|
Ông Lê Quốc Hạnh – Trưởng phòng Đào tạo ĐH Hà Nội cho biết, tất cả những TS đạt từ 15 điểm trở lên ở các tổ hợp môn thi trường xét tuyển đều có thể nộp hồ sơ vào trường. Ông Hạnh cho biết, sở dĩ trường chọn mức sàn là vì mọi năm trường dựa trên điểm số của TS dự tuyển vào trường để đưa ra điểm chuẩn, cách làm này chắc chắn vì đã có trong tay TS thi vào trường mình, nhưng năm nay các trường thụ động nên phải chọn giải pháp an toàn. “Tuy vậy, trường vẫn xét điểm từ cao xuống đến hết chỉ tiêu nên điểm chuẩn trúng tuyển chắc chắn sẽ cao hơn mức này” – ông Hạnh nói. ĐH Luật Hà Nội, ĐH Lao động Xã hội, ĐH Nội vụ, ĐH Tài nguyên Môi trường… cũng thông báo nhận hồ sơ xét tuyển đối với TS đạt từ 15 điểm trở lên.
Lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thì cho biết trường sẽ nhận hồ sơ những TS đạt từ 17 điểm trở lên, thi tại các cụm thi do các trường ĐH tổ chức và không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1 điểm trở xuống. Trong khi điểm trúng tuyển vào trường này hàng năm luôn ở mức 21 – 23 điểm. Tương tự, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng xác định ngưỡng xét tuyển là 17. Lãnh đạo trường này cho biết, đây là giải pháp an toàn trong trường hợp không tuyển đủ TS ở đợt đầu. Mọi năm, mức điểm trúng tuyển của trường này cũng từ 20 điểm trở lên.
Việc các trường “top” trên lấy điểm xét tuyển bằng sàn không ngoài dự đoán của lãnh đạo Bộ GDĐT. Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho rằng, đây sẽ là một khó khăn đối với các trường “top” giữa, “top” dưới và nhiều TS trong kỳ tuyển sinh năm nay, tuy nhiên theo quy chế các trường đều có quyền lấy số điểm xét tuyển từ sàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.