Lãng phí ngân sách
Theo thống kê của Phòng Đào tạo nghề, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa thì hiện trên địa bàn có 102 cơ sở dạy nghề trong đó có 5 trường Cao đẳng (CĐ), 17 trường Trung cấp (TC), 21 Trung tâm dạy nghề, số còn lại là các trường ĐH, CĐ, Trung cấp chuyên nghiệp, các doanh nghiệp, HTX có tham gia hoạt động dạy nghề.
Năm 2014, các trường nghề trong tỉnh tuyển sinh được 65.700 học sinh, tăng hơn 12 nghìn lượt người so với năm 2010 (53.433 học sinh). Ông Lý Văn Chương, Trưởng phòng Đào tạo nghề, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, hầu hết các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn đều đạt và vượt kế hoạch chỉ tiêu tuyển sinh, chỉ có vài cơ sở mới thành lập do điều kiện khó khăn nên không đạt chỉ tiêu.
Ông Chương cũng cho hay, tuyển sinh vào trường nghề chỉ “bi đát” nhất là năm 2012, năm 2013 đã có “khởi sắc” một chút và đến năm 2015 thì đang có sự chuyển biến. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, thực tế không hẳn như vậy. Hầu hết số học sinh theo học nghề ở Thanh Hóa chủ yếu là hệ sơ cấp ngắn hạn, nhiều ngành nghề tại các trường không hề có học sinh.
Hiếm hoi mới có một lớp học được coi là đông học sinh như thế này hiện nay
Ngay như khi PV trao đổi với ông Trịnh Văn Tâm - Phó Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp - Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa , ông Tâm cũng thẳng thắn: “Khoảng 3 năm nay, hầu hết các trường nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều hoạt động theo kiểu cầm chừng, “teo tóp”, lóp ngóp”. Học sinh thì không có nhưng lại có quá nhiều trường nghề, đầu tư một cách giàn trải, không tập trung xây dựng chất lượng nên dẫn đến hậu quả là chất lượng ngày càng đi xuống”.
Chỉ tính riêng địa bàn Thành phố Thanh Hóa đã có ngót gần chục cơ sở đào tạo nghề. Hầu hết các cơ sở này đều đào tạo các ngành nghề trùng nhau. Bởi thế, thực trạng học sinh “lèo tèo” tại các trường cũng là điều dễ hiểu.
Cụ thể, trong tổng số 65.700 học sinh theo học nghề năm 2014 chỉ có hơn 550 trình độ cao đẳng; trung cấp là trên 3.900, số còn lại với hơn 61.000 học sinh là trình độ sơ cấp 3 tháng và dưới 3 tháng.
Mỗi năm ngân sách trung ương và địa phương cấp hàng chục tỷ đồng chi trả lương cho cán bộ giáo viên và mua sắm trang thiết bị, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho hệ thống trường nghề ở Thanh Hóa. Tuy nhiên, với việc hàng loạt ngành nghề như khai thác, chế biến hải sản; khai thác, điều khiển tàu thủy; kỹ thuật trồng nấm, trồng rau; cắt gọt kim loại… không thể tuyển sinh hoặc số lượng ít, trong khi những nhóm ngành này vẫn có giáo viên cơ hữu (biên chế), gây lãng phí nguồn vốn lớn từ ngân sách.
Theo lãnh đạo nhà trường Trung cấp nghề Quảng Xương, ba năm trước, bộ phận dạy nghề thuộc Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề huyện được tách ra hoạt động độc lập và thành lập trường trung cấp. Hiện nhà trường được đầu tư khu nhà hai tầng với 8 phòng, mới đây khu công sở của UBND xã Quảng Phong chuyển sag địa điểm mới tiếp tục bàn giao thêm 9 khu phòng khác cho nhà trường. Với hệ thống cơ sở khá dồi dào và đăng kí 7 ngành nghề đào tạo nhưng những năm qua trường chỉ tuyển sinh được rất ít học sinh.
Cơ sở khang trang của trường TC nghề Kỹ nghệ.
Tương tư, trường Trung cấp nghề số 1 TP Thanh Hóa, Trường TC nghề Kỹ Nghệ đều nằm trên địa bàn TP Thanh Hóa và được đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng các khu nhà cao tầng với vài chục phòng học có trang thiết bị khá hiện đại nhằm thu hút học sinh nhưng việc tuyển sinh vào học vẫn không cải thiện.
Hay đơn cử như ngay tại một trong 7 huyện nghèo của tỉnh và nằm trong 62 huyện nghèo nhất nước là Mường Lát cũng xây dựng lên một trung tâm dạy nghề hoành tráng với tổng mức đầu tư lên đến 40 tỷ đồng và đã đưa vào sử dụng từ tháng 11/2013. Tuy nhiên, từ khi đưa vào sử dụng cho đến nay, trung tâm cũng rơi vào cảnh hoạt động "lay lắt" do không có học sinh tham gia học.
Cơ chế đào tạo liên thông từ sơ cấp lên đến… tiến sĩ
Theo ông Lý Văn Chương thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng thưa thớt học sinh ở các trường nghề là do tâm lý “thích làm thầy chứ không muốn làm thợ”, quan trọng bằng cấp ở một bộ phận không nhỏ phụ huynh và học sinh. Trong khi đó, hệ thống các trường ĐH, CĐ chuyên nghiệp ngày càng phình to và tuyển sinh dễ dãi, điểm chuẩn thấp. Không những thế cơ chế một trường ĐH có thể đào tạo từ sơ cấp liên thông lên đến tiến sĩ càng làm cho học sinh không “mặn mà” với trường nghề.
Mặt khác, hệ thống cơ sở vật chất, trình độ năng lực giáo viên ở các trường nghề phát triển chưa đồng đều và tương xứng với yêu cầu thực tế.
“Muốn thay đổi được trước hết phải làm một cuộc vận động tâm lý nhận thức từ học sinh đến phụ huynh. Học ĐH hay học nghề không quan trọng, quan trọng là việc làm. Tuy nhiên để thay đổi được điều này là rất khó. Không những thế phải xóa bỏ cơ chế liên thông theo kiểu một trường ĐH có thể liên thông từ sơ cấp lên đến tiến sĩ được” - ông Chương nhấn mạnh.
Ông cũng khẳng định phương án tháo gỡ cho trường nghề thoát cảnh “dặt dẹo” hiện nay là nên dồn các cơ sở dạy nghề lại với nhau để tập trung chuyên sâu vào cơ sở giảng dạy và giáo viên dạy. Việc dồn này cũng đồng nghĩa với việc tăng số lượng học sinh mà lại giảm được nguồn kinh phí của nhà nước.
Ông Trịnh Văn Tâm, Phó Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp - Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Khoảng 3 năm nay, không riêng gì các trường CĐ, TC nghề không tuyển được học sinh, hoạt động kiểu cầm chừng, “dặt dẹo” mà ngay cả các trường CĐ, TC chuyên nghiệp cũng lâm vào tình trạng tương tự. Năm vừa qua, tuyển sinh tại các trường CĐ, TC chuyên nghiệp cũng chỉ đạt 50-60% chỉ tiêu”.
(Theo Dân trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.