Đỗ đâu “ngồi” đó
Hôm nay, ngày 8.6, hơn 75.000 thí sinh ở Hà Nội bắt đầu bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 các trường THPT hệ công lập. Đây được đánh giá là kỳ thi "nóng" và quan trọng ngang với thi vào ĐH-CĐ. Theo Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội, chỉ tiêu vào hệ công lập là 53.000. Như vậy, chỉ có gần 70% tổng số thí sinh dự thi sẽ có cơ hội vào học công lập, số còn lại sẽ phải học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp và các trường ngoài công lập.
Để có 1 suất cho con vào học trường công lập "top" trên, trước kỳ thi, nhiều phụ huynh đã sấp ngửa tìm cửa chạy trường cho con. "Chiêu" được nhiều phụ huynh truyền tai nhau sử dụng thường là: Cứ đỗ nguyện vọng 2 (NV2) ở trường lấy điểm thấp, học một thời gian rồi xin chuyển lên trường tốt hơn với lý do để gần nhà???
Đây cũng là lý do mà năm học trước trường THPT Quang Minh, huyện Mê Linh (Hà Nội) phải chuyển trường cho 40 học sinh lớp 10 khi chưa hết học kỳ I. Trong số này, phần lớn là học sinh trúng tuyển NV2 vào trường. Được biết, điểm đầu vào của trường này khá thấp chỉ 35,5 điểm.
Tương tự, trường THPT Tiền Phong (Mê Linh) năm trước cũng phải giải quyết đơn xin chuyển trường của gần 40 học sinh trúng tuyển NV2 vào trường này. Lý do được các bậc phụ huynh đưa ra để chuyển trường cho con cũng là: Nhà quá xa, đi lại vất vả??
Quy định cứng nhắc?
Để chấm dứt tình trạng này, năm nay, Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội đã có "siết chặt" quy định chuyển trường sau khi thi đỗ đầu cấp THPT. Cụ thể, học sinh trúng tuyển ở trường THPT công lập nào phải học ổn định hết cấp học tại trường THPT đó. Trường hợp trong quá trình học cần phải chuyển trường, phải được giám đốc Sở cho phép mới được chuyển.
Giải thích quy định này, ông Ngô Văn Chất - Trưởng phòng Quản lý thi & Kiểm định Chất lượng Giáo dục - Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội cho biết, mức điểm trúng tuyển của các trường trên địa bàn Hà Nội khá chênh lệch, có trường trên 30 điểm là trúng tuyển, có trường phải 56 - 57 điểm. Chính vì vậy, nếu không kiểm soát sẽ dẫn đến hiện tượng các trường tự ý nhận và chuyển học sinh, làm mất công bằng giữa các học sinh.
Trước khi con thi vào lớp 10, ngoài việc ôn tập cho con, chị N.T.T (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng có ý định nếu con không trúng tuyển vào trường THPT Lê Quý Đôn sẽ cho gửi NV2 sang 1 trường ở ngoại thành rồi tìm cách chuyển trường. Tuy nhiên, sau khi đọc quy định mới của Sở chị đã thay đổi quyết định vì cho rằng việc "đi đường vòng" là quá khó.
Tuy nhiên, chị T cũng cho rằng: "Quy định này hơi cứng nhắc, nếu chỉ là chuyển nhà, thay đổi hộ khẩu có thể chứng minh bằng giấy tờ để chuyển trường được. Nếu trong trường hợp con gặp áp lực tâm lý gì đó, không phù hợp với cách dạy của trường muốn chuyển sang môi trường khác thì sao? Mỗi năm có bao nhiêu học sinh cần chuyển trường, việc gì cũng đến tay giám đốc Sở thì giám đốc còn thời gian đâu làm việc khác?".
Lãnh đạo Sở cũng giải thích thêm, những trường hợp bất khả kháng do thay đổi địa bàn cư trú sẽ được xem xét, còn mọi trường hợp khác sẽ không được chấp nhận. Việc ra quyết định cho các học sinh chuyển trường ở bậc THPT sẽ do Giám đốc Sở Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội nắm giữ chứ không thuộc thẩm quyền của hiệu trưởng; phải căn cứ vào trường học sinh đang và sẽ chuyển về, xem xét khoảng cách thực tế học sinh đi học ở trường cũ khi có sự thay đổi về nơi cư trú.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.