Tuyên thệ nhậm chức - nên thành nghi thức phổ biến

lương kết (thực hiện) Thứ hai, ngày 11/04/2016 09:16 AM (GMT+7)
"Tuyên thệ nhậm chức là trở lại với giá trị truyền thống của dân tộc"- GS -TSKH Vũ Minh Giang (- Đại học Quốc gia Hà Nội) đã nói như vậy khi trao đổi với phóng viên Dân Việt.
Bình luận 0

Lầu lắm rồi, Quốc hội và nhân dân cả nước mới được nghe những vị lãnh đạo chủ chốt như Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng tuyên thệ nhậm chức. Nhân sự kiện này,  Dân Việt đã trò chuyện với GS-TSKH Vũ Minh Giang để bàn luận sâu hơn về giá trị của việc tuyên thệ nhậm chức.

img

Tân  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ trước Quốc hội khi nhậm chức ngày 7.4. Ảnh: TL

Thưa GS, là nhà nghiên cứu sử học, ông có suy nghĩ gì về việc các chức danh chủ chốt được Quốc hội bầu thực hiện nghi lễ tuyên thệ?

- Tuyên thệ dịch ra nghĩa thông dụng là thề một cách trịnh trọng. Từ xa xưa dân tộc Việt Nam đã có việc tuyên thệ. Từ thời kỳ Hùng Vương người ta đã thấy di tích là những hòn đá thề để lại. Đến các thời đại phong kiến sau này trước mỗi dịp hệ trọng nào đó cũng diễn ra nghi thức tuyên thệ.

Không chỉ người lên ngôi vua mà hằng năm vào một ngày nhất định nào đó nghi thức này cũng diễn ra. Ví dụ những người chức vụ cao nhất trong triều đình đã tới núi Đồng Cổ (Hà Nội) để làm lễ thề anh em đoàn kết, chung sức đồng lòng để phục vụ đất nước...

Nghi thức này đến năm 1946 cũng được thực hiện, khi được Quốc dân đồng bào (thông qua tổng tuyển cử) bầu làm Chủ tịch nước, Hồ Chủ tịch đã thay mặt Chính phủ được bầu thề trước Quốc dân đồng bào.

Có lời thề đã khắc sâu vào tâm trí người dân, như thà hy sinh tất cả nhưng phải đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng (khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp).

Tuyên thệ là nghi thức sinh hoạt văn hóa được trân trọng. Điều đó làm tôn lên tầm quan trọng của những công việc với những người được giao hoặc sẵn sàng lĩnh nhận.

Thưa GS, tại sao sau 1946 nghi thức này không được thực hiện tiếp mà tới nay mới làm?

- Sau năm 1946, dân tộc ta phải bước ngay vào cuộc kháng chiến, phải ở trong rừng sâu, núi cao. Tuy nhiên nói vậy không phải là nghi thức này phiền hà tới mức không thể làm được. Nhưng làm cho người ta suy nghĩ đơn giản đi, rằng bây giờ phải tận tâm, tận lực cho sự nghiệp kháng chiến.

Sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi (1954), đến năm 1960, chúng ta mới bầu lại Quốc hội khóa mới. Lúc đó cũng vì nhiều lý do nghi thức tuyên thệ không có nữa. Nói gì thì nói tôi vẫn cho rằng đó là một sơ suất, nếu không muốn nói là khiếm khuyết, có thể là do suy nghĩ đơn giản...

Nhưng điều đáng mừng sau chừng đấy năm chúng ta không bỏ đi mà đã nhận thức, ở một tầm cao rằng, nghi thức đó là cần thiết. Rất nhiều nghi lễ, nghi thức trước đây chúng ta bỏ qua hết có lẽ vì cách nghĩ đơn giản rằng còn khó khăn, phải tập trung vào cái thực chất thôi.

Nhưng rõ ràng đến một giai đoạn mới chúng ta thấy cần phải khôi phục lại nghi lễ đó, đây là điều đáng mừng.

Thưa GS, tuyên thệ có ý nghĩa như thế nào về mặt chính trị cũng như văn hóa?

- Đây là một nghi thức nhắc nhở những người được dân tín nhiệm bầu giữ những cương vị trọng trách của đất nước. Người đó phải ý thức được rằng mình tự nguyện nhận trách nhiệm đó, tránh tình trạng làm thì ai cũng muốn có được một chức vụ nào đó nhưng khi có vấn đề gì lại nói tôi được phân công, do cấp trên giao, giờ không được phép nói như vậy. Tuyên thệ biểu thị sự tự nguyện đem hết sức lực ra thực hiện việc gì đó, phải tận tâm, tận lực hoàn thành nhiệm vụ.

Tuyên thệ cũng là lời cam kết của lãnh đạo trước toàn dân. Trước đây không có cam kết, bầu một vị nào lên rồi không biết vị đó nói gì, có vui vẻ nhận lời hay không. Chính vì thế tuyên thệ cũng là biểu hiện sự phản hồi trở lại của người được bầu trước nhân dân bằng một cam kết nào đó. Những lời tuyên thệ của những vị nguyên thủ quốc gia, người giữ chức vụ chủ chốt đều đi vào lịch sử. Sau này tất cả những điều đó sẽ được lịch sử ở giai đoạn sau soi xét.

Lý do thứ ba, tôi cho rằng rất quan trọng, đó là tuyên thệ còn thể hiện tính chính danh, hiểu theo nghĩa đó là sự công khai, rõ ràng. Lời tuyên thệ biểu hiện một sự hành xử mà như ngôn ngữ người dân Việt Nam hay dùng đó là "đàng hoàng".

Với tư cách được bầu vào vị trí nào, người được bầu tuyên thệ không phải chỉ với quốc dân đồng bào mà cả với thế giới. Nếu như tuyên thệ rồi mà làm không đến nơi, đến chốn thì sự chê cười, khiển trách không chỉ có người dân trong nước mà còn ở thế giới nữa. Xét theo góc độ văn hóa việc khôi phục lễ nghi tuyên thệ hết sức có ý nghĩa và có tác dụng nhất định.

Qua những lời tuyên thệ của những chức danh chủ chốt vừa được Quốc hội bầu, có ý kiến ĐBQH, cử tri và nhân dân mong lời tuyên thệ có nội dung cụ thể hơn, dấu ấn cá nhân đậm nét hơn, GS nghĩ sao?

- Tôi cho rằng mong muốn đó cũng là nguyện vọng chính đáng và cũng đúng. Tuy nhiên chúng ta cũng phải hiểu rằng nghi lễ này mới được khôi phục, có thể coi đối với những vị lãnh đạo được bầu việc thực hiện nghi lễ tuyên thệ là rất mới, chính vì thế nên việc thận trọng là tất nhiên.

Thận trọng nhất là hứa những lời vừa có tính thiêng liêng, nghiêm trang, đồng thời cũng tổng quát nhất. Còn đi sâu cụ thể sợ chưa thật chín chắn và phù hợp, bởi chọn vấn đề gì ra nói không dễ.

Một mặt phải chia sẻ mong muốn chính đáng với người dân nhưng ngược lại chúng ta cũng phải hiểu chắc thời gian sau lời tuyên thệ sẽ cụ thể hơn. Nếu như nhiệm kỳ sau người được bầu cũng tuyên thệ đúng như người ở kỳ trước thì nó lại trở thành hình thức chứ không phải là nghi thức, nó phải có dấu ấn của từng con người.

Tôi nghĩ trong một tương lai không xa, có thể như nhiệm kỳ sau lời tuyên thệ của người được bầu đứng đầu Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ sẽ khác, cụ thể hơn, mang dấu ấn đậm nét hơn. Cái đó cần phải có thời gian.

Thưa GS, tuyên thệ là một nghi thức truyền thống. Vậy nghi thức này cần phải thực hiện  thế nào để nâng cao giá trị truyền thống?

- Tôi nghĩ rằng nghi thức tuyên thệ có lẽ cũng phải tiến tới thực hiện với nhiều chức vụ khi nhậm chức. Đứng đầu một cơ quan, anh nhận trách nhiệm đó khi tuyên thệ rồi thì không thể nói tôi được cử về, được giao nên phải làm. Anh có tự nguyện hay không, không thì có nhiều người khác làm. Tuyên thệ là thể hiện sự tự nguyện, sự tận tâm, tận lực, sự quyết tâm của người nhậm chức để thực hiện việc gì đó. Chính vì thế tiến tới việc tuyên thệ cần thành nghi thức phổ biến trong các cơ quan, các hệ thống, tổ chức chứ không chỉ dừng lại ở những vị trí đứng đầu đất nước.

Thứ hai, lời tuyên thệ cần thiết thực hơn, còn lời tuyên thệ nghe nội dung không sâu sắc rất dễ thành ra những lời nói sáo. Cái để cho người dân tin hơn, cái để cho nghi thức này có ý nghĩa hơn thì lời tuyên thệ phải thiết thực, cam kết phải thiết thực. Do đó những lời tuyên thệ sẽ không giống nhau, ví dụ đứng đầu cơ quan lập pháp tuyên thệ khác với người đứng đầu cơ quan hành pháp, khác với nguyên thủ quốc gia, ông bộ trưởng phải khác ông đứng đầu tỉnh...

Một vấn đề nữa, tôi cho rằng việc giám sát hay nói cách khác là điều tiết trở lại việc thực thi đến đâu lời tuyên thệ đó cũng là quan trọng. Có thể không cần một chế tài mang tính pháp lý nhưng cũng phải tạo thói quen cho giới báo chí truyền thông, đến một lúc nào đó cần phải nhắc lại. Ví dụ sau một năm lời tuyên thệ thực hiện đến đâu, tuy nhiên đi cùng cái đó cần phải có lời tuyên thệ cụ thể.

Xin cảm ơn GS (!)

img

Tuyên thệ là biểu hiện sự phản hồi trở lại của người được bầu trước nhân dân bằng một cam kết nào đó. Những lời tuyên thệ của những vị nguyên thủ quốc gia, người giữ chức vụ chủ chốt đều đi vào lịch sử. Sau này tất cả những điều đó sẽ được lịch sử ở giai đoạn sau soi xét”.

 GS Vũ Minh Giang

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Tuyên thệ có giá trị thiêng liêng

Lời hứa khác với lời tuyên thệ, lời hứa là cố gắng quyết tâm, còn tuyên thệ là thiêng liêng hơn. Chúng ta không dùng khái niệm tâm linh ở đây, nhưng tuyên thệ là thiêng liêng, giữa thanh thiên bạch nhật, công khai, minh bạch, khiến làm cho người dân tin tưởng hơn.

Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng): Sự quyết tâm từ lời tuyên thệ

Những giây phút Quốc hội chứng kiến lời tuyên thệ và lời hứa của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ là những giây phút rất xúc động. Chủ tịch Quốc hội đã hứa khắc ghi lời tuyên thệ trước quốc dân, Chủ tịch nước hứa sẽ kiên trì kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, còn Thủ tướng Chính phủ hứa sẽ hành động quyết liệt để đẩy mạnh công cuộc đổi mới, cải cách hành chính…

Sau khi Thủ tướng đọc lời tuyên thệ, ông cũng đã có lời hứa trước Quốc hội, quốc dân với các nội dung rất cụ thể. Tôi cảm nhận được sự quyết tâm, tình cảm chân thành của Thủ tướng trước Quốc hội, trước nhân dân cả nước.

Là một đại biểu Quốc hội, đại diện cho cử tri vùng quê nghèo Sóc Trăng, tôi tin tưởng rằng các nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước ta sẽ giữ gìn lời hứa, luôn khắc ghi lời tuyên thệ như hành trang của mình để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

H.P (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem