Tỷ giá vượt trần, căng như dây đàn

Tiền Phong Thứ tư, ngày 06/05/2015 07:57 AM (GMT+7)
Dù lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước lên tiếng khẳng định tỷ giá là câu chuyện nhạy cảm, không chỉ chịu tác động cung - cầu của thị trường đơn thuần mà còn chịu nhiều tác động từ tâm lý và kỳ vọng, tuy nhiên trong bối cảnh nhập siêu 4 tháng đầu năm vọt lên gần 3 tỷ USD, đồng đô la Mỹ tiếp tục mạnh lên tại nhiều nước, diễn biến tỷ giá dường như đang vượt ngoài dự liệu.
Bình luận 0

Mở cửa sáng ngày 5/5, tỷ giá tại Vietcombank và BIDV niêm yết ở 21.600 - 21.660 VND/USD, tăng 30 đồng so với trước nghỉ lễ. Tăng 25 đồng, tỷ giá VietinBank lên 21.590 - 21.660 VND/USD. Eximbank và ACB niêm yết tỷ giá ở 21.580 - 21.660 VND/USD, không đổi so với hôm trước và tăng 30 đồng so với trước nghỉ lễ. Tỷ giá trần đối với các NHTM là 21.673 VND/USD. Như vậy, chỉ trong buổi sáng giá USD ngân hàng chỉ còn cách trần tỷ giá 3 đồng. Giá USD tự do tại Hà Nội cùng thời điểm được một số điểm giao dịch báo ở mức 21.640 đồng (mua vào) và 21.655 đồng (bán ra).

img

Chiều 5/5, tỷ giá vượt qua ngưỡng trần cho phép 21.673 đồng/USD. Ảnh: Như Ý.

 

Tuy nhiên sang chiều cùng ngày, trao đổi với PV, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thừa nhận diễn biến thị trường đang rất phức tạp: “Vào lúc 15 giờ tỷ giá đô la đã chính thức so với mức trần biên độ cho phép (+1% ở mức 21.673 đồng/USD) lên mức bán ra 21.674-21.675 đồng/USD. Đây cũng là mức mà thường khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ phải bán ra can thiệp. Tuy nhiên diễn biến thị trường cho thấy NHNN đang không bán  ra trong khi “cầu” vẫn còn lớn”- Vị này nhấn mạnh và cho biết thêm hiện thị trường đang “căng như dây đàn”.

“Nhiều thông tin bất lợi tạo sức ép lên ngoại hối ví như đồng đô la Mỹ tiếp tục tăng giá so với Euro; rồi việc Vietcombank đầu tư trái phiếu trị giá tới 1 tỷ USD tại thị trường nội địa khiến ngân hàng này chắc phải gom ngoại tệ; Rồi thông tin sẽ dùng dự trữ ngoại hối để cho vay lại ngân hàng phát triển; hay việc các nhà đầu tư ngoại rút vốn để hiện thực hóa lợi nhuận thông qua thị trường chứng khoán... Tất cả những sự kiện dồn dập đang tạo áp lực lên tỷ giá” - Lãnh đạo một ngân hàng khác nhìn nhận.

Tuy nhiên, theo ông, ngạc nhiên hơn cả là động thái “im lặng” khó hiểu của NHNN. “Tỷ giá liên ngân hàng đã vượt trần nhưng họ (tức NHNN) không có hành động gì, như thế này là các ông ý “buông” à? Nếu những ngày tới tỷ giá tiếp tục vượt trần mà cơ quan quản lý không bán ra can thiệp điều gì xảy ra? Chắc chắn sẽ diễn ra tình trạng 2 giá có nghĩa là từ 1 giao dịch phải thành 2-3 giao dịch  rồi khi đó ngân hàng phải làm giá qua tiền gửi, tiền vay rất mệt”- Vị này phân tích.

Sức ép đã tiến sát

Tại đợt biến động tỷ giá tháng 3 vừa qua, hầu hết giới chuyên gia đều khuyến cáo NHNN nên tiếp tục phá giá VND với mục tiêu không chỉ là hỗ trợ xuất khẩu mà cả “chặn” tâm lý kỳ vọng găm trữ USD của giới đầu cơ cũng như hạn chế nhập siêu. Nhưng NHNN khi đó đã trấn an dư luận và cho rằng đó chỉ là tác động tâm lý. Tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân diễn ra tại Vinh (Nghệ An) hôm 22/4, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng còn nhấn mạnh, tỷ giá biến động liên tục trong thời gian ngắn vừa qua là diễn biến hết sức bình thường của thị trường. Theo bà Hồng, tỷ giá là câu chuyện nhạy cảm, không chỉ chịu tác động cung - cầu của thị trường đơn thuần mà còn chịu nhiều tác động từ tâm lý và kỳ vọng. “Quan điểm của NHNN là việc điều hành tỉ giá cần đứng trên bình diện toàn nền kinh tế, không thể chỉ xem xét xuất khẩu hay nhập khẩu”- Bà Hồng nhấn mạnh.

Dù vị lãnh đạo này khẳng định NHNN tiếp tục mục tiêu giữ ổn định tỷ giá VND/USD, gắn với định hướng cả năm nếu điều chỉnh không quá 2% (đầu năm đã điều chỉnh 1%) và điều hành trên cơ sở phân tích 5 yếu tố liên quan đến xuất nhập khẩu, dự trữ ngoại hối, cán cân thanh toán, lạm phát và tác động nợ công nhưng diễn biến kinh tế vỹ mô rõ ràng đang không “chiều” lòng nhà quản lý. Công bố số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy: kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 4 tháng đầu năm nay ước tính đạt 53,1 tỷ USD, đưa mức nhập siêu 4 tháng đầu năm lên gần 3 tỷ USD, bằng 6% tổng kim ngạch xuất khẩu – cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra 5%.

“Tỷ giá giữ ổn định có lợi cho kinh tế vỹ mô vì khi đó giá hàng hóa nhập khẩu sẽ không bị tăng lên nhưng NHNN sẽ phải đối mặt với áp lực đầu cơ găm giữ tỷ giá. “Neo” tỷ giá lúc này chỉ tạo thuận lợi cho giới đầu cơ. Chắc chắn, cả giới buôn tự do lẫn các ngân hàng đều không bỏ qua cơ hội  “găm” giữ ngoại tệ bán ra kiếm lời. Còn giới nhập khẩu cũng tranh thủ” - chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận xét. Theo ông Hiếu, đây chính là thời điểm NHNN phải chịu nhiều áp lực và nếu “giỏi” thì NHNN chỉ chịu đựng thêm được thêm  2 tuần nữa. Nếu cố giữ, chắc chắn NHNN phải bỏ ra một khoản chi phí đáng kể.

“Tôi nghĩ điều chỉnh lúc này là hợp lý. Nếu không muốn sốc, NHNN nên điều chỉnh 0,5%; còn từ nay đến hết năm tôi nghĩ phải ở mức 3% cả năm mới đủ”- Ông Hiếu khẳng định.  

Khảo sát thị trường cho thấy, tranh thủ sự ổn định của tỷ giá thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đang tranh thủ ôm hàng. Chia sẻ với Tiền Phong, ðđại lý một hãng xe nhập khẩu cho hay thời điểm này công ty đang bán hàng rất tốt, lượng xe bán ra tăng gấp đôi năm ngoái và nhiều người có nhu cầu đều muốn mua để tránh tỷ giá điều chỉnh. Trong khi đó, một doanh nghiệp xuất khẩu tại đồng bằng sông Cửu Long lại “ao ước” nếu điều chỉnh tỷ giá thì sẽ tranh thủ nâng giá mua nguyên liệu lên cho bà con nông dân hơn. Cuối chiều 5/5, một đại diện NHNN cho hay cơ quan này chưa đưa ra thông điệp gì!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem