Câu chuyện thần kì của cậu bé mồ côi
Đầu tháng 3 vừa qua, Tạp chí Forbes đã công bố danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2015. Tỷ phú Bill Gates vẫn tiếp tục đứng đầu danh sách và người đứng thứ nhì, không ai khác chính là ông trùm viễn thông Mexico - Carlos Slim Helu với tổng tài sản lên đến 77,1 tỉ USD. Đằng sau thành công của các tỷ phú thế giới đều là những câu chuyện thần kỳ, là quá trình làm việc thông minh, sáng tạo, miệt mài, không ngừng nghỉ nhưng với Carlos Slim Helu, con đường trở thành tỷ phú của ông còn thú vị hơn rất nhiều.
Carlos Slim Helu sinh ngày 28/01/1940 tại Mexico. Ông là người đầu tiên và duy nhất cho đến nay xuất thân từ một quốc gia mới nổi có thể đứng đầu danh sách của Forbes. Carlos Slim là ông trùm viễn thông của Mixico, hiện chi phối toàn bộ hệ thống viễn thông của nước này với cương vị chủ tịch của các tập đoàn Telmex, América Móvil và Grupo Carso.
Carlos Slim mồ côi cha từ năm 12 tuổi. Tài sản mà người cha để lại cho mấy anh em Carlos là quầy bán quần áo khiêm nhường với cái tên rất kêu là “Ngôi sao Phương Đông”. Cậu bé Carloskhởi nghiệp từ đây và sớm bộc lộ tố chất của một nhà kinh doanh, buôn bán. Cậu nhớ rất giỏi giá cả của mọi thứ, mới đến tuổi đi học đã thích mặc cả, đổi chác và mua bán để kiếm tiền. Cũng từ nhỏ, Carlos đã có thói quen ghi lại tất cả những khoản chi tiêu hàng ngày để tự kiểm soát việc chi tiêu cho ngày càng hiệu quả.
Tỷ phú giàu thứ 2 thế giới, ông trùm viễn thông Mexico - Carlos Slim Helu
Năm 15 tuổi, khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường Carlos Slim đã có 5.523 peso. Carlos Slim Helu mua được 44 cổ phiếu của Ngân hàng Banamex, ngân hàng lớn nhất củaMexicolúc đó. Năm 17 tuổi, khi vừa tốt nghiệp phổ thông, cậu đã có 31.900,26 peso. Năm 26 tuổi, giá trị tài sản của ông đã sinh sôi nảy nở, tăng lên tới lên tới 400.000 USD, một khoản tiền có thể nói là rất lớn đối với một thanh niên thời ấy.
Lĩnh vực kinh doanh các công ty, tập đoàn do Carlos Slim điều hành rất rộng, từ sách báo, quần áo, xà phòng, mỹ phẩm, hay thuốc lá, rượu, linh kiện xe hơi, thiết bị kỹ thuật cho các giàn khoan dầu mỏ, bảo hiểm ôtô, nhà cửa... với hệ thống cửa hàng phủ khắp đất nước Mexico. Đến mức người ta nói rằng, tại Mexico, hầu như ít ai không sử dụng một sản phẩm hay dịch vụ nào đó của Slim.
Tuy vậy, lĩnh vực đưa ông lên tầm “tỷ phú thế giới” và được gọi là “ông trùm” chính là viễn thông. Vào năm 1990,Mexicoquyết định tư nhân hóa công ty điện thoại và viễn thông quốc gia. Chẳng phải là một chuyên gia kỹ thuật, thậm chí ông còn không biết tiếng Anh và cũng chẳng xài được máy tính, nhưng Carlos Slim đã gom hết vốn liếng của mình để lao vào đấu thầu. Với 1,7 tỷ USD, Carlos Slim đã mua gần như toàn bộ số cổ phiếu của tập đoàn này. Khi đó, giá một cổ phiếu của Telmex mà Carlos Slim mua chỉ khoảng 0,8 cent. Còn giờ, giá cổ phiếu của Telmex trên thị trườngchứng khoán là xấp xỉ 40 USD. Giá trị cả tập đoàn được các công ty kiểm toán độc lập định giá là từ 10 cho đến 12 tỷ USD.
Một “đế chế” khác mà Carlos Slim sở hữu là America Movil. Trước khi có America Movil, thị trường viễn thông di động của Mexico và khu vực Mỹ La Tinh nằm trong tay các công ty nước ngoài đến từ Mỹ và châu Âu. America Movil ra đời, trở thành công ty nội duy nhất có thể cạnh tranh và giành lại thị phần từ tay các nhà đầu tư nước ngoài. Sau khi đứng vững ở thị trường trong nước, ông tìm cách vươn ra các thị trường quốc tế, thoạt đầu là thị trường Mỹ Latinh. Năm 2003, Carlos Slim mua đứt tập đoàn điện thoại di động Bell South tại Sao Paulo của Brasil chỉ với giá 625 triệu USD. Hiện nay, Carlos Slim cũng đang nắm cổ phần chi phối tập đoàn viễn thông lớn nhất của Brasil là Embratel Participa. Tập đoàn viễn thông Mỹ MCI đã phải bán số cổ phần mà MCI đang nắm giữ cho Texmex sau khi tập đoàn viễn thông của Carlos Slim đã thắng trong đợt đấu thầu công khai. Phi vụ này ngốn của Slim không dưới 360 triệu.
Các thương vụ mua bán thể hiện rất rõ nguyên tắc kinh doanh của Carlos Slim. Đó là mua tất cả những cái gì có thể mua được để giành lấy thế độc quyền trong bất cứ một lĩnh vực hứa hẹn sinh lời nào. Ông cũng luôn nói rằng, muốn kinh doanh thành công nhất thiết phải tạo dựng, duy trì và biến tấu kịp thời những mối quan hệ cần thiết. Và tạiMexico, những mối quan hệ này luôn là cứu cánh cho những hoạt động kinh doanh thoát khỏi các bê bối về chính trị.
Vợ và con của tỷ phú Carlos.
Tỷ phú chung tình
Người vợ của Carlos, bà Soumaya Domit Gemayel đã qua đời vào năm 1999, hưởng thọ 33 tuổi do mắc bệnh thận. Kể từ đó vị đại gia số 1 Nam Mỹ không hề tái giá với bất kỳ người phụ nữ nào. Để tưởng niệm người vợ quá cố của mình, Carlos thậm chí còn bỏ ra 70 triệu đô la Mỹ (khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng) để xây một bảo tàng mang tên vợ mình.
Bảo tàng này trưng bày hơn 66.000 tác phẩm đắt giá mọi thời đại, trong đó có cả những tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng như Monet, Van Gogh, Da Vinci. Nhắc đến vợ mình, Carlos luôn miêu tả bà bằng những từ ngữ đẹp nhất, và chính bà cũng là người truyền cho ông cảm hứng về hội họa, điêu khắc. Sau khi kết hôn, tỷ phú Carlos cùng vợ đã có với nhau 3 người con trai và 3 người con gái.
Carlos có một niềm đam mê cháy bỏng với nghệ thuật, người khơi nguồn cho sự đam mê ấy chính là người vợ của ông. Trong tuần trăng mật với bà Soumaya, cặp đôi này đã tham quan hết tất cả những viện bảo tàng cũng như phòng trưng bày triển lãm nghệ thuật trên khắp châu Âu.
Tỷ phú Carlos bỏ ra 70 triệu đô la Mỹ (khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng) để xây một bảo tàng mang tên vợ mình.
Ngoài ra, bóng chày cũng là môn thể thao mà vị đại phú hào Nam Mỹ vô cùng yêu thích.
Nắm trong tay số tiền tiêu đến đời cháu không hết nhưng Carlos lại không hề hoang phí một chút nào. Ông không có một căn nhà nào ngoài Mexico và không bao giờ trả quá nhiều tiền cho bất kỳ thứ gì. Có lần khi ở Venice, tỷ phú Carlos này đã từng kì kèo hàng tiếng đồng hồ với chủ cửa hàng chỉ để được giảm giá 10% cho một chiếc cà vạt.
Carlos cũng không hề có hứng thú gì với chuyện lọt vào danh sách những người giàu nhất trên thế giới. Ông cho rằng việc kiếm được nhiều tiền không phải mục tiêu thực sự của mình.
Giàu có là thế, nhưng lối sống của đại gia số 1 Mexico lại rất giản dị. Căn nhà của ông tại thành phố Mexico được biết có nội thất khá bình thường, 6 phòng ngủ và một bể bơi nhỏ, không hề hào nhoáng như những biệt thự đắt đỏ ở Mỹ. Mỗi tối thứ Hai ông thích được ngồi nhà thưởng thức những món ăn tự nấu. Một điều đặc biệt là, Carlos không hề có tài xế riêng. Ở thành phố có mật độ tắc đường vào hạng dày đặc nhất thế giới, thay vì có một người lái xe cho riêng mình, ông lại thích tự mình cầm lái hơn.
Là một người nhân ái, nhưng khi Bill Gates và Warren Buffett hứa sẽ quyên góp ít nhất một nửa số tài sản của mình cho quỹ từ thiện, Carlos nhất quyết không theo họ. Theo ông, "Tài sản giống như một vườn cây vậy, cái bạn chia sẻ là quả của nó chứ không phải những cái cây. Sự đói nghèo không thể bị đẩy lùi nhờ quyên góp, ủng hộ, cái chúng ta cần để đối phó với nó là sức khỏe, giáo dục và việc làm. Vì thế, thay vì làm một Santa Claus phân phát quà khắp nơi, hãy tập trung vào công việc kinh doanh của chính mình."
Ngọc Anh (Đời sống & Pháp luật)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.