Nhưng với bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ, ông đã vượt lên bệnh tật, làm giàu cho gia đình và quê hương.
Cơn ác mộng 40 năm
“Cứ nhắm mắt lại là những vòng xoáy của lũ “con ma” (máy bay F4), “thần sấm” (máy bay F 105) lao xuống ném bom lại cuộn lên trong óc tôi. Mỗi lần chúng lao xuống là dải đất Hàm Rồng lại rung lên và bật tung lên trời là đất bụi quê hương và cả máu xương đồng đội”... Đã rời cuộc chiến gần 40 năm nhưng ông Ất vẫn không thể rời bỏ được cơn ác mộng đó.
|
Ông Nguyễn Văn Ất đang chỉ đạo sản xuất trong xưởng của mình. |
Nhập ngũ tháng 5.1972, chưa hết khóa huấn luyện 3 tháng, cậu thanh niên ngoại ô thủ đô cùng bạn bè được điều vào trận địa Hàm Rồng (Thanh Hóa) đầy máu lửa. Sau đó một tháng, Ất đã làm trắc thủ máy đo xạ cho dàn pháo phòng không quanh Hàm Rồng. Cuộc chiến tàn khốc nơi đây đã để lại cho chàng trai ấy một vết hằn đi theo suốt cuộc đời.
Ngay sau khi Bắc Nam liền một dải, cầu Hàm Rồng yên bình soi bóng xuống dòng sông Mã xanh trong, ông Ất mới biết mình mắc một chứng bệnh kỳ lạ: Ông sợ khi mình phải chuyển động với tốc độ cao. Có lẽ ấn tượng kinh hoàng khi đối mặt với những cú bổ nhào thả bom của máy bay Mỹ đã khiến ông mang cái “sang chấn tâm lý” kỳ lạ đó.
Rời chiến trường năm 1977, xuất ngũ và chuyển ngành sang làm Công ty Xây dựng nhà ở số 2 Hà Nội, rồi chuyển về Tổng Công ty Bách hóa Hà Nội, nhưng ở đâu, ông Ất cũng thấy mình lạc lõng vì chứng bệnh hoang tưởng kỳ lạ đó. Đến năm 1990, ông phải rời bỏ công việc, nghỉ theo chế độ 176. Năm 1990 là thời điểm đất nước chuyển mình mạnh mẽ, mảnh đất phía nam Hà Nội - xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) thay đổi chóng mặt.
Nơi đây đã hình thành hợp tác xã vận chuyển Tứ Hiệp khổng lồ với vài trăm đầu xe: Lúc đầu là xe ngựa, xe bò, sau đó là công nông... chuyên chở vật liệu xây dựng cho toàn bộ khu vực phía nam thủ đô. Sự nhạy bén của người dân tại đây đã kéo theo sự phát triển kinh tế của các gia đình, của xã, huyện. Nhưng trong khi bạn bè nhộn nhịp ngựa xe thì ông Ất cùng vợ con vẫn phải thui thủi làm ruộng vì căn bệnh “sợ tốc độ” của mình. Mang “tâm bệnh” đó giữa Hà Nội đang quay những vòng quay chóng mặt thì không nghèo đói đã là tốt, mong gì một cuộc sống giàu sang.
Giấc mơ thăm lại chiến trường xưa
Không chế độ thương binh hay bệnh binh (vì ở Việt Nam không có chế độ cho loại “sang chấn tâm lý” đó), ông Ất thiệt thòi hơn các thương binh khác khi hòa nhập với đời sống hậu chiến. Với gia đình và bạn bè, ông chỉ dám nói mình bị bệnh say xe chứ không dám nói đến vết thương tâm lý ấy.
Hàng ngày nhìn đống phế liệu mà những đoàn xe của Hợp tác xã vận chuyển Tứ Hiệp chuyển về, ông Ất ngạc nhiên khi thấy những cánh cửa gỗ vẫn còn tốt, chắc chắn nhưng bị bỏ đi chỉ vì những chiếc bản lề hoen gỉ, mục nát. Lúc đó, ý tưởng về việc sản xuất những chiếc bản lề đẹp bền, chắc chắn thay cho bản lề sắt dễ hư hỏng kia đã được hình thành trong ông. Thứ mà ông dùng thay sắt là inox, loại vật liệu mới được bán rộng rãi trên thị trường.
Thoạt đầu làm thủ công vài chục bộ để vợ mang đi rao bán lẻ tại các cửa hàng sắt thép, rồi cứ dần dần phát triển... Sau 10 năm, cơ sở sản xuất các thiết bị inox của ông Ất đã có hàng chục máy móc hiện đại và kho vật liệu lớn trị giá nhiều tỷ đồng, với vài chục công nhân.
Ông Ất kể về thuở cơ hàn của mình: “Bạn bè tôi, có ông mất chân, mất tay vẫn đi lại thoăn thoắt, lại còn sắm xe ba bánh chở hàng mới ghê chứ. Nhìn các ông ấy, nhiều lúc mình nghĩ quẩn: Giá mình mất chân, mất tay có lẽ còn dễ sống hơn là bị mang cái bệnh “khỉ gió” này”.
Vừa rồi, ông Ất đã “dám” làm một cuộc dịch chuyển lớn của đời mình. Sau khi nghề làm bản lề, ốc vít bằng inox ăn nên làm ra, nhiều người ở Tứ Hiệp đã học nghề và nơi đây hình thành một làng nghề công nghiệp lớn sản xuất mặt hàng này. Quá nhiều cơ sở sản xuất kim khí đã gây ô nhiễm môi trường và tạo tiếng động gây phiền hà cho những người xung quanh, nên ông Ất lại là người đầu tiên chuyển cơ sở sản xuất của mình sang Khu công nghiệp Văn Điển (cách cơ sở cũ 3km).
Ông khoe: “Mình là anh lính nên phải chuyển trước để mọi người biết mà làm theo. Với lại chuyển sang cơ sở mới, xa nhà nên tớ cũng bắt bản thân mình buộc phải tập ngồi xe máy luôn”. Dù hiện tại đã làm quen được với việc ngồi xe máy nhưng nhìn thấy ô tô, ông Ất vẫn khiếp vía. Vậy nên giờ ông vẫn có một ước mơ - tưởng giản đơn nhưng trùng trùng khó khăn.
Mơ ước đau đáu của ông là được về thăm lại chiến trường xưa. Dù mảnh đất Hàm Rồng chỉ cách nhà ông chưa đầy 200km, nhưng đã gần 40 năm nay ông vẫn chưa được về thăm nơi ông đã sống một quãng đời đầy bi tráng. Sự an ủi với ông chỉ là nhận các đồng đội cũ và con em họ vào cơ sở của mình làm việc để hàng ngày được nói chuyện về các kỷ niệm chiến trường với họ. “Từ giờ đến cuối năm 2012, bằng giá nào, dù có phải đi bộ tôi cũng phải vào thăm lại Hàm Rồng. Thời gian lâu quá rồi, vào đó chỉ sợ anh linh đồng đội không còn nhận ra mình nữa thì tủi lắm” - ông Ất quyết tâm.
Nói về sự thiệt thòi của mình khi không có chế độ đãi ngộ khi mang căn bệnh lạ từ chiến tranh kia, ông Ất nhăn mặt: “Sao lại bảo là tôi thiệt thòi? Đồng đội tôi - những người không biết đến ngày đất nước thanh bình mới là thiệt thòi. Chứ như tôi, ra khỏi chiến tranh còn sống, biết ngày đất nước độc lập, lại còn làm kinh tế được để có điều kiện giúp đỡ mọi người thì là may mắn quá rồi. Thiệt thòi gì đâu!”.
Nam Hải
Vui lòng nhập nội dung bình luận.