Từ cậu bé mồ côi… thành tỷ phú
“Alo, anh Hiếu à… em đến nhà anh rồi”. Bên kia điện thoại, một giọng trung niên chất phác trả lời: “Tôi đang ở lòng hồ Thủy điện Plei Krông, đang lái phà đón bà con đi làm rẫy về. Đang bận lắm, không về nhà ngay được. Anh ra đây đi, luôn tiện ghi nhận cảnh bà con Tây Nguyên vất vả đi làm qua sông nước”.
Anh Hiếu đầu tư 3 tỷ đồng mua phà chở bà con vượt sông. Ảnh: Lê Kiến
"Anh A Hiếu là một công dân gương mẫu ở địa phương. Từ một người có hoàn cảnh khó khăn, anh Hiếu vươn lên làm giàu, là gương điển hình để bà con nông dân học tập”.
Chị Nguyễn Thanh Huyền –
Chủ tịch Hội Nông dân
huyện Đăk Hà
|
Mặc dù có hẹn trước nhưng qua mấy bận điện thoại, tìm đến tận nhà xem ra vẫn khó gặp vị “tỷ phú làng Kon Gung” (xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, Kon Tum). Khi tôi vừa đến bến phà, từ xa đã nghe tiếng động cơ phà phành phạch, áp bờ. Nhiều người trên phà, quần áo còn lấm lem, tất bật mang gùi, cuốc… vội vàng nhảy lên bờ. Chủ nhân chiếc phà – anh A Hiếu ngẩng mặt nở nụ cười, làn da rám nắng đậm chất nông dân. Mới nhìn, ít ai nghĩ anh là tỷ phú người dân tộc Rơ Ngao đã nổi danh nhiều năm nay.
A Hiếu tự hào giới thiệu, anh đã đầu tư 3 chiếc phà trị giá 3 tỷ đồng chở khách và hàng nông sản nhiều năm nay trên sông rất ngon lành. Anh mua phà, chở khách qua lại khu vực lòng hồ thủy điện cũng là tình cờ, từ đầu không có ý định kinh doanh. Do trước đây làm rẫy ở làng Đăk Mút phải qua sông khó khăn nên anh tự đóng phà để chở nông sản, tiện đường chở bà con qua sông. Về sau theo nhu cầu đi lại, chở nông sản của bà con, liền quyết định đầu tư 1,5 tỷ đồng mua phà lớn. Được người dân ủng hộ, làm ăn có lãi, anh tiếp tục mua thêm 2 chiếc phà nữa. Trước phục vụ người dân, sau là làm cho mình.
Theo anh Hiếu, sản nghiệp trên sông nước là phụ, nguồn thu chính của gia đình chủ yếu từ gần 10ha cà phê, bời lời, mì, lúa và nuôi bò. Tổng thu nhập hàng năm vài tỷ đồng, lãi ròng sau khi trừ chi phí cũng trên 1 tỷ đồng.
Nói về một thời bươn chải, anh chia sẻ: “Cuộc sống của anh hồi xưa cơ cực lắm, chuyện nhịn đói, ăn củ khoai, lá mì qua bữa là thường ngày. Bởi anh mới lên 2 tuổi thì bố mất, mẹ đi thêm bước nữa, anh ở với 2 chị gái. Lúc nhỏ đi chăn bò, chăn trâu… lớn thì đi làm thuê, cuốc mướn qua ngày. Do nhà khó khăn, học đến lớp 6 phải nghỉ. Đến lúc lấy vợ, ra ở riêng “con cái nheo nhóc” gian khổ, thiếu thốn đủ bề. Cũng may hồi đó đất đai bao la, chỉ cần có sức đi khai hoang là thành rẫy của mình. Ban đầu có 1ha đất, làm ăn trúng mùa, rồi gầy dựng mua thêm, mở rộng làm ăn mới có cơ ngơi như hôm nay”.
Nhiều lúc ngẫm lại, nước mắt anh lại chảy dài trên má vì hạnh phúc. Từ một cậu bé mồ côi, chịu nhiều thiệt thòi, đói rét lại thành tỷ phú đầu tiên của làng. Chuyện tưởng như mơ lại là sự thật. Hiện 4 đứa con của anh đều được ăn học tử tế, con gái đầu vừa học xong ngành dược. Nhà cửa xây dựng khang trang, trị giá gần 1 tỷ đồng, mua xe cơ giới, xe máy, tivi… đủ loại tiện nghi.
Người nhân ái ở làng Kon Gung
Tỷ phú A Hiếu tại bến phà sông Pô Kô. Ảnh: Lê Kiến
Nói về bước đầu tiên lập nghiệp, anh Hiếu kể: “Mình làm việc thành công không phải ngẫu nhiên mà có, đó là cả một quá trình nỗ lực không ngừng. Từ năm 1994, thấy các hộ người Kinh trồng cà phê năng suất cao, giá cả gấp nhiều lần trồng lúa nên mình chịu khó đi làm thuê để học kỹ thuật và kinh nghiệm. Về sau tự mua giống về trồng, sau nhiều lần thất bại mới được...".
Đến nay A Hiếu đã trồng 5ha cà phê kinh doanh. Anh cũng là người đầu tiên trong làng đưa cây cà phê về trồng. Nghĩ mình đã trải qua nhiều gian khó, giờ có điều kiện thì anh hỗ trợ, hướng dẫn lại cho bà con. Hàng năm, anh mua mấy ngàn cây giống chở đến tận nhà những hộ khó khăn cho không lấy tiền. Các hộ A Thả, A Thân…trước không biết trồng cà phê nay đã ổn định làm ăn.
Bên cạnh việc hỗ trợ về kỹ thuật, cây giống, anh Hiếu còn dùng 1 tỷ đồng cho vay không tính lãi hoặc lãi suất thấp hỗ trợ bà con phát triển sản xuất. Mặt khác, hàng ngày anh cũng tạo điều kiện cho hàng chục, hàng trăm người dân đi phà về 2 bên bờ sông Pô Kô không lấy tiền. Việc làm ấy tuy nhỏ nhưng người làng ai cũng quý trọng, biết ơn.
“Phà của tôi mưa nắng gì cũng hoạt động, có vài người cũng chạy. Bình thường, mỗi xe máy tôi lấy 10.000 đồng, xe máy cày chở nông sản lấy từ 100.000-200.000 đồng, nếu là chạy xe không thì lấy 50.000 đồng. Riêng với bà con trong làng, đi bộ thì anh không lấy đồng nào. Nhiều lúc phà kín chỗ nhưng chỉ thu được vài chục nghìn vì không ai đi xe máy, có khi mưa gió có vài khách cũng vẫn đi… lắm lúc không đủ tiền đổ dầu. Vợ nói “anh chạy mà không lấy tiền, lúc khách ít thì nghỉ đi”, nhưng anh bảo lỗ cũng phải chạy để bà con qua sông mới đi làm được” - anh Hiếu chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.