Một máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines
Hôm nay 16.8, Cục An toàn Giao thông Úc (ATSB) công bố một bộ gồm hai báo cáo phân tích dữ liệu thu thập được trong quá trình tìm kiếm máy bay của hãng hàng không Malaysian Airlines.
Báo cáo bao gồm hình ảnh vệ tinh và mô hình trôi dạt của các mảnh vụn thu thập từ Ấn Độ Dương. Những mô hình này được thực hiện bởi Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Úc (CSIRO).
Cuối năm ngoái, các mô hình trôi dạt đã giúp xác định một diện tích rộng 25.000 km vuông (ngay bên ngoài khu vực tìm kiếm ban đầu) có thể là nơi máy bay rơi.
Nhưng mô hình trôi dạt mới thu hẹp khu vực tìm kiếm tiềm năng xuống còn 5.000 km vuông.
Mảnh vỡ được cho là của MH370 dạt vào đảo La Reunion, Ấn Độ Dương
Greg Hood, Giám đốc Cục an toàn giao thông Úc, kêu gọi sự thận trọng trước những phát hiện mới.
"Rõ ràng chúng ta phải thận trọng", Hood nói. "Những vật thể này chưa được xác định chắc chắn là mảnh vỡ của MH370".
"Tổ chức Khoa học địa chất Úc đã xác định một số vật thể trong hình ảnh vệ tinh được phân loại là có thể do con người tạo ra.
"Độ phân giải không đủ cao để chắc chắn liệu các vật thể này có nguồn gốc từ MH370 hay chỉ là vật thể khác, có thể được tìm thấy trôi nổi trên đại dương khắp thế giới".
Ông Hood nói thêm rằng "thông tin trong báo cáo của Khoa học địa chất Úc và CSIRO có thể hữu ích trong việc cung cấp thông tin cho bất kỳ nỗ lực tìm kiếm nào có thể xảy ra trong tương lai".
Sau gần ba năm, cuộc tìm kiếm chuyến bay mang số hiệu MH370 kết thúc trong vô vọng. Sau khi lùng sục khu vực rộng tới 120.000 km vuông ở Ấn Độ Dương, đội tìm kiếm đã không tìm thấy bất kỳ dấu vết của chiếc máy bay.
Máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines biến mất vào tháng 3.2014 trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh với 239 người. Hiện vị trí của MH370 vẫn là một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất thế giới.
Những kết quả thu được sau cuộc tìm kiếm MH370 có thể giúp ích rất nhiều cho các nhà khoa học.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.