Theo các chuyên gia quân sự tiết lộ, pháo tự hành ZSU-23-4 Shilka của quân đội Ukraine không chỉ sử dụng để chống lại các mục tiêu trên không, chẳng hạn như các máy bay trinh sát của quân nổi dậy, mà còn ở tất cả các mục tiêu khác, kể cả mục tiêu trên mặt đất.
Hệ thống pháo tự hành ZSU-23-4. Ảnh: Armor-Kiev.ua
ZSU-23-4 Shilka vốn là hệ thống pháo tự hành được phát triển vào đầu những năm 1960, sau đó đã được nâng cấp. Nó có trọng lượng 19 tấn. Kíp chiến đấu 4 người gồm chỉ huy, người lái, xạ thủ và người vận hành radar.
Hệ thống này được trang bị 4 khẩu pháo 2A7 cỡ 23 mm, có công cụ radar RPK-2 Tobol, với 2000 viên đạn, được gắn trên xe bọc thép bằng động cơ diesel, có phạm vi hoạt động tối đa tới 450 km và tốc độ di chuyển tối đa đến 50 km/h. Các phiên bản ZSU-23-4 về sau còn được trang bị 6 tên lửa đất đối không tầm ngắn SA-18 hoặc SA-16.
Dù ZSU-23-4 Shilka được thiết kế đóng vai trò làm vũ khí phòng không tầm ngắn nhưng loại pháp tự hành này vẫn có sức mạnh cực kỳ nguy hiểm đối với các loại xe bọc thép hạng nhẹ, các xe hỗ trợ bộ binh và nhiều mục tiêu quân sự khác trên mặt đất. Với hỏa lực mạnh, ZSU-23-4 có thể vô hiệu hóa xe tăng bằng cách phá hủy tầm nhìn của súng, hệ thống ăng-ten cùng nhiều bộ phận dễ tổn thương khác.
Pháo tự hành ZSU-23-4 có khả năng tiêu diệt đa mục tiêu cả trên không và mặt đất. Ảnh: Armor-Kiev.ua
Tờ Vestnik-rm cho biết thêm, kế hoạch sử dụng pháo tự hành Shilka của quân đội Ukraine nhằm mục đích hỗ trợ hỏa lực cho các đơn vị mặt đất trong tình hình các loại xe bọc thép của Ukraine bị thiệt hại nhiều.
Hệ thống pháo tự hành ZSU-23-4 từng chứng minh sức mạnh hiệu quả của nó trong nhiều chiến trường trước đây như ở Trung Đông, Châu Phi, trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.
Tuy nhiên, ZSU-23-4 về sau vào những năm 1980 đã không còn uy lực hiệu quả bằng hệ thống tiên tiến hơn Tunguska. Đồng thời hệ thống pháo tự hành ZSU-23-4 được bảo vệ bởi lớp giáp khá yếu chỉ 9,2 mm và 8,2 mm quanh tháp pháo. Do vậy, có thể Ukraine sẽ phải dùng các tấm lưới thép để tăng cường thêm sự bảo vệ cho hệ thống này khi tham chiến.
Ukraine sẽ dùng ZSU-23-4 để hỗ trợ hỏa lực cho các đơn vị mặt đất. Ảnh: Armor-Kiev.ua
Trước đó, tờ báo RT (7.9) dẫn nguồn tin không chính thức từ lực lượng tình báo quân nổi dậy cho biết, lực lượng quân đội Ukraine tập trung gần Donetsk ngoài sự hiện diện của khoảng 15 hệ thống pháo tự hành phòng không Shilka, còn có ít nhất 47 xe tăng, 7 tổ hợp tên lửa Tochka-U, 6 tổ hợp tên lửa đa nòng Grad và 1 tổ hợp tên lửa đa nòng Smerch. Tuy nhiên thông tin này chưa được kiểm chứng.
>> Xe tăng T-72 Nga rơi, nằm ngửa bụng trên phố
Được biết, sau khi lệnh ngừng bắn được ban bố, các cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine được cho là vẫn có sự tiếp diễn. Các nhà quan sát lo ngại rằng, với diễn biến như thế thì lệnh ngừng bắn này có khả năng bị thất bại.
Đến ngày 10.9, theo ghi nhận của Reuters, một cuộc đụng độ giữa phe ly khai và quân đội Ukraine ở Donetsk được cho là đã xảy ra. Trước đó, theo Đài tiếng nói nước Nga thông tin, trong một cuộc họp ở Moscow ngày 9.9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng bày tỏ quan ngại về việc tập trung quân đội, vũ khí gồm cả pháo hạng nặng của Ukraine ở một số điểm ở miền Đông.
Đồng thời, vị Ngoại trưởng Nga cũng bày tỏ quan ngại đối với một số vụ vi phạm lệnh ngừng bắn đang diễn ra ở miền Đông, Ukraine mà cả hai phía chính phủ Kiev và phe nổi dậy đang đổ lỗi cho nhau.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.